Chuyên gia nước ngoài trò chuyện với các bạn trẻ tại Trung tâm khởi nghiệp tỉnh Bình Dương - Ảnh: Q.ĐỊNH
Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025) khai mạc ngày 13-10 và sẽ diễn ra đến ngày 15-10. Đây là dịp quan trọng để các đại biểu, người dân và cộng đồng doanh nghiệp cùng nhìn lại những thành tựu và tìm ra các giải pháp mới cho giai đoạn bản lề để chuyển mình của Bình Dương.
Đẩy mạnh kết nối vùng
Từ thế mạnh phát triển công nghiệp, là vùng sản xuất của cả nước, tỉnh Bình Dương đang chuyển sang giai đoạn đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, kết hợp giữa phát triển công nghiệp và thương mại, dịch vụ chất lượng cao, gắn với xây dựng "thành phố thông minh".
Các văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương cho thấy tới nay rất nhiều chỉ tiêu đã đạt hoặc vượt so với kế hoạch, đưa tỉnh Bình Dương trở thành một "thành phố trẻ" đầy sức sống, tạo cơ hội cho mọi người an cư lạc nghiệp. Có nhiều con số ấn tượng như: thu ngân sách nhà nước luôn đạt và vượt chỉ tiêu đặt ra về cả số thu và tốc độ tăng. Ước tính năm 2020 tổng thu ngân sách của tỉnh Bình Dương là hơn 62.000 tỉ đồng, tăng gấp 1,7 lần so với năm 2015 (tăng bình quân hằng năm là hơn 11%).
Mới đây, tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn nối Bình Dương với TP.HCM, Đồng Nai... đã được thông xe toàn tuyến. Các dự án cầu, đường kết nối giữa Bình Dương và các tỉnh Tây Ninh, Đồng Nai... đã được khởi công, tạo sự lưu thông thông suốt.
Nhiều đại biểu, chuyên gia đã góp ý cho chương trình hành động của tỉnh Bình Dương trong thời gian tới, trong đó nêu ý kiến Bình Dương sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan trung ương và các tỉnh để hoàn thiện những công trình kết nối vùng như các tuyến đường vành đai 3, 4 với TP.HCM; kiến nghị trung ương sớm đầu tư đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành...
Phát triển thông minh
Những năm gần đây, nhiều người quan tâm đề án xây dựng "thành phố thông minh" với những cách làm rất riêng của Bình Dương. Ông Nguyễn Văn Hùng - chủ tịch Tổng công ty Becamex IDC, doanh nghiệp vốn nhà nước chi phối thuộc UBND tỉnh Bình Dương - cho biết Bình Dương xây dựng "thành phố thông minh" là để tìm kiếm các giải pháp thu hút đầu tư, tăng năng suất lao động, nâng cao đời sống người dân... nên cả chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp, các trường đại học, viện nghiên cứu... đã cùng vào cuộc để bàn bạc, mạnh dạn đưa ra những giải pháp.
Bình Dương đang tích cực chuẩn bị cho khu công nghiệp khoa học công nghệ đầu tiên, gắn với việc hình thành "vùng đổi mới sáng tạo", "vùng thông minh Bình Dương"... Đây là những khát vọng lớn, hiện thực hóa nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh.
Tỉnh ủy Bình Dương ban hành những chương trình phát triển đột phá, đồng bộ như: phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển ngành dịch vụ chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp, đô thị theo hướng văn minh hiện đại; phát triển hạ tầng giao thông theo hướng đô thị hóa...
Nhiệm kỳ qua, tỉnh Bình Dương đã mạnh dạn biến các khu đất vốn là trụ sở cơ quan nhà nước, khu đất công... thành công viên. Tổng cộng Bình Dương đã có tới hơn 120 công viên mới.
Thu hút đầu tư thuộc top đầu cả nước
Thu hút đầu tư tại Bình Dương cũng chuyển biến lớn, trong đó thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đạt trên 12 tỉ USD, vượt trên 5 tỉ USD so với nghị quyết đề ra. Bình Dương hiện đứng thứ hai cả nước về thu hút vốn FDI với tổng số vốn đăng ký lũy kế trên 35 tỉ USD với hàng ngàn dự án đang hoạt động, tạo nhiều việc làm cho người lao động.
* Ông TRẦN VĂN NAM (bí thư Tỉnh ủy Bình Dương):
Duy trì đoàn kết, dám nghĩ dám làm
Bài học mà Bình Dương rút ra từ thực tiễn là luôn đoàn kết, nhất trí trong toàn Đảng bộ; kế thừa và phát huy tốt nhất những thành quả, kinh nghiệm của nhiệm kỳ trước nhưng cũng không ngừng sáng tạo, đổi mới, dám nghĩ, dám làm, quyết tâm vượt khó để vươn lên.
Đồng thời, phát huy tối đa những lợi thế so sánh của địa phương và tranh thủ huy động, khai thác sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển trên mọi lĩnh vực. Trong đó, tiếp tục xác định phát triển hạ tầng là khâu đột phá, đặc biệt là hạ tầng về giao thông.
* Ông Peter Portheine (chuyên gia Hà Lan):
Bình Dương đã chủ động đổi mới
Kinh nghiệm của thành phố Eindhoven (Hà Lan) là khi xảy ra khủng hoảng kinh tế thì đã đổi mới, phát huy sự tương tác giữa nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học để tìm kiếm các giải pháp, đưa thành phố từ khủng hoảng trở thành một trong những khu vực phát triển nhất châu Âu. Chúng tôi nhận thấy hiện nay Bình Dương đã không đợi một cuộc khủng hoảng, mà sau một giai đoạn thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp thành công thì tỉnh đã chủ động nghiên cứu đề án "thành phố thông minh" để đổi mới chính mình.
Hiện thành phố Eindhoven và tỉnh Bình Dương đã kết nghĩa, tạo cầu nối để các chuyên gia, các tập đoàn và doanh nghiệp hai nước hợp tác theo hướng đưa các mô hình sản xuất tiên tiến tới Bình Dương; qua đó xây dựng vùng đổi mới sáng tạo và đưa Bình Dương, Việt Nam tham gia chuỗi giá trị tiên tiến của toàn cầu.
* Tiến sĩ Oh Dongkun (nhà đầu tư Nhật Bản, tổng giám đốc Công ty Becamex Tokyu):
Mong muốn đóng góp các ý tưởng phát triển
Sau nhiều năm đầu tư vào Bình Dương, chúng tôi nhận thấy tỉnh đang có những phát triển rất bài bản, đặc biệt là thành phố mới Bình Dương được quy hoạch và có tầm nhìn tốt. Tập đoàn Tokyu hợp tác với các đối tác Bình Dương không chỉ phát triển bất động sản mà còn đầu tư vào lĩnh vực giao thông công cộng, kêu gọi thêm các nhà đầu tư khác cùng tham gia để tạo ra một hệ sinh thái phát triển.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận