Ông Lê Thế Chữ, tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, tri ân các cá nhân, tập thể trong chương trình - Ảnh: TẤN LỰC
Buổi lễ tri ân diễn ra ngày 12-12, do báo Tuổi Trẻ phối hợp Thành đoàn Đà Nẵng tổ chức tại Đà Nẵng, dành cho 19 tập thể và 28 cá nhân tiêu biểu - được ví như những chiến sĩ đi đầu trong công tác phòng chống dịch COVID-19 của khu vực miền Trung. Đây là chương trình tri ân thứ ba, sau hai chương trình đã tổ chức tại TP.HCM và Hà Nội.
Giấu vợ đi vào tuyến lửa
Tại chương trình, các đại biểu và khách mời đã có dịp giao lưu với vợ chồng anh Đào Đức Hùng và chị Trần Thị Nhẹ. Anh Hùng là y sĩ Trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng, chị Nhẹ là điều dưỡng Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn.
Khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở Đà Nẵng vừa qua, vợ chồng anh đành chia tay và gửi lại hai con nhỏ đang giàn giụa nước mắt cho người thân để bắt đầu một cuộc chiến kéo dài xa cách hơn 2 tháng trời. Lúc trở về, con gái vừa tròn một tuổi của anh chị không nhận ra cha mẹ. Chị Nhẹ kể do con còn quá nhỏ nhưng lại xa cách mẹ lâu nên đã thay đổi cách xưng hô, gọi mẹ bằng "dì" và gọi "cha" bằng chú khiến ai nấy đều bật cười.
"Vợ chồng tôi bật khóc vì sự khờ dại của con thơ. Thương con nhiều lắm vì cháu nhỏ thôi nôi, cháu lớn sinh nhật trong tháng 9 nhưng không có cha mẹ bên cạnh. Vậy nên bây giờ điều mình trông đợi nhất là không có thêm một đợt dịch nào nữa để phải xa con dài như thế" - chị Nhẹ bộc bạch.
Những hi sinh không biết mệt mỏi của lực lượng chống dịch Đà Nẵng nói riêng và miền Trung nói chung không những giúp khống chế, không để dịch lây lan ra các khu vực lân cận mà còn giành lại sự sống cho các bệnh nhân COVID-19 bên miệng hố tử thần. Có những trường hợp vì để gia đình bớt lo lắng, anh em đội ngũ y tế phải giấu nhẹm chuyện được chuyển qua vị trí điều trị trực tiếp cho người nhiễm COVID-19. Anh Nguyễn Đình Quốc, nhân viên công tác xã hội Bệnh viện Đà Nẵng, là một trong những trường hợp như vậy.
Trong những ngày đầu Đà Nẵng có dịch, anh Quốc đã tham gia công tác hậu cần để đảm bảo cho hàng ngàn bác sĩ và bệnh nhân cách ly tại chỗ. Thế nhưng diễn biến dịch thay đổi quá nhanh, do thiếu hụt lực lượng kỹ thuật viên chạy thận nên anh Quốc được điều lên đơn vị chạy thận mới ở Bệnh viện dã chiến Hòa Vang. Đây là đơn vị mới được thành lập để lọc máu cho 30 bệnh nhân chạy thận nhiễm COVID-19.
"Đi chống dịch hơn một tháng, vợ con thấy hết thời gian cách ly mà vẫn chưa được gặp nên gặng hỏi tôi đủ điều. Lúc này tình hình dịch cũng tạm ổn nên tôi mới nói thật và động viên gia đình bớt lo" - anh Quốc kể.
Cảm ơn những giây phút bình yên
Những người có mặt tại chương trình đã có dịp điểm lại những kỷ niệm đáng nhớ khi cùng chung sức, chung lòng chiến đấu với giặc COVID-19. Bác sĩ Nguyễn Đại Vĩnh, giám đốc Bệnh viện dã chiến Hòa Vang, chia sẻ những cảm xúc trong lần đầu tập thể bệnh viện chữa khỏi cho những ca mắc COVID-19 đầu tiên, những ca bệnh nặng...
Đặc biệt nhất là trường hợp mổ bắt con cho sản phụ nhiễm COVID-19 tối 15-8. "Có thể nói đó là một trong những khoảnh khắc đặc biệt của nhiều anh chị làm nghề y. Để chuẩn bị tốt cho trường hợp này, tránh lây nhiễm COVID từ mẹ sang con, chúng ta đã huy động một lực lượng rất "khủng", các êkip từ nhiều bệnh viện để chuẩn bị cho nhiều tình huống. Thế rồi em bé ra đời, cất tiếng khóc chào đời đã xóa tan đi mọi lo lắng của cả phòng mổ" - ông Vĩnh nhớ lại.
Phát biểu tại chương trình, nhà báo Lê Thế Chữ, tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, bày tỏ lòng tri ân sâu sắc tới những lực lượng đã tham gia phòng chống dịch COVID-19 tại các tỉnh miền Trung. Theo ông Chữ, để có được sự bình yên như hôm nay là một sự nỗ lực rất lớn từ các lực lượng khống chế dịch - những chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch, đặc biệt là lực lượng chống dịch ở Đà Nẵng.
Ông Chữ chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn lúc đó của những nhân viên y tế tuyến đầu. Trong những ngày tháng 7, khi du khách tìm cách thoát khỏi Đà Nẵng để tránh dịch thì ở chiều ngược lại, lúc đó các y bác sĩ từ khắp nơi trong cả nước lại ngược dòng về Đà Nẵng. Hành trang mang theo của nhiều người có khi chỉ là vài bộ quần áo, ban đầu dự định đi chi viện cho miền Trung vài ngày nhưng cuối cùng quyết định "ở đến khi hết dịch thì về".
"Có thể nói đến hôm nay Việt Nam cơ bản đã khống chế thành công dịch COVID-19, cuộc sống đã trở lại bình thường. Để có được thành quả đó chính là nhờ sự chung tay của nhiều lực lượng tham gia phòng chống dịch. Chính những dấn thân, những hi sinh của lực lượng ở tuyến đầu chống dịch này đã mang lại an toàn không chỉ cho thành phố bên sông Hàn mà góp phần làm đất nước bình yên" - ông Chữ bày tỏ lòng biết ơn.
1,8 tỉ đồng tri ân đội ngũ tuyến đầu
Lực lượng tuyến đầu kể lại những nỗ lực chống dịch trong chương trình “Tri ân tuyến đầu chống dịch COVID-19” - Ảnh: TẤN LỰC
Trong chương trình tri ân, mỗi tập thể nhận được biểu trưng và 10 triệu đồng, đối với cá nhân là 5 triệu đồng. Tổng phần thưởng tuyên dương, tri ân cả ba đợt (trước đó đã tổ chức ở TP.HCM và Hà Nội) gần 1,8 tỉ đồng.
Tính tổng ba miền, chương trình "Tri ân tuyến đầu chống dịch COVID-19" đã tôn vinh 56 tập thể và 264 cá nhân thuộc các lực lượng y bác sĩ, công an, quân đội, tình nguyện viên... từ hơn 450 hồ sơ đề cử gửi về chương trình.
Chương trình "Cùng Tuổi Trẻ chống dịch COVID-19", do báo Tuổi Trẻ phối hợp Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM phát động, đã nhận được sự hưởng ứng, đồng hành tích cực của các cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tính đến ngày 11-12-2020, chương trình đã tiếp nhận tiền mặt và quà hiện vật trị giá hơn 28 tỉ đồng.
Chương trình đã có nhiều hoạt động hỗ trợ trang thiết bị y tế, sẻ chia với lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch COVID-19 và hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19, trao học bổng "Tiếp sức đến trường" dành cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng dịch COVID-19...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận