05/03/2021 19:56 GMT+7

Biểu tình ở Myanmar gợi bóng dáng cuộc nổi dậy 8888

Ý NGUYÊN
Ý NGUYÊN

TTO - Sau những tuyên bố ban đầu, quân đội Myanmar đã thể hiện sự cứng rắn nhanh chóng, bất chấp những can thiệp cũng như đe dọa trừng phạt của quốc tế.

Biểu tình ở Myanmar gợi bóng dáng cuộc nổi dậy 8888 - Ảnh 1.

Người biểu tình trẻ tuổi ở Yangon ngày 3-3, nhất quyết không lùi bước trước sự đàn áp của chính quyền quân sự - Ảnh: REUTERS

Hôm nay (5-3) lại ghi nhận trường hợp 1 người biểu tình bị bắn chết tại Myanmar. Theo Hãng tin Reuters, số người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình từ sau cuộc đảo chính ngày 1-2 đến nay là ít nhất 55 người và hơn 1.700 người đã bị bắt giữ.

Tình hình như vậy, theo nhà ngoại giao kỳ cựu của Singapore Bilahari Kausikan, là bất ổn nhanh và không thể loại trừ khả năng xảy ra một cuộc tắm máu với quy mô giống như phong trào biểu tình và trấn áp năm 1988 khiến khoảng 3.500 người thiệt mạng.

Cuộc biểu tình toàn quốc vì dân chủ 8888 còn được biết đến với tên gọi Khởi nghĩa Sức mạnh của nhân dân là một chuỗi cuộc tuần hành, biểu tình, phản đối và bạo loạn ở Myanmar. Sự kiện chính diễn ra ngày 8-8-1988, do đó được gọi là cuộc biểu tình 8888 hoặc cuộc nổi dậy 8888.

Cuộc nổi dậy 8888 khởi phát từ các hoạt động của sinh viên ở Yangon vào ngày 8-8 và sau đó lan rộng trên toàn quốc. Hàng trăm, hàng ngàn sư sãi mặc áo cà sa đỏ, thanh thiếu niên, sinh viên đại học, bà nội trợ, bác sĩ và dân chúng biểu tình chống chế độ.

Cuộc nổi dậy kết thúc vào ngày 18-9, sau cuộc đảo chính quân sự đẫm máu của Hội đồng Khôi phục pháp luật và trật tự quốc gia (SLORC). Quân đội Myanmar bị quy trách nhiệm cho cái chết của hàng ngàn người biểu tình (các con số ghi nhận từ 3.000 đến 3.500), tuy nhiên chính quyền lại đưa ra con số chỉ khoảng 350 người.

Những người biểu tình trẻ tuổi ngày nay có lẽ không nhớ những gì đã xảy ra vào năm 1988. Họ đã lấy cảm hứng từ các cuộc phản kháng gần đây ở Thái Lan và Hong Kong. Thế nhưng quân đội Myanmar không phải là quân đội Thái Lan, và thậm chí cũng chẳng phải Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc.

Biểu tình ở Myanmar gợi bóng dáng cuộc nổi dậy 8888 - Ảnh 2.

Biểu hiện mới của người biểu tình tại Myanmar là 3 ngón tay. Trong ảnh: người phụ nữ khóc than trong tang lễ một người biểu tình bị bắn chết tổ chức ở Yangon ngày 5-3 - Ảnh: REUTERS

Chuyên gia Bilahari Kausikan - cựu đại sứ Singapore tại Liên Hiệp Quốc, Nga và Israel - cho rằng quân đội Myanmar gần như luôn ở trạng thái chiến đấu trong hơn 70 năm qua, kể từ khi giành độc lập. Ý thức phục tùng chỉ huy tuyệt đối đã thấm vào máu của quân đội Myanmar. Nếu được lệnh, họ sẽ nổ súng.

Liệu quân đội Myanmar, và đặc biệt là Thống tướng Min Aung Hlaing, có tính toán sai quy mô cuộc phản kháng của dân chúng khi họ quyết định đảo chính hay không? Điều này hoàn toàn có thể xảy ra. 

Có thể thấy quân đội Myanmar dường như không nắm rõ tâm lý của người dân và hoàn toàn ngỡ ngàng trước quy mô chiến thắng của NLD trong các cuộc bầu cử năm 2015 và 2020.

Nhưng nếu quả thực quân đội Myanmar đã tính toán sai thì họ sẽ khó lùi bước trước các cuộc biểu tình. Quân đội Myanmar lo sợ bị trả đũa nếu chính phủ dân sự được khôi phục mà không có sự bảo vệ đối với thể chế và các nhân vật chủ chốt.

Nếu việc quay lại chính thể lập hiến là một viễn cảnh xa vời thì ưu tiên trước mắt là tránh đổ máu. Một cuộc thảm sát khác sẽ chỉ khiến hai bên khó có thể đưa ra giải pháp chính trị. 

Biểu tình ở Myanmar gợi bóng dáng cuộc nổi dậy 8888 - Ảnh 3.

Biểu tình ngày 5-3 trước Đại sứ quán Myanmar ở Kathmandu (Nepal) phản đối đảo chính - Ảnh: REUTERS

ASEAN và các nước khác cần kêu gọi cả quân đội Myanmar lẫn người biểu tình kiềm chế để tránh đổ máu hơn nữa.

Nếu quân đội Myanmar tin chắc rằng ASEAN và các nước khác sẽ không phớt lờ các lợi ích của họ, thì họ sẽ lắng nghe. Việc xa lánh quân đội Myanmar sẽ chẳng mang lại điều gì.

Gần đây, khi Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi kêu gọi tổ chức các cuộc bầu cử mới, những người biểu tình - vốn mong muốn chính phủ mà họ bầu lên sẽ được khôi phục ngay lập tức - đã phản ứng đầy giận dữ. Bà Marsudi đã buộc phải rút lại lời nói, nhưng bà đã đúng khi tìm cách trấn an quân đội Myanmar.

Kể từ sau khi Myanmar giành độc lập, quân đội Myanmar đã luôn là tâm điểm của chính trị nước này. Dù muốn hay không, dù cuộc khủng hoảng hiện tại kết thúc như thế nào, thì điều này vẫn sẽ đúng.

Bà Aung San Suu Kyi không thể không biết điều này. Vấn đề cốt lõi là bà Aung San Suu Kyi và quân đội Myanmar quá giống nhau, theo chuyên gia người Singapore. 

Cả hai bên đều cho rằng họ đáng được nắm giữ quyền lực: bà Suu Kyi xuất thân từ một gia đình quyền thế và đã có sự hi sinh về lợi ích cá nhân; quân đội Myanmar thì đã đổ máu trong các cuộc chiến tranh liên miên để duy trì tính toàn vẹn lãnh thổ của Myanmar. 

Bi kịch của Myanmar nằm ở chỗ các tuyên bố của họ đều có phần đúng.

Vì Nga và Trung Quốc, Liên Hiệp Quốc khó trừng phạt quân đội Myanmar Vì Nga và Trung Quốc, Liên Hiệp Quốc khó trừng phạt quân đội Myanmar

TTO - Cả Nga và Trung Quốc không lên án cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar vì xem đây 'chuyện nội bộ' của Myanmar. Đằng sau đó là quan hệ đang sâu đậm giữa quân đội Myanmar với Nga và tình thế khó xử của Trung Quốc.

Ý NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp