09/05/2016 09:02 GMT+7

Big C “làm khó” hàng Việt để đuổi khéo?

TRẦN MẠNH - NHƯ BÌNH - DŨNG TUẤN (tranmanh@tuoitre.com.vn)
TRẦN MẠNH - NHƯ BÌNH - DŨNG TUẤN ([email protected])

TTO - Hàng loạt doanh nghiệp nông sản thực phẩm VN đang đứng trước nguy cơ phải rút hàng khỏi quầy, kệ của hệ thống siêu thị Big C VN sau khi bị đòi chiết khấu tăng quá ngưỡng chịu đựng.

Trong khi có thêm nhiều hàng ngoại, nhất là hàng Thái Lan, được bán ở hệ thống siêu thị Big C thì các doanh nghiệp Việt Nam chuyên cung cấp hàng thủy sản than rằng siêu thị này đưa ra nhiều chính sách “làm khó” cho hàng Việt - Ảnh: Quang Định
Trong khi có thêm nhiều hàng ngoại, nhất là hàng Thái Lan, được bán ở hệ thống siêu thị Big C, các doanh nghiệp Việt Nam chuyên cung cấp thủy sản than siêu thị này đưa ra nhiều chính sách “làm khó” hàng Việt - Ảnh: Quang Định

Với chính sách chiết khấu năm sau cao hơn năm trước kèm hàng chục loại phí khác nhau, hệ thống siêu thị Big C VN đã khiến nhiều doanh nghiệp phải ngưng đưa hàng vào hệ thống này.

Big C đưa ra mức tăng chiết khấu cao nhất trong các siêu thị làm chúng ta không thể không suy nghĩ, liệu đây có phải chiêu bài để đẩy hàng Việt ra, tạo cơ hội đưa hàng Thái, hàng ngoại vào
Ông Hồ Minh Chính (chuyên gia đào tạo bán hàng)

Có mặt hàng đòi chiết khấu đến 25%

Mới đây, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) đã có công văn gửi kiến nghị của các doanh nghiệp thủy sản thuộc CLB hàng nội địa VASEP tới hệ thống Big C VN đề nghị không tăng thêm chiết khấu trong các hợp đồng mới của năm 2016, đồng thời giảm tổng mức chiết khấu xuống mức nhỏ hơn hoặc bằng 15%.

Trước đó, các doanh nghiệp thuộc CLB hàng nội địa VASEP đã có buổi họp đưa ra những bất cập và bức xúc về chính sách chiết khấu của các siêu thị, trong đó chiết khấu cao nhất là do Big C đưa ra cho các hợp đồng của năm 2016.

Giám đốc một doanh nghiệp thủy sản cho hay trong các hệ thống siêu thị đề nghị tăng chiết khấu năm 2016 thì Big C VN đòi cao nhất, tăng thêm 4,25 - 5% so với năm 2015. Với mức tăng thêm này, doanh nghiệp phải chịu mức chiết khấu lên đến 17 - 20%, thậm chí có mặt hàng chịu chiết khấu lên đến 25%. “Mức chiết khấu này là quá khó khăn cho doanh nghiệp để có thể tồn tại chứ đừng nói đến có lợi nhuận để tái đầu tư” - vị giám đốc này cho hay.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, để vào được hệ thống Big C, doanh nghiệp phải chịu nhiều loại chiết khấu khác nhau như chiết khấu tháng cho cửa hàng, chiết khấu doanh số theo bậc, chiết khấu cho điểm bán mới, chiết khấu sinh nhật (kỷ niệm ngày khai trương của siêu thị)...

Theo ông Nguyễn Hoài Nam - phó tổng thư ký VASEP, thời gian qua một số hệ thống siêu thị lớn có sự thay đổi chủ dẫn tới nhân sự và hoạt động chưa ổn định, ảnh hưởng đến hoạt động của cả siêu thị lẫn người cung cấp hàng.

Tuy nhiên, với việc tăng chiết khấu các hợp đồng cung cấp hàng hóa năm 2016 như các doanh nghiệp phản ảnh là quá cao.

“Mức ngưỡng chiết khấu để tồn tại trong ngành thủy sản là 15% mà Big C đòi chiết khấu lên đến 17 - 20% là rất cao mà doanh nghiệp chắc chắn lỗ, không thể có lãi để tái đầu tư” - ông Nam cho hay.

Tại siêu thị Big C Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận (TP.HCM) có bán đủ loại hàng Thái, từ bánh snack...
Tại siêu thị Big C Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận (TP.HCM) có bán đủ loại hàng Thái, từ bánh snack...

 

Đủ loại “phí”

Không chỉ có chiết khấu cao và năm sau được điều chỉnh cao hơn năm trước, doanh nghiệp VN còn phải gánh thêm một rừng phí khác cho nhà bán lẻ.

Một doanh nghiệp liệt kê gần 15 loại phí mà đơn vị này đưa vào Big C bao gồm: chi phí tham gia chương trình khuyến mãi, chi phí cho dùng thử sản phẩm, chi phí hỗ trợ cho lễ hội khách hàng, phí hỗ trợ sinh nhật siêu thị, phí tập hợp đơn hàng, phí hỗ trợ khai trương siêu thị mới, chi phí tháng cho việc tham gia chương trình thẻ khách hàng, chi phí tháng cho thương lượng chung, chi phí tháng cho tối ưu hóa sản phẩm, chi phí cho việc nhập hàng mới, chi phí cho thuê mướn vị trí thử mẫu, hỗ trợ mở rộng siêu thị, hỗ trợ chi phí vận chuyển tháng...

Ngoài chiết khấu và phí hỗ trợ nhà bán lẻ như kể trên, doanh nghiệp cung cấp hàng cho siêu thị còn bị xử ép bởi chính sách tỉ lệ hàng hư hỏng.

Một thành viên của VASEP cho hay trong hợp đồng thương mại, nhà cung cấp đã có điều khoản khoán “tỉ lệ hàng hư hỏng” (thường là 1%), nghĩa là nhà cung cấp đã chiết khấu cho siêu thị 1% doanh số mua vào dù hàng có hỏng hay không.

Thế nhưng trong thực tế thì khi hàng hóa bị hư hỏng thật (không phải lỗi do nhà cung cấp) thì nhân viên đặt hàng của siêu thị vẫn ép nhà cung cấp phải nhận hàng hư về và đổi hàng khác, nếu doanh nghiệp không đồng ý thì siêu thị không đặt đơn hàng mới.

Như vậy, nhà cung cấp vừa phải chịu hết hàng hư hỏng thực tế, vừa phải chịu thêm tỉ lệ khoán hàng hư hỏng theo hợp đồng.

Không chỉ riêng doanh nghiệp thủy sản, nhiều doanh nghiệp thực phẩm khác cũng thừa nhận sân chơi siêu thị chưa bao giờ là cơ hội của doanh nghiệp nhỏ do yêu cầu quá cao, đặc biệt là chiết khấu cao khiến cho họ bán hàng không lợi nhuận nếu chấp nhận đưa hàng vào đây.

Giám đốc truyền thông một doanh nghiệp sữa cũng cho biết chiết khấu cho siêu thị Big C đứng hàng đầu trong các hệ thống bán lẻ.

Chính vì lý do chiết khấu cao, doanh nghiệp chịu đựng không được đã dẫn đến tình trạng cắt hàng, dừng hàng đột ngột.

“Vì chiết khấu quá cao nên có những năm công ty tôi dừng cung cấp một thời gian để phản ứng, sau đó mới phân phối lại” - vị này chia sẻ.

... đến tảo biển sấy khô  Ảnh: Quang Định
... đến tảo biển sấy khô Ảnh: Quang Định

Phải dứt áo ra đi

Ông Thái Quốc Huy - giám đốc Công ty Thảo Hương, chuyên sản xuất đường thốt nốt - từng trả lời câu hỏi một vị tổng giám đốc siêu thị ngoại tại VN “Vì sao hàng ngon vậy mà không đem vào siêu thị bán?” rằng: “Chiết khấu của siêu thị cao quá, bán không được”.

Theo ông Quốc Huy, Big C có chính sách bán hàng giá rẻ, vì vậy họ đòi chiết khấu khá sát mà nếu chấp nhận đưa hàng vào bán thì không thể nào có lời.

“Chiết khấu ban đầu có vẻ rất hợp lý, chỉ cần hơn 10% nhưng cộng các khoản tiền phí khai trương, sinh nhật, phí tiền mặt... lại thì phải gần đến 25%. Với doanh nghiệp nhỏ như vậy thì làm sao trụ được” - ông Huy nói.

Cho đến nay, đường thốt nốt và nước màu của Thảo Hương đã vào được Co.op Mart nhưng ông Huy nói không có ý định đưa vào Big C dù có nhận được lời mời.

Ông Nguyễn Trường Chinh, giám đốc Công ty Năm Thụy, cho biết đưa hàng vào siêu thị chưa bao giờ là ưu tiên của doanh nghiệp nhỏ. Sau hơn một năm đưa hàng vào siêu thị, doanh nghiệp quyết định dừng bán ở kênh này mà tập trung vào kênh truyền thống vì những phức tạp mà bên mua yêu cầu.

Ngoài thủ tục siêu thị yêu cầu quá mức so với những chứng chỉ cơ quan quản lý cấp thì chiết khấu cao cũng bóp nghẹt nhà sản xuất. “Gần một tháng nay tôi quay trở lại kênh bán hàng hiện đại, nhưng chỉ mới đưa vào bán ở cửa hàng tiện lợi, siêu thị nhỏ, còn những siêu thị lớn họ vẫn đòi chiết khấu cao, trong khi ngâm tiền hàng rất lâu, tiền lời làm hàng thậm chí không đủ trả vay” - ông Chinh chia sẻ thêm.

Vì vậy, thời gian qua một số doanh nghiệp thủy sản đã dừng đưa hàng vào Big C dù có nhận được thư mời quay lại của hệ thống này. Do chưa thống nhất được mức chiết khấu và nhiều nguy cơ thua lỗ nên nhiều nhà cung cấp chưa nhận lời.

Ông Nguyễn Hoài Nam cho hay trong công văn gửi Big C, VASEP nêu rất rõ là đề nghị hệ thống này không tăng thêm chiết khấu của hợp đồng năm 2016, đồng thời giảm tổng chiết khấu xuống dưới 15% để doanh nghiệp có điều kiện hợp tác kinh doanh với Big C.

Một mũi tên trúng nhiều đích

Theo ông Hồ Minh Chính - chuyên gia đào tạo bán hàng, việc hệ thống Big C VN tăng chiết khấu lên mức quá cao như thời gian qua là một mũi tên trúng nhiều đích.

Bằng cách tăng chiết khấu, nhà bán lẻ đã dễ dàng loại bỏ những nhà cung cấp VN vì các doanh nghiệp không thể đưa hàng vào bán mà không có lời do chi phí bán hàng quá cao. Trong hoàn cảnh khó khăn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ VN khó có thể trụ được lâu dài trên quầy kệ với mức chiết khấu cao, bên cạnh đó họ còn phải làm nhiều “nghĩa vụ” khác như chi phí cho khuyến mãi, vận chuyển hàng hóa... Hàng Việt bị ra đi thì cơ hội để hàng Thái, hàng ngoại nhập vào lấp khoảng trống.

Bên cạnh đó, việc tăng chiết khấu là điều kiện để giúp người bán hàng hạ giá bán đến tay người tiêu dùng cuối cùng. Chiến lược cạnh tranh giá rẻ này mặc nhiên lôi kéo được người tiêu dùng đến mua sắm, đồng thời tăng cạnh tranh với doanh nghiệp bán lẻ trong nước. Về lâu dài, các nhà bán lẻ trong nước không đủ sức chạy đua và dễ bị doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm.

Một khi chi phối được hệ thống bán lẻ, làm chủ đầu ra của hàng hóa, những nhà sản xuất vừa và nhỏ VN sẽ không chống chọi nổi, chấp nhận làm hàng gia công hoặc không cạnh tranh được với hàng Thái vốn có nhiều điểm tương đồng với hàng Việt sẽ phải “bán mình” cho doanh nghiệp Thái.

Đề nghị doanh nghiệp làm việc với siêu thị

Liên quan đến mức chiết khấu, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hồ Quốc Nguyên, giám đốc truyền thông hệ thống Big C, cho rằng thông tin về chiết khấu cao mới chỉ nghe nên Big C rất khó để xử lý. “Nếu doanh nghiệp hoặc đơn vị nào có khiếu nại, có thể gửi văn bản, email trực tiếp về hệ thống siêu thị, khi đó chúng tôi sẽ có bộ phận chuyên môn trả lời cụ thể từng trường hợp theo đúng quy trình” - ông Nguyên nói.

TRẦN MẠNH - NHƯ BÌNH - DŨNG TUẤN ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp