Nhiều trường hợp lấn chiếm đất đai xây dựng công trình dọc đường ven biển Quy Nhơn - Sông Cầu thuộc phường Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) - Ảnh: MINH HOÀI
Trong thảo luận và chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh Bình Định ngày 10-12, các đại biểu quan tâm đến tình trạng lấn chiếm đất đai, xây nhà trái phép đang diễn ra rất phức tạp trên địa bàn tỉnh, nhất là ở địa bàn Khu kinh tế tỉnh Bình Định, dọc các tuyến đường Quy Nhơn - Sông Cầu, đường ven biển của tỉnh. Đại biểu và người dân đề nghị giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, trưởng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định nêu rõ trách nhiệm thuộc về ai và giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Trả lời, ông Lê Văn Tùng - giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định - cho hay đoàn liên ngành do sở chủ trì đã kiểm tra trên tuyến đường Quy Nhơn - Sông Cầu thuộc phường Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn) phát hiện 47 trường hợp sử dụng đất vi phạm lấn chiếm đất, sử dụng không đúng mục đích, xây dựng công trình, vật kiến trúc trái phép. "Các trường hợp này thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND TP Quy Nhơn" - ông Tùng nói.
Trong khi đó, ông Đặng Vĩnh Sơn - trưởng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định - cho hay từ năm 2018, khi các dự án trên địa bàn Khu kinh tế Nhơn Hội xây dựng và hoạt động (nhất là các dự án du lịch, dịch vụ và bất động sản), tình trạng mua, bán, lấn, chiếm và xây dựng trái phép trên địa bàn của khu kinh tế diễn ra rất phức tạp. Ban đã phối hợp với các địa phương vận động và cưỡng chế tháo dỡ 95 trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, hiện tại Khu kinh tế Nhơn Hội vẫn còn 53 trường hợp vi phạm ở các xã Cát Chánh, Cát Tiến (huyện Phù Cát), Phước Hòa (huyện Tuy Phước), Nhơn Hội (TP Quy Nhơn) chưa được xử lý dứt điểm.
Ông Sơn nói có nhiều nguyên nhân, trong đó có lý do công tác quản lý đất đai, xây dựng của các địa phương còn lỏng lẻo, xử lý chưa kịp thời, thiếu kiên quyết. Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa Ban quản lý Khu kinh tế Bình Định với các địa phương trong phát hiện, xử lý còn hạn chế…
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Định Lê Văn Tùng trả lời chất vấn đại biểu HĐND tỉnh Bình Định chiều 10-12 - Ảnh: NGỌC NGUYÊN
Để chấn chỉnh và ngăn chặn tình trạng lấn chiếm đất đai, ông Tùng nói Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh Bình Định có các văn bản chỉ đạo giao các địa phương tăng cường công tác quản lý đất đai, ngăn chặn lấn chiếm đất đai, xây dựng nhà trái phép tại các địa phương có các công trình giao thông trọng điểm (đường ven biển, đường cao tốc Bắc - Nam...). Riêng đối với khu vực có đường cao tốc Bắc - Nam, tạm dừng việc giải quyết thủ tục hành chính, không công chứng, chứng thực mua bán, chuyển nhượng đất đai, chia tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất…
Ngoài ra, sở cũng đề xuất các giải pháp cụ thể, quyết liệt từ cấp sở đến cấp huyện, cấp xã. "Tôi được biết ngày 8-12, TP Quy Nhơn đã cưỡng chế tháo dỡ bốn công trình xây dựng trái phép trên đất chiếm dụng ở đường Quy Nhơn - Sông Cầu và tiếp tục cưỡng chế các trường hợp khác trong thời gian tới" - ông Tùng thông tin.
Còn ông Sơn cam kết Ban quản lý Khu kinh tế Bình Định sẽ phối hợp với UBND các địa phương xử lý dứt điểm 53 trường hợp lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép còn lại trên địa bàn Khu kinh tế Nhơn Hội theo chỉ đạo ngày 5-12-2022 của UBND tỉnh. "Ban phối hợp với các địa phương, cơ quan, đơn vị để khi có vi phạm xảy ra sẽ đề nghị UBND tỉnh xác định trách nhiệm và xử lý cụ thể đối với tập thể, cá nhân liên quan. Phấn đấu trong năm 2023, không để phát sinh trường hợp vi phạm mới" - ông Sơn nói.
Ngăn chặn bạo lực học đường thế nào?
Trả lời chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh về bạo lực học đường, ông Đào Đức Tuấn - giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Định - thừa nhận gần đây xảy ra hai vụ nữ sinh THCS (dưới 14 tuổi) ở huyện Phù Mỹ và TP Quy Nhơn tìm đến tận nhà hành hung bạn rồi tung clip lên mạng xã hội. Sự việc đó đã tạo bức xúc trong dư luận xã hội về bạo lực học đường.
Căn nguyên vấn đề này là những mâu thuẫn xảy ra hằng ngày trong học sinh mà nhà trường và gia đình chậm hoặc không phát hiện, giải quyết kịp thời. Các em tự giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực.
Ông Tuấn nói giải pháp chính khắc phục tình trạng trên là nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa ba môi trường giáo dục: nhà trường, gia đình và xã hội, nhưng ở mức độ quyết liệt hơn, đồng bộ hơn.
"Mỗi ngày các em ở trường dưới 8 giờ, khoảng thời gian còn lại nhà trường cùng với gia đình và xã hội cùng chung tay (nhất là nêu cao trách nhiệm cha mẹ học sinh) thì hiệu quả giáo dục sẽ nâng lên" - ông Tuấn nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận