23/09/2015 18:06 GMT+7

Biệt thự bị sập từng được đề xuất đập bỏ

TUẤN PHÙNG ghi
TUẤN PHÙNG ghi

TTO - Năm 2008 và 2009, ngành Đường sắt Việt Nam đã từng xin UBND TP Hà Nội đập ngôi biệt thự tại 107 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm để xây trụ sở làm việc mới.

Một nửa tòa nhà thuộc ban quản lý dự án đường sắt khu vực I đã bị đổ sập - Ảnh: Nguyễn Khánh
Một nửa tòa nhà thuộc ban quản lý dự án đường sắt khu vực I đã bị đổ sập - Ảnh: Nguyễn Khánh

Trao đổi với báo chí chiều 23-9, ông Đoàn Duy Hoạch - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) - cho biết như trên.

Ông Hoạch cho biết: Do biệt thự thuộc diện bảo tồn nên việc này chưa được quyết định. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng biệt thự này chưa được kiểm định chất lượng vì chỉ thực hiện các sửa chữa nhỏ.

Ông Hoạch nói: Trong quá trình sử dụng, năm 2008 và 2009 ĐSVN đã đề nghị UBND TP Hà Nội cho phép bỏ ngôi nhà, di dời dân cư trong khuôn viên khu biệt thự để phá dỡ biệt thự 107 Trần Hưng Đạo xây trụ sở làm việc mới. Người dân ở trong khu nhà chuyển về dự án văn phòng và nhà ở của Đường sắt ở 31 Láng Hạ.

Nhưng  UBND TP Hà Nội chỉ chấp nhận phê duyệt dự án ở 31 Láng Hạ (đến nay chưa có tiền triển khai).

Còn tòa nhà 107 thuộc diện biệt thự cổ phải bảo tồn nên chưa được chấp nhận

* Thưa ông, trong quá trình ĐSVN sử dụng ngôi nhà có phát hiện nguy cơ đổ sập không?

- Ngôi nhà được ĐSVN giao cho đơn vị sử dụng gần đây nhất là Ban quản lý dự án (QLDA) đường sắt khu vực 1. Trong quá trình làm việc chưa có báo cáo về việc phát hiện nguy cơ khẩn cấp về đổ sập. Ngôi nhà vẫn được sử dụng làm việc bình thường.

Trước mắt ngôi nhà  vẫn sử dụng hàng ngày được nhưng ĐSVN cũng biết ngôi nhà xuống cấp không sử dụng lâu dài được.  

* Dư luận đặt câu hỏi tại sao cán bộ, nhân viên Ban QLDA đường sắt khu vực 1 biết ngôi nhà có nguy cơ sập đổ và có thời gian chạy thoát nhưng không thông báo cho người dân xung quanh?

- Ngôi sập là biệt thự nằm ở giữa. Do ngày trước đường sắt thiếu nhà làm việc nên mới dựng các nhà bao quanh rìa ngôi biệt thự, bố trí lối đi bao quanh hình chữ U, phân cho cán bộ công nhân viên ở mỗi phòng 4 người.

Sau mấy chục năm một số căn hộ chuyển dịch thành nhà ở riêng của khu dân cư, số người ở trong đó đang làm việc cho đường sắt rất ít.

Khi xảy ra sự cố,  có một số anh em Ban QLDA đang ngồi uống nước thấy mưa dột vào và tường có hiện tượng nghiêng nên gọi một số người đang ngủ trưa dậy chạy ra ban công. Có người chạy đến cầu thang tầng 2 bị vấp ngã thì tòa nhà đã sụp đổ.

Thông cáo trước đây của ĐSVN nói sau 5 phút chạy ra khỏi nhà thì tòa nhà sập đổ chỉ là thời gian ước lượng. Tòa nhà đổ rất nhanh, mọi người vừa chạy ra khỏi phòng đã đổ. Thời điểm đó là buổi trưa nên không có mặt đủ 35 người thuộc Ban QLDA lúc đó.

Sáng  23-9, tôi có trao đổi với một chị chứng kiến sự việc thì chị ấy nói “Nếu các anh ấy không hô thì mọi người cũng không biết mà chạy, có khi thiệt hại nhiều hơn nữa”.

* ĐSVN từng thấy ngôi nhà không sử dụng lâu được và từng sửa chữa. Vậy đã từng thuê đơn vị nào kiểm định chất lượng tòa nhà chưa?

- Thời điểm sửa chữa gần nhất là năm 2010 do Ban QLDA đường sắt thực hiện nhằm chống thấm dột, dùng vật liệu nhẹ tạo các vách ngăn trong hội trường thành các ô làm việc. Còn mái tôn chống dột được thực hiện khoảng năm 1995-1996. Chỉ chống dột, chống xuống cấp chứ không thay đổi kết cấu tòa nhà.

Về kiểm định thì chưa có. Khi lập dự án sửa chữa lớn như ga Hà Nội, muốn thay đổi công năng sử dụng thì mới thuê tư vấn kiểm định. Nhưng tòa nhà 107 Trần Hưng Đạo không phải sửa chữa lớn mà chỉ tu bổ chống dột nên thời điểm đó không thuê kiểm định.

* Các cơ quan chức năng của Hà Nội cho rằng theo quy định thì đơn vị sử dụng phải có trách nhiệm kiểm định tòa nhà?

- Nếu sửa chữa lớn, cải tạo thì mới thuê kiểm định. Còn đang sử dụng bình thường xác định như ngôi nhà cũ, chưa phát hiện nguy cơ gì về mất an toàn thì không có dấu hiệu gì. Trước khi nhà sập cũng không phát hiện ngôi nhà nứt, nghiêng hay có nguy cơ sập đổ gì mà chỉ xác định không sử dụng lâu dài được.

Cơ quan nhà nước, đơn vị quản lý nhà cũng chỉ kiểm tra phòng cháy chữa cháy mỗi năm 2 lần và không đưa ra yêu cầu gì.

* Vậy trách nhiệm của ĐSVN trong vụ sập nhà như thế nào?

- ĐSVN chỉ quản lý, sử dụng. Từ năm 1985 trở về trước đơn vị quản lý nhà có thu tiền thuê nhà. Sau đó không thu nữa. Từ năm 2000 tới nay họ thu tiền sử dụng đất theo quy định của TP Hà Nội.

Năm 2013, Bộ Tài chính có văn bản thống nhất để ĐSVN giữ ngôi nhà lại tiếp tục làm trụ sở làm việc theo quy hoạch của thành phố, liên hệ với Sở Xây dựng để được xác lập quyền sở hữu Nhà nước theo quy định của pháp luật.

Nhưng đến ngày 5-8-2015, ĐSVN có văn bản xin ý kiến của Sở Xây dựng trả lời dứt điểm có phải là tài sản công theo chỉ đạo của Bộ Tài chính không; nếu tài sản của ĐSVN thì được tính vào giá trị của doanh nghiệp. 

Hiện các cơ quan của Hà Nội chưa trả lời, Hà Nội vẫn chưa có văn bản của TP Hà Nội xác nhận quyền sở hữu ngôi nhà này thuộc ĐSVN.

Nếu thuê nhà, có hư hỏng thì người sử dụng sửa chữa. Trách nhiệm của ĐSVN là sử dụng ngôi nhà và thực hiện báo cáo với thành phố về khả năng xuống cấp của ngôi nhà thì đã báo cáo rồi.

Thành phố, các cơ quan quản lý trên địa bàn nếu thấy nguy hiểm thì nhắc nhở cảnh báo kiểm định chất lượng. Bởi vì ĐSVN không có đầy đủ hồ sơ kỹ thuật của ngôi nhà. Còn ĐSVN sử dụng nếu phát hiện thấy nguy cơ thì phải cảnh báo nhưng thực chất chưa có nguy cơ gì đổ sập cho đến khi xảy ra sự cố.

ĐSVN chỉ sử dụng chưa có quyền sở hữu ngôi nhà đó để toàn quyền xử lý ngôi nhà. ĐSVN chỉ mới sửa chữa thay gỗ lát sàn, trát lại trần chống thấm dột. Đây là sửa chữa nhỏ chứ không phải thay đổi kết cấu.

Theo ông Đoàn Duy Hoạch, đến chiều 23-9 đã có hai người bị thương nhẹ trong vụ sập nhà được xuất viện. Còn 3 người bị thương đang điều trị tại viện Việt Đức và Bạch Mai gồm: bà Nguyễn Thị Tiêu, bà Vũ  Thị Thu Hằng, ông Nguyễn Văn Nức.

Lãnh đạo ĐSVN đã tổ chức thăm hỏi, phúng viếng các nạn nhân vụ sập nhà. Bước đầu ĐSVN hỗ trợ mỗi gia đình có người chết 10 triệu đồng, người bị thương nặng 3 triệu đồng, người bị thương nhẹ 1 triệu đồng.

ĐSVN  sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết, khắc phục sự cố.

Lịch sử ngôi biệt thự  107 Trần Hưng Đạo

Theo ĐSVN, khu nhà 107 Trần Hưng Đạo nằm trong quần thể khu vực ga Hàng Cỏ (nay là Ga Hà Nội), được thực dân Pháp khởi công xây dựng năm 1900, hoàn thành năm 1905 và giao cho Công ty hoả xa Vân Nam trực tiếp quản lý, khai thác.

Ngày 15-11-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 05/SL về việc huỷ bỏ quyền quản lý, khai thác của Công ty hoả xa Vân Nam; Sắc lệnh cũng quy định các đường xe lửa cùng tất cả những động sản, bất động sản phụ thuộc đường sắt đều là của công, giao Bộ Giao thông công chính (nay là Bộ GTVT) trực tiếp là Nha Hoả xa Việt Nam tổ chức quản lý, khai thác thống nhất cùng một chế độ với đường sắt Hà Nội- Sài Gòn....

Ngày 6-4-1955, Tổng cục Đường sắt (thuộc Bộ Giao thông công chính) được chính thức thành lập, tiếp tục tiếp nhận, quản lý và sử dụng ổn định khu vực ga Hàng Cỏ (trong đó có khu nhà 107 Trần Hưng Đạo) cho đến ngày nay, không có tranh chấp khiếu kiện với tổ chức, cá nhân nào.

Hiện trạng sử dụng khu nhà 107 Trần Hưng Đạo:

Khu đất 107 Trần Hưng Đạo  có diện tích đất 2.800,4 m2, gồm 7 ngôi nhà với tổng diện tích sàn xây dựng 2.669 m2.

Trong đó:

Ngôi 1 (biệt thự bị sập) là nhà 2 tầng  + 1 tầng hầm, diện tích xây dựng 643 m2. Trong đó có 500 m2 là trụ sở làm việc của Ban QLDA Đường sắt khu vực I; 143m2 bố trí làm nhà ở cho cán bộ công nhân viên (CBCNV), có hợp đồng thuê nhà với Công ty Quản lý phát triển nhà đường sắt, nay là Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng GTVT.

Các ngôi nhà số 2 đến số 6  (được xây dựng từ những năm 1970) được bố trí làm nhà ở của CBCNV (có hợp đồng thuê nhà với Công ty Quản lý phát triển nhà đường sắt, nay là Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng GTVT). Riêng ngôi nhà số 7 có diện tích sàn xây dựng 60m2,  Bệnh viện GTVT mượn làm phòng khám đa khoa.  ĐSVN đã có văn bản yêu cầu trả lại trước ngày 10-8-2015;

Do thời gian sử dụng đã lâu, ngôi nhà biệt thự (ngôi số 1) bị hư hỏng nặng có nguy cơ sụp đổ, úng ngập toàn bộ tầng hầm, do đó ĐSVN đã có nhiều văn bản báo cáo UBND, các cơ quan chức năng của TP Hà Nội cho phép di dời các hộ gia đình trong khuôn viên 107 và phá dỡ để xây dựng trụ sở làm việc của ĐSVN (văn bản số: 2642/ĐS-CSHT ngày 26-11-2008, số 510/ĐS-CSHT ngày 26-3-2009). Tuy nhiên, do biệt thự thuộc diện bảo tồn nên chưa được chấp thuận.

Ngày 20-9-2013, Bộ Tài chính có văn bản số 12859/BTC-QLCS thống nhất để ĐSVN “giữ lại tiếp tục làm trụ sở làm việc theo quy hoạch của thành phố, liên hệ với Sở Xây dựng thành phố Hà Nội để được xác lập quyền sở hữu Nhà nước theo quy định của pháp luật”;

ĐSVN đã có 3 văn bản đề nghị các cơ quan chức năng của TP Hà Nội để thực hiện yêu cầu của Bộ Tài chính (văn bản số 2999/ĐS-VP ngày 27-11-2013, số 2130/ĐS-VP ngày 30-7-2015, số 2217/ĐS-VP ngày 5-8-2015), đến nay đang được các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết.

Trong thời gian quản lý, để duy trì công năng sử dụng, được sự đồng ý của Bộ GTVT, UBND TP Hà Nội, ĐSVN đã thực hiện việc cải tạo, sửa chữa chống sập, dột nhưng không làm ảnh hưởng tới kết cấu tòa nhà. Cụ thể: chống sập sàn tầng 1 (thay gỗ lát sàn), trần tầng 2 hội trường; Thay thế cửa tầng 2 nhà hội trường; Xây dựng hệ thống trạm bơm thoát nước, chống úng ngập tầng hầm.

Về thực hiện nghĩa vụ tài chính: sau khi được thành lập, Tổng cục Đường sắt (nay là ĐSVN) có ký hợp đồng thuê nhà, đất tại 107- Trần Hưng Đạo với Uỷ ban hành chính TP  Hà Nội và thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định. Sau năm 1985, đơn vị quản lý nhà của Hà Nội không thực hiện thu tiền thuê nhà nữa. Đến năm 2000, căn cứ thông báo thu tiền sử dụng đất của Chi cục thuế quận Hoàn Kiếm, ĐSVN nộp tiền thuê sử dụng khu đất 107 Trần Hưng Đạo cho đến nay.

TUẤN PHÙNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp