Ông Võ Ngọc Sang (phải) - phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông, đại diện chủ đầu tư dự án vành đai 3 TP.HCM qua Bình Dương - giải đáp thắc mắc của người dân sau khi công bố chủ trương dự án - Ảnh: BÁ SƠN
Ngày 17-10, tại phường Bình Thắng, TP Dĩ An (tỉnh Bình Dương), Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương phối hợp cùng chính quyền địa phương đã tổ chức họp công bố chủ trương đầu tư dự án vành đai 3 TP.HCM qua địa bàn tỉnh.
Hơn 300 hộ dân tại TP Dĩ An được mời tham dự. Trước đó, các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án tại TP Thuận An (gồm các phường An Thạnh, An Sơn, Bình Chuẩn) và TP Thủ Dầu Một (phường Phú Hòa) cũng đã được mời họp.
Tới nay việc họp công bố chủ trương đầu tư dự án với các hộ dân bị ảnh hưởng (tổng số gần 1.000 hộ trong toàn tỉnh Bình Dương) đã được tổ chức xong.
Song song với việc họp công bố dự án với người dân bị ảnh hưởng, để đẩy nhanh tiến độ, các hoạt động bên ngoài thực địa gồm cắm cọc để xác định ranh giải phóng mặt bằng và khoan thăm dò địa chất... cũng được thực hiện đồng thời.
Ranh giải phóng mặt bằng cho nút giao thông Tân Vạn thuộc dự án vành đai 3 TP.HCM qua địa bàn tỉnh Bình Dương được công bố tại cuộc họp - Ảnh: BÁ SƠN chụp lại
Tại các buổi họp dân, sau khi nghe chủ đầu tư công bố nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và các kế hoạch của UBND tỉnh Bình Dương về dự án vành đai 3 TP.HCM, các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án đều đồng tình ủng hộ bàn giao mặt bằng cho dự án giao thông quan trọng góp phần kết nối vùng, phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, người dân cũng mong muốn cơ quan chức năng khi phê duyệt giá đền bù, hỗ trợ cần hợp lý, phù hợp với giá thị trường và có phương án tái định cư cho các hộ dân bị giải tỏa trắng để người dân sớm ổn định cuộc sống, không bị thiệt thòi khi nhường mặt bằng cho dự án.
Tại cuộc đối thoại ngày 17-10, ông Phan Xuân Kỳ (87 tuổi, ngụ TP Dĩ An) cho biết mặc dù ông đã sinh sống ổn định mấy chục năm, nhưng nay bị ảnh hưởng bởi dự án thì ông vẫn ủng hộ vì đường vành đai 3 TP.HCM là dự án quan trọng theo chủ trương của Nhà nước.
Tuy nhiên ông Kỳ cho rằng đối với các hộ dân bị ảnh hưởng đủ tiêu chuẩn tái định cư thì cần phải có tái định cư trước khi người dân giao đất để ổn định cuộc sống.
Hàng trăm người dân tại TP Thuận An, tỉnh Bình Dương dự họp công bố dự án vành đai 3 trong tháng 10-2022 - Ảnh: B.S.
Bà Nguyễn Thị Khuyên, một người dân bị ảnh hưởng bởi dự án, cho biết bà cũng rất ủng hộ dự án và hợp tác với cơ quan chức năng. Bà Khuyên nói qua báo đài thì thấy người dân bị ảnh hưởng bởi dự án sân bay Long Thành được bồi thường, tái định cư rất tốt, nên bà hy vọng người dân bị ảnh hưởng bởi dự án vành đai 3 TP.HCM cũng sẽ được hưởng các chính sách tương tự.
Ông Võ Ngọc Sang - phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương - cho biết đã ghi nhận ý kiến của người dân. Trong đó có cả việc sẽ lưu ý với cơ quan chức năng liên quan trong quá trình phê duyệt giá bồi thường, hỗ trợ còn cần tính tới yếu tố "giáp ranh" giữa TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương.
Về việc kiểm kê, bồi thường với từng trường hợp cụ thể, phương án tái định cư..., sau khi công bố chủ trương dự án, cơ quan chức năng sẽ có phê duyệt cụ thể và sẽ tiếp tục có thông báo tới các hộ dân.
"Chủ trương của trung ương là tới 30-6-2023 phải hoàn thành giải phóng mặt bằng ít nhất 70% và bàn giao mặt bằng còn lại trước 31-12-2023. Tại Bình Dương, chủ trương của lãnh đạo tỉnh là cố gắng phấn đấu tới dịp 30-4-2023 có thể khởi công dự án" - ông Sang cho biết.
19.280 tỉ đồng đầu tư dự án qua Bình Dương
Dự án vành đai 3 TP.HCM qua địa bàn tỉnh Bình Dương có tổng mức đầu tư 19.280 tỉ đồng, gồm hai dự án:
- Dự án thành phần 5: xây dựng đường vành đai 3 đoạn qua tỉnh Bình Dương, bao gồm nút giao Tân Vạn và cầu Bình Gởi (cầu vượt sông Sài Gòn nối Bình Dương - TP.HCM), trị giá 5.752 tỉ đồng.
- Dự án thành phần 6: bồi thường, hỗ trợ và tái định cư vành đai 3 qua Bình Dương, chiếm nhiều vốn nhất, tới 13.528 tỉ đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận