Và ôm đồm, cứng nhắc vẫn là đặc tính chung của bảng bình chọn này.
Phóng to |
Tiết mục piano 8 tay của Sally Pinkas, Evan Hirsch, Trần Thu Lê, Phạm Nguyễn Anh Vũ trong Liên hoan Piano Quốc tế 2013 từ ngày 2 đến 7-12-2013 tại Nhạc viện TP.HCM - Ảnh: A.C |
Đọc bản danh sách này, nhiều người không khỏi thở dài nói: không khác mấy bản báo cáo thành tích cuối năm của các cơ quan hội ngành đang rầm rập hiện nay. Chỉ thấy thành tích, vinh danh nhưng lại không thấy được dấu ấn của một lĩnh vực luôn sôi động là âm nhạc.
Chuỗi hoạt động của Hội Nhạc sĩ VN lập kỷ lục khi năm nào cũng đứng trong danh sách này. Dù Ngày âm nhạc VN được tổ chức trên quy mô lớn nhưng ngày càng mờ nhạt. Rồi hoạt động âm nhạc nhân kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao cũng được tính là một sự kiện tiêu biểu.
Ngoài các hoạt động có yếu tố ngoại giao, hội ngành thì các cuộc thi, liên hoan, hay việc đoạt thành tích ở một cuộc thi nào đó cũng được tính.
Không thể phủ nhận toàn bộ 10 sự kiện và hoạt động tiêu biểu được bình chọn lần này. Tuy nhiên, cách thức, mục tiêu, tiêu chí bình chọn luôn vấp phải sự phản ứng từ báo chí.
Liên tục trong năm 2011, 2012, danh sách 10 sự kiện và hoạt động âm nhạc tiêu biểu đều bị chỉ trích bởi không phản ánh đúng đời sống âm nhạc trong năm.
Tuy nhiên, cứ đến hẹn lại lên, việc bình chọn vẫn cứ diễn ra bất chấp tiếng phàn nàn phản đối.
Thậm chí những nhà báo tham gia cuộc bình chọn cũng không hề được bỏ phiếu bình chọn theo quan điểm cá nhân. Danh sách được đưa ra, thảo luận vài câu rồi ngay hôm sau đã xuất hiện trên website của Hội Nhạc sĩ dưới danh nghĩa là bình chọn của CLB Âm nhạc và báo chí.
Chương trình Giọng hát Việt nhí dù còn nhiều tranh cãi nhưng đã được đưa vào danh sách phút chót.
Nhưng đây không phải là trường hợp hiếm gặp. Bộ VH-TT&DL đều đặn hằng năm tổ chức bình chọn các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch tiêu biểu.
Danh sách sự kiện cũng mang đúng tính chất của bản báo cáo thành tích với chuỗi sự kiện dài lê thê. Thậm chí, có những mục nếu chia lẻ ra thì phải đến cả chục sự kiện độc lập.
Phần lớn trong số đó đều có liên quan đến các hoạt động do bộ hoặc tổng cục, cục, vụ dưới bộ chủ trì và nặng tính thành tích.
Bởi vậy, dù đã nhiều lần “đến hẹn lại lên” nhưng chưa có danh sách bình chọn nào nhận được sự đồng thuận từ báo chí và dư luận.
Các sự kiện tiêu biểu của Bộ VH-TT&DL do vậy cũng nhanh chóng rơi vào lãng quên. Niềm vui khi lọt vào những cuộc bình chọn thiếu chuyên nghiệp có lẽ cũng chỉ ngắn hạn.
Đã rất nhiều lần, câu hỏi: “Bình chọn để làm gì khi các danh sách đều gắn chặt vào hoạt động của các cơ quan bộ, ngành, hội.
Trong khi các hoạt động biểu diễn nghệ thuật độc lập thì dường như nằm ngoài dù thu hút đông đảo khán giả, bán vé tốt, hiệu ứng chuyên môn cao?” không ai trả lời rõ ràng, hoặc có trả lời thì cũng chỉ là lời hứa hẹn năm sau sẽ cố gắng đưa vào. Nhưng năm sau, chứng bệnh ôm đồm và hành chính hóa một bản danh sách bình chọn cuối năm vẫn lặp lại.
Do vậy, bình chọn 10 sự kiện tiêu biểu bỗng trở thành một thông điệp thiếu cởi mở từ phía cơ quan quản lý văn hóa, hội ngành nghề...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận