Việc từ chối cho Coca Cola VN đầu tư mở rộng nhà máy, theo lời ông Khương, cũng sẽ áp dụng cho tất cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khác trên địa bàn không có đóng góp gì nhiều cho ngân sách địa phương. Thái độ kiên quyết của Đà Nẵng là hành động cụ thể ứng xử với những doanh nghiệp chỉ chăm chăm kiếm lợi nhuận bỏ túi riêng mà không quan tâm đến nghĩa vụ phải đóng góp cho xã hội, trước hết là nghĩa vụ thuế đối với địa phương mà các doanh nghiệp này đang hoạt động.
“Vô đạo đức” - như lời ông Margaret Hodge, chủ tịch Ủy ban kiểm toán công Quốc hội Anh, nói về các thủ đoạn chuyển giá để né thuế của các tập đoàn đa quốc gia hiện nay (Tuổi Trẻ 11-12). Tại VN, với hàng chục năm hoạt động nhưng không đóng một đồng thuế thu nhập doanh nghiệp vì thua lỗ(?), các tập đoàn đa quốc gia như Coca Cola, Metro... cùng nhiều tập đoàn khác chưa được điểm tên đã và đang tạo ra sự bất công không chỉ trong môi trường đầu tư, mà với cả những hộ kinh doanh và những người làm công ăn lương, những đối tượng vẫn phải nộp thuế thu nhập từ những đồng thu nhập còm cõi.
Điều bất bình thường hơn nữa là dù liên tục kêu lỗ, nhưng các tập đoàn này liên tục tăng vốn, mở rộng thị phần, đánh bật các đối thủ khác. Metro tăng trưởng chóng mặt với 19 trung tâm bán sỉ tại 14 tỉnh thành trong cả nước chỉ sau hơn 10 năm có mặt tại VN. Thậm chí “thua lỗ” hàng ngàn tỉ đồng, vượt quá vốn đầu tư ban đầu, nhưng Coca Cola vẫn tuyên bố tiếp tục rót thêm 300 triệu USD vào VN trong ba năm tới... Tiền đâu để những tập đoàn này vẫn “hào phóng” ném vào các dự án mở rộng này sau hàng chục năm thua lỗ? Câu trả lời có lẽ chờ cơ quan thuế làm rõ trong thời gian tới.
Trong năm 2012, khi thanh tra, kiểm tra gần 1.500 doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài có dấu hiệu chuyển giá, cơ quan thuế đã giảm lỗ hơn 3.300 tỉ đồng, nhiều doanh nghiệp từ lỗ thành lãi, truy thu và xử phạt gần 623 tỉ đồng... Những con số này, theo cơ quan thuế thừa nhận, vẫn còn quá nhỏ bé so với con số thực tế nếu được “khai quật”. Nhiều biện pháp chống hoạt động chuyển giá của các tập đoàn đa quốc gia đang được cơ quan thuế dự kiến áp dụng trong thời gian tới, như công khai lỗ của những tập đoàn, buộc doanh nghiệp phải chủ động đề xuất biện pháp tính giá hoặc mức giá khi thực hiện mua - bán giữa các thành viên trong tập đoàn trước khi khai nộp thuế, tăng thuế nhập khẩu nguyên liệu...
Tuy nhiên, ngoài những chính sách chống chuyển giá nêu trên, không thể không tính đến các biện pháp kỹ thuật khác. Việc từ chối cấp phép mở rộng cho những doanh nghiệp thua lỗ liên tục như Đà Nẵng đang áp dụng là một giải pháp cần được nhân rộng. Cũng có thể áp dụng một số biện pháp như yêu cầu doanh nghiệp cam kết thực hiện nộp một mức thuế tương ứng với quy mô mở rộng trước khi cấp phép cho các doanh nghiệp này, như đề xuất của một số chuyên gia.
Chống chuyển giá đang được xem là cuộc chiến toàn cầu, khi hầu hết các tập đoàn quốc gia đều dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để né nghĩa vụ thuế tại các quốc gia mà những tập đoàn này đang hoạt động. VN không phải ngoại lệ. Do đó, theo như khẳng định của ông Nguyễn Quang Tiến, vụ trưởng, phó ban cải cách Tổng cục Thuế, hoạt động chống chuyển giá sẽ không ảnh hưởng đến thu hút đầu tư nước ngoài, mà là đảm bảo môi trường đầu tư lành mạnh, công bằng đối với những doanh nghiệp làm ăn chân chính và chống thất thu thuế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận