26/09/2014 06:23 GMT+7

Biết bao nhiêu tình...

QUỐC LINH
QUỐC LINH

TT - 60 tình nguyện viên là sinh viên các trường đại học, cao đẳng đến với Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật - mồ côi Thị Nghè.

Tình nguyện viên Hồng Lan (ĐH Khoa học xã hội & nhân văn, ĐHQG TP.HCM) dìu bạn Đức Phú bị bại não, teo cơ chân tập đi từng bước thật chậm - Ảnh: Q.L.
Tình nguyện viên Hồng Lan (ĐH Khoa học xã hội & nhân văn, ĐHQG TP.HCM) dìu bạn Đức Phú bị bại não, teo cơ chân tập đi từng bước thật chậm - Ảnh: Q.L.

Kỷ niệm 25 năm thành lập, không lễ nghi rườm rà, không nhiều lời chúc tụng. Thay vào đó, Trung tâm Công tác xã hội thanh niên TP.HCM đã làm một việc ý nghĩa như vậy.

Đến không chỉ với những gói bánh, bao gạo, thùng nước mà với trái tim của những người trẻ yêu thích hoạt động công tác xã hội.

Các bạn chia nhau xuống từng khu vực để làm việc. Các bạn nam lau sàn nhà, chùi cửa kính; các bạn nữ phát quà bánh, vui chơi và phụ cho các em nhỏ khuyết tật ăn. Những em lành lặn hơn thì ra sân chơi bóng, đánh cầu lông cùng các anh chị tình nguyện viên. Không khí trung tâm nhộn nhịp, tươi vui và tràn ngập tiếng cười.

Cẩn thận đỡ từng bước, bạn Hồng Lan (ĐH Khoa học xã hội & nhân văn, ĐHQG TP.HCM) dìu Đức Phú bước thật chậm với gậy tập đi. Phú bị bại não, không phát âm thành lời, teo cơ chân nên mỗi bước đi là cả sự cố gắng. Phú cười suốt vì hôm nay có người cùng tập đi với mình.

Dù đã cùng nhóm bạn thực hiện nhiều đợt làm công tác xã hội, cũng đến nhiều nơi nhưng đây là lần đầu tiên Ngọc Châu (ĐH Công nghiệp thực phẩm) tham gia cùng Đội công tác xã hội thanh niên TP.HCM, cũng là lần đầu tiên Ngọc Châu biết đến Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè.

Loáng trong chừng nửa giờ, Châu đã tự cạo sạch rồi sơn mới hai chiếc khung thành sân bóng mini cho các học viên nơi đây. “Những chuyến đi thế này mình được nhiều thứ, nhìn các bạn nhỏ vui mình cũng vui lây vì biết rằng có thể chia sẻ phần nào sự kém may mắn của các bạn ấy” - Châu tâm sự.

Không gian của ngày kỷ niệm còn là bàn tròn ngồi lại bên nhau trong tọa đàm “Thanh niên với công tác xã hội chuyên nghiệp”. Theo anh Nguyễn Tiến Danh - phụ trách mạng lưới Vì cộng đồng chuyên kết nối các đội nhóm, câu lạc bộ tình nguyện, nên tổ chức hoạt động tình nguyện theo hướng phát triển bền vững.

“Tôi cho rằng đừng quá quan tâm đến số lượng mà hãy bắt đầu từ những cái nhỏ nhất, có ích nhất và sau mỗi hoạt động nên có khảo sát, trao đổi thông tin để xem tính hiệu quả đạt được ra sao” - anh Danh chia sẻ.

Trở về mái nhà xưa, giữ nguyên chất máu lửa như những ngày còn là giám đốc trung tâm, bà Lục Di cho rằng dù chỉ làm bằng cái tâm, không được đào tạo chút kiến thức gì nhưng chính những kỹ năng có được từ tháng ngày làm công tác xã hội đã giúp bà giải quyết được nhiều tình huống gặp phải trong công việc sau này. Theo bà, làm công tác xã hội có kỹ năng thôi chưa đủ mà chắc chắn phải có tâm.

Còn ông Lê Trung Nhã - nguyên phó giám đốc trung tâm - “truyền lửa” cho các bạn trẻ: “Nếu tin rằng việc chúng ta làm có ích cho xã hội thì hãy đặt hết tâm huyết của mình vào đó khi làm”. Ông Nhã cho rằng không bỏ diện rộng nhưng phải lựa chọn, đầu tư hoạt động chiều sâu vì hiện ai cũng có thể làm công tác xã hội nên cần có đặc thù của trung tâm.

Cái tâm chính là điểm kết nối và gặp nhau giữa những phát biểu của các tấm lòng cùng yêu thích công tác xã hội. Mong muốn được trang bị nghiệp vụ để tự tin hơn khi tác nghiệp xem ra là đòi hỏi chính đáng của các bạn trẻ có mặt tại tọa đàm. Và đấy cũng là tương lai không xa của trung tâm khi công tác xã hội được đưa vào danh mục đào tạo thành nghề chuyên nghiệp như bao ngành nghề khác trong xã hội.

QUỐC LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp