Châu Á (phải) và Howard Limbert (trái) lội suối vào Sơn Đoòng - Ảnh: Thuận Thắng |
Nhưng ít ai biết để có sự thành công này - mang hình ảnh tuyệt vời của Việt Nam, của Sơn Đoòng ra với bạn bè năm châu - chính là sự âm thầm của “đối tác sản xuất tại Việt Nam” của ABC: Công ty Oxalis Adventure của Nguyễn Châu Á.
Tôi biết Nguyễn Châu Á từ mùa hè năm 2011 trong chuyến khám phá hang Én. Đó là một thanh niên nhỏ con, ít nói, tỏ tường Phong Nha - Kẻ Bàng như lòng bàn tay mình... Lúc đó tôi nghĩ: Tay này chẳng phải dạng vừa đâu!
Năm 1990, rời làng Phong Nha vào Sài Gòn làm công nhân may mặc, mục đích của Châu Á chỉ để có tiền học tiếng Anh. Học tiếng Anh chưa thành thì cha đau nặng nên Châu Á phải khăn gói trở về làng và làm hướng dẫn viên du lịch cho khách tham quan động Phong Nha.
Đó là những năm Phong Nha còn rất hoang sơ với những chiếc thuyền nan vào hang tham quan, khách đến chỉ vài tháng trong năm, còn lại là người làng gồng gánh nhau chạy lụt. Mà lụt ở Phong Nha mới thật kinh hoàng, nước dâng lên qua khỏi nóc nhà cao nhất làng, người làng phải chạy lên núi tá túc chờ nước xuống mới có thể quay về làng...
Quyết tâm trở lại con đường học vấn - cơ hội thoát nghèo gần như duy nhất của người làng Phong Nha lúc bấy giờ, Châu Á quay lại Sài Gòn đeo đuổi việc học và học thêm về du lịch bởi theo anh, quê mình quá nghèo nhưng quá đẹp với hệ thống hang động Phong Nha - Kẻ Bàng thì con đường phát triển du lịch chính là con đường thoát nghèo.
Học xong và theo đuổi con đường kinh doanh với việc thành lập Công ty One Step Vietnam - một công ty mang tính chất đa quốc gia thực hiện việc giám sát trách nhiệm xã hội đối với các tập đoàn lớn của thế giới tại khu vực Đông Nam Á. Vậy mà năm 2010 trong chuyến trở về thăm nhà, một thay đổi lớn đã diễn ra.
Trận lụt năm 2010 được xem là trận lụt lớn nhất miền Trung Việt Nam trong 100 năm qua. Cả Phong Nha bị nhấn chìm trong dòng nước cuồn cuộn. Dường như chỉ duy nhất ngôi nhà của Châu Á được xây kiên cố nhất là có thể chống chọi với dòng nước lụt.
Ngồi trên nóc nhà nhìn làng xóm chìm trong cơn lũ, Châu Á nghĩ: Phong Nha - Kẻ Bàng được mệnh danh là di sản thiên nhiên thế giới với hệ thống hang động đẹp nhất thế giới mà tại sao cái nghèo cứ bám lấy người làng Phong Nha? Thế là Châu Á bàn giao công ty ở Sài Gòn cho đồng sự thân thiết và quyết định đầu tư về quê nhà Phong Nha - Kẻ Bàng.
Ngôi nhà nhỏ ven sông Son, nơi Châu Á sinh ra, trở thành đại bản doanh của Công ty Oxalis Adventure - một công ty chuyên về loại hình du lịch mạo hiểm phục vụ những chuyến thám hiểm dài ngày vào các hang động trong quần thể di sản thiên nhiên Phong Nha - Kẻ Bàng, đặc biệt là Sơn Đoòng - hang động được các nhà thám hiểm hang động hoàng gia Anh phát hiện vào tháng 4-2009 và được công nhận là hang động lớn nhất thế giới.
Ngay cái tên Oxalis cũng thể hiện tấm lòng nặng nợ với quê hương - đó là tên của loài hoa chua me đất mọc nhiều ở Phong Nha.
Cuộc sống của người dân Phong Nha giờ đã khác nhiều lắm rồi. Khách nước ngoài đến hầu như quanh năm. Trai tráng thì làm porter (người khuân vác) phục vụ các chuyến du lịch thám hiểm hang động. Phụ nữ ở nhà làm các vật dụng để phục vụ du lịch thám hiểm như đệm, túi thồ hàng...
Có đến nhà Châu Á ở làng Phong Nha nhiều lần mới thấy cách làm du lịch của anh thật khác lạ: cộng sự thường trực của anh là nhà khám phá hang động kỳ cựu của thế giới Howard Limbert (Anh), là nhiếp ảnh gia Ryan Deboodt (Mỹ), là chuyên gia makerting Luke (Úc)...
Chàng trai Phong Nha nặng nợ với quê hương đã biết huy động tình yêu thiên nhiên của những nhân vật tài giỏi này để đưa Sơn Đoòng, hang Én, Tú Làn... đến với thế giới bằng những chương trình tầm cỡ quốc tế của ABC, National Geographic, các đài truyền hình Đức, Ý, Nga, Nhật...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận