23/07/2020 12:11 GMT+7

Biến rác biển thành... học bổng

NHẬT LINH
NHẬT LINH

TTO - Ngoài những tấn cá mực sau các chuyến đi biển dài ngày, con tàu cá hơn 1.000CV của anh Trần Văn Cường còn đem về đất liền hàng chục ký rác thải là vỏ chai nhựa, vỏ lon được vớt trên biển.

Biến rác biển thành... học bổng - Ảnh 1.

Anh Trần Văn Cường với số rác gom được trên biển trong hơn 1 tháng qua - Ảnh: NHẬT LINH

Số rác thải này được anh Cường gom lại rồi đem cho Đoàn thanh niên địa phương bán lấy tiền để gây quỹ học bổng cho trẻ em nghèo.

“Việc làm của anh Trần Văn Cường rất có ý nghĩa, rất xứng đáng để các bạn đoàn viên học tập.

Anh Lê Hoành Thành (bí thư Đoàn thanh niên thị trấn Thuận An)

Mê nhặt rác biển khơi

"Tìm thằng Cường "rác" hả? Nó đang gom rác trên nóc của chiếc thuyền to nhất nằm ở cuối cảng kia kìa" - một ngư dân chỉ tay về phía cuối cảng Thuận An. Ở đó có một cậu thanh niên trẻ, dáng người nhỏ nhắn nhưng chắc nịch, đang thoăn thoắt đôi tay lựa từng vỏ lon, vỏ chai nhựa cho vào một chiếc bao tải.

Chàng ngư dân ấy tên là Trần Văn Cường (29 tuổi), trú ở tổ dân phố Tân Bình, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế. Dù tuổi đời còn khá trẻ nhưng Cường đã có hơn 17 năm bám biển và đang sở hữu một chiếc tàu hậu cần nghề cá "to nhất vùng" khoảng hơn 3,5 tỉ đồng.

Ngồi với chúng tôi trên nóc tàu, Cường khoe rằng đống vỏ lon, chai nhựa này được hơn chục ký, là thành quả của hơn 1 tháng anh cùng các thuyền viên trên tàu vớt rác trên biển. "Số này đem bán chắc cũng được khoảng 150.000 đồng. Vậy là cũng gần đủ một nửa suất học bổng cho học sinh nghèo rồi" - Cường nói.

Cạnh bên đống rác là vài cái sào tre, ở phần đầu gắn một cái vợt như dụng cụ vớt cá. Anh Cường nói đó là dụng cụ do anh tự chế để vớt rác trên biển. Cường cho biết lần đầu tiên anh vớt rác trên biển là vào năm 2018. Khi đó, chính quyền tỉnh đang phát động chương trình Ngày chủ nhật xanh "nhặt một cọng rác, bạn đã làm cho Huế sạch hơn". "Tôi thấy các bạn học sinh, các chiến sĩ biên phòng đổ ra bãi biển Thuận An để nhặt từng cọng rác, chai nhựa. Thế nhưng sau khi nhặt xong, rác từ biển lại theo con sóng trôi dạt vào bờ. Thấy vậy, tôi nghĩ mình phải làm gì đó" - anh Cường chia sẻ.

Từ bận đó, cứ mỗi lần con tàu của anh Cường nổ máy ra khơi, chàng ngư dân trẻ lại cầm theo một cây vợt tự chế. Tàu chạy ngang qua khu vực nào có rác nổi lềnh bềnh trên mặt nước thì anh Cường đều dùng cây vợt vớt lên tàu cho bằng sạch.

Ban đầu, các thuyền viên trên tàu nói việc làm của chàng ngư dân trẻ là "bao đồng", là "phí công", là "chủ tàu tiền tỉ mà đi lượm vài vỏ ve chai". "Nghe vậy tôi cũng buồn lắm, nhưng nếu không làm thì biết khi nào biển mới sạch. Thế là ai nói vậy tôi đều đến giải thích cặn kẽ cho họ mỗi cái chai nhựa phải mất thời gian hơn 500 năm mới phân hủy trên biển. Rồi mưa dầm thấm lâu, nhiều anh em trên tàu đã không còn vứt rác xuống biển nữa mà còn phụ tôi vớt rác" - anh Cường nói.

Gom rác về làm học bổng

Kéo chúng tôi lại trước mũi tàu, anh Cường gỡ một tấm ván gỗ lót sàn lên. Ngay phía dưới là một tấm lưới nhỏ, phía trong có một vài vỏ lon sắt. Cường khoe rằng đây là thùng rác trên tàu. "Mỗi lần đi biển, ngư dân thường vứt những vỏ lon sắt, chai nhựa xuống biển vì tàu cá diện tích rất nhỏ, không có nơi chứa rác. Vậy nên tôi thiết kế một bao tải rác nhựa, lon sắt đặt ngay mũi tàu để anh em trên tàu vứt nhứng thứ rác đó vào đây" - anh Cường nói.

Sau khi "chế" được chiếc thùng rác trên tàu của mình, anh Cường liền vận động và nhân rộng mô hình thùng rác trên cho các bạn tàu đang neo tại cảng Thuận An. Số rác này cộng với rác vớt trên biển sẽ được đem cho Đoàn thanh niên thị trấn Thuận An bán đi để gây quỹ học bổng cho học sinh nghèo. Bấm tay nhẩm tính, anh Cường nói rằng chỉ 6 tháng cuối năm 2019, số rác trên biển bán được góp thêm vào quỹ "Vì đàn em thân yêu" của Đoàn thị trấn Thuận An mua tập vở, bút thước... cho hơn 10 bạn học sinh nghèo vượt khó.

"Sắp tới tôi sẽ thử nghiệm mô hình nuôi heo đất trên mỗi tàu cá. Ví như anh em trên tàu ai có tiền lẻ một, hai nghìn gì đó thì cứ cho vào heo đất. Cuối năm sẽ dùng tiền đó để gây quỹ học bổng" - anh Cường chia sẻ.

Cuối trưa trời nắng như đổ lửa, chúng tôi theo chân anh Cường ra đến cửa cảng Thuận An để ra về. Gần đến bến cảng thì chúng tôi bắt gặp chú Trần Văn Thành, chủ một tàu cá đang sơn lại tàu để chuẩn bị ra khơi. Chưa kịp bắt chuyện, chú Thành đã nói vọng ra: "Cường ơi, rác trên tàu chú đưa cho thím đem vô trong nhà rồi hỉ. Chuyến ni ra biển vớt được cũng kha khá rác". Hỏi ra mới biết, việc vớt rác trên biển đã được anh Cường lan tỏa vận động các bạn thuyền neo đậu ở cảng Thuận An làm theo.

Nhân rộng mô hình vớt rác trên biển

"Những lúc thu mua cá, tiếp dầu cho các tàu cá trên biển, tôi cũng vận động anh em làm theo. Hiện một số tàu cá ở Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Ngãi... đều học theo và nhân rộng mô hình vớt rác trên biển" - anh Cường chia sẻ.

Nhờ việc lan tỏa mô hình này, anh Trần Văn Cường vừa được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chọn trao Giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2020.

Chàng trai... Chàng trai... 'biến rác thành tiền'

TTO - Làm các vật dụng tái chế từ rác thải không hiếm, nhưng để biến công việc ấy thành hướng khởi nghiệp cho lợi ích kinh tế cao và bền vững thì lại là chuyện khó.

NHẬT LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp