Sáng nay, đông đảo người dân xã Cát Tường và huyện Phù Cát đã có mặt từ sáng sớm để xem lễ đón nhận bằng di sản quốc gia phi vật thể "Nghề chằm nón ngựa Phú Gia" ở xã Cát Tường.
Bà Hà Thị Lo (66 tuổi, người làm nghề chằm nón ngựa Phú Gia) rạng rỡ nói: "Tôi làm nghề này từ khi 10 tuổi.
Hôm nay, tôi cảm thấy rất vui và tự hào. Tôi sẽ tiếp tục truyền lại nghề cho con cháu để không phụ công sức và tấm lòng của cha ông".
Tại buổi lễ, ông Lâm Hải Giang - phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - phát biểu:
"Đây là niềm tự hào, vinh dự của người dân xã Cát Tường nói riêng và tỉnh Bình Định nói chung.
Thời gian tới, huyện Phù Cát cần quy hoạch tổng thể, chi tiết đối với làng nghề và xây dựng triển khai thực hiện các giải pháp, các cơ chế, chính sách hỗ trợ các nghệ nhân để giữ nghề và truyền nghề, hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm".
Trong phát biểu của mình, phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - cho biết nón ngựa Phú Gia từ lâu đã là một trong những sản phẩm thủ công truyền thống nổi tiếng được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Ngày xưa, loại nón này chỉ được dành cho giới có chức sắc và những người thuộc giới thượng lưu, quyền quý.
Mỗi chiếc nón ngựa nếu làm đủ các công đoạn, sẽ có độ bền sử dụng 150 - 200 năm. Hiện vẫn còn nhiều chiếc nón ngựa của 200 năm trước được lưu giữ tại thôn Phú Gia, xã Cát Tường.
Ông Nguyễn Văn Hưng - chủ tịch UBND huyện Phù Cát - chia sẻ hiện nay làng nghề truyền thống nón ngựa Phú Gia có khoảng 300 hộ tham gia, mỗi năm sản xuất hơn 3.300 sản phẩm.
"Huyện sẽ tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ, khuyến khích các hộ gia đình, cơ sở sản xuất của làng nghề phát triển sản xuất theo hướng liên kết tạo sản phẩm hàng hóa độc đáo, mang giá trị đặc trưng của làng nghề và đưa hình ảnh chiếc nón ngựa Phú Gia lan tỏa nhiều nơi hơn nữa", ông Hưng nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận