Chị Lê Bích Hoài Thương (26 tuổi, nhân viên văn phòng) chia sẻ về việc quyết định tiêm vắc xin Sinopharm - Video: BÁ SƠN
Vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất. Chúng tôi mong mỗi người dân đều được tiêm vắc xin để giảm nguy cơ của dịch bệnh COVID-19.
Ông NGUYỄN VĂN LỢI - bí thư Tỉnh ủy Bình Dương
Ngày 2-9, cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương bắt đầu triển khai tiêm những liều vắc xin Sinopharm đầu tiên trong tổng số 1 triệu liều nhận từ TP.HCM. Rất nhiều địa điểm tiêm lưu động được triển khai tại các địa điểm công cộng và nhà máy khu vực thuộc "vùng đỏ" có nguy cơ COVID-19 cao.
Điều đáng chú ý là trái với lo ngại của một số thành viên ban tổ chức về tâm lý e ngại của người dân, trên thực tế số lượng người dân Bình Dương đi tiêm vắc xin Sinopharm khá nhiều, các địa điểm đều liên tục có thêm người dân tới tiêm vắc xin.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online tại Trung tâm văn hóa phường Phú Lợi, thành phố Thủ Dầu Một, từ 8h mới bắt đầu tiêm nhưng nhiều người dân và lực lượng chức năng đã tới từ sớm để chuẩn bị. Sau khoảng một giờ, đã có hàng trăm người được tiêm chủng tại địa điểm tiêm này...
Tại các địa điểm tiêm khác như chung cư Phú Hòa 1 (phường Phú Hòa), các địa điểm tiêm lưu động tại phường Tân An (TP Thủ Dầu Một), khu phố Nội Hóa 1 (phường Bình An, thành phố Dĩ An), điểm tiêm tại Công ty Glory Oceanic (thị xã Tân Uyên)... theo ghi nhận sáng cùng ngày cũng có rất nhiều người tiêm vắc xin Sinopharm.
Tại các địa điểm tiêm đều có trạm y tế lưu động và có tình nguyện viên hỗ trợ nhập liệu lên hệ thống tiêm chủng quốc gia và cấp giấy chứng nhận tiêm chủng cho người dân. Địa điểm tiêm được tổ chức khá chu đáo, có loa phát thanh liên tục tuyên truyền về tác dụng của vắc xin.
Trong đó, vắc xin Vero Cell của Sinopharm là một trong các loại vắc xin đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế cấp phép, có tác dụng phòng chống COVID-19, giảm tỉ lệ tử vong...
Từ sáng sớm, nhiều người dân đã xếp hàng chờ tiêm vắc xin Sinopharm tại phường Phú Lợi, thành phố Thủ Dầu Một - Ảnh: BÁ SƠN
Là một trong những người tiêm vắc xin sớm nhất, chị Lê Bích Hoài Thương (26 tuổi, nhân viên văn phòng) cho biết chị biết loại vắc xin được tiêm là Sinopharm có xuất xứ từ Trung Quốc, nhưng vẫn tin tưởng tiêm vì chị biết rằng dù là vắc xin nào thì cũng phải được cơ quan y tế thẩm định và cấp phép.
Bà Trịnh Thị Buổi, 61 tuổi, cũng đã tiêm vắc xin Sinopharm và cho biết "không ngại" vì trong lúc dịch bệnh đang diễn biến phức tạp thì có vắc xin được tiêm là tốt rồi. Anh Vũ Đức Thích, 40 tuổi, làm nghề tự do, cho biết sau khi tiêm không thấy có vấn đề gì và đã xin thêm 1 phiếu đăng ký để về đưa vợ tới tiêm...
Ông Nguyễn Văn Lợi - bí thư Tỉnh ủy Bình Dương - cùng lực lượng chức năng địa phương đã đi kiểm tra, thăm hỏi bà con ở nhiều địa điểm tiêm. Ông Lợi cho biết do điều kiện về kho lưu trữ vắc xin có hạn nên Bình Dương sẽ lấy về từng đợt nhưng sẽ chuyển liên tục.
Ông yêu cầu các địa phương phải theo dõi và báo cáo ngay về số lượng tiêm vắc xin để phân bổ, điều chuyển kịp thời, không làm gián đoạn việc tiêm chủng.
Khám sức khỏe sàng lọc trước khi tiêm. Vắc xin Sinopharm đợt này được triển khai tiêm cho người trong độ tuổi 18-65 - Ảnh: BÁ SƠN
Người dân biết mình được tiêm Sinopharm trước khi quyết định tiêm - Ảnh: BÁ SƠN
Trước khi nhận 1 triệu liều từ TP.HCM, trước đây Bình Dương cũng đã tiêm cho khoảng 20.000 người loại vắc xin Sinopharm và ghi nhận tất cả đều an toàn, chỉ có một người phản ứng nhẹ sau tiêm, theo Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh - Ảnh: BÁ SƠN
Các điểm tiêm đều liên tục có người đến tiêm - Ảnh: BÁ SƠN
Nhân viên y tế hỗ trợ một phụ nữ về vị trí chờ theo dõi sau tiêm - Ảnh: BÁ SƠN
Rút kinh nghiệm trước đây công tác nhập liệu chậm so với tiến độ tiêm thực tế, các điểm tiêm ở Bình Dương đã huy động tình nguyện viên để nhập liệu ngay và cấp giấy chứng nhận tiêm chủng cho người dân - Ảnh: BÁ SƠN
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương (hàng đầu, thứ ba từ trái qua) trực tiếp đi kiểm tra các điểm tiêm, động viên người dân và yêu cầu lực lượng chức năng địa phương phải bám sát, điều phối vắc xin ngay, không để gián đoạn việc tiêm chủng - Ảnh: BÁ SƠN
Tại thị xã Tân Uyên, người lao động tại Công ty Glory Oceanic cũng đi tiêm chủng khá nhiều - Ảnh: C.T.V.
Tại thành phố Dĩ An, điểm tiêm tại khu phố Nội Hóa 1, phường Bình An có người dân tới nhiều nhưng giữ trật tự chờ tiêm vắc xin - Ảnh: C.T.V.
Bình Dương đang là địa bàn "nóng" về COVID-19 với tỉ lệ ca mắc rất cao, hiện đã chiếm gần 5% dân số nên rất cần tăng độ phủ vắc xin trong cộng đồng để phòng chống dịch.
Trong ngày 1-9, Bình Dương tiếp tục ghi nhận thêm 3.440 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng ca mắc lên 118.228 ca, tiếp tục là nơi có tỉ lệ ca mắc trên dân số cao nhất cả nước. Trong đó đã có 936 người tử vong vì COVID-19, riêng trong ngày 1-9 là thêm 39 người tử vong.
Tới nay Bình Dương mới tiêm được gần 1 triệu liều vắc xin, trong đó số người được tiêm hai mũi còn rất ít. Trong khi đó, tổng nhu cầu vắc xin cho 1,5 triệu người độ tuổi trên 18 tuổi là tới 3,2 triệu liều. Ngay cả trong trường hợp có thêm 1 triệu liều Sinopharm thì Bình Dương vẫn còn thiếu vắc xin.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận