Phóng to |
Nguyễn Văn Quân bên chiếc máy cắt quế do mình chế tạo |
Tất cả điều này đều xuất phát từ một chàng thanh niên chỉ mới 35 tuổi ở Tam Kỳ. Chính anh đã biến những thứ bỏ đi thành đôla và giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động ở vùng rừng núi Trà My, Tiên Phước...
Ấp ủ ước mơ
Tốt nghiệp cấp III vào năm 1990, Nguyễn Văn Quân ôm mộng thi vào Trường đại học Ngoại thương nhưng thi trượt. Nghe lời mẹ, Quân ở nhà phụ giúp buôn bán, được mẹ giao cho quản lý cơ sở chế biến quế xuất khẩu ở P.An Mỹ, TX Tam Kỳ. Cả một cơ ngơi chế biến quế mà bà Năm Quyền - mẹ Quân - gầy dựng gần 20 năm qua đã giao cho anh cai quản.
Quân kể ngay từ nhỏ đã theo mẹ lên Trà My, Tiên Phước mua quế nên hiểu được giá trị của cây quế Trà My. Trong ký ức của mình, Quân nhớ như in cái thời vàng son của cây quế Quảng Nam, thời đó quế Trà My là mặt hàng độc quyền của Nhà nước, những người buôn quế như mẹ Quân chỉ mua được quế cành, quế ngọn nhưng cũng bị bắt lên bắt xuống.
Khi tận mắt chứng kiến cảnh người ta khai thác quế ào ạt, những cành nhánh nhỏ được chặt bỏ, Quân tự hỏi tại sao người ta lại bỏ phí chưa tận dụng hết giá trị của nó! Một ý tưởng bắt đầu hình thành trong Quân là phải tìm cách chế biến cành nhánh quế nhỏ, nhưng chế biến thế nào và bán cho ai luôn là một ẩn số mà mãi hơn 15 năm sau Quân mới tìm được lời giải.
Đầu năm 2001, tình cờ Quân tiếp xúc với một mặt hàng quế chi (loại quế chế biến từ cành nhánh nhỏ của cây quế, dùng trong dược liệu thuốc bắc) của Trung Quốc. Quân bắt đầu tìm hiểu cách chế biến loại quế chi này.
“Nếu so với quế của Trung Quốc thì quế Trà My thuộc loại hảo hạng đã được khẳng định trên thị trường thế giới, như vậy cành nhánh quế Trà My vốn bị chặt bỏ nếu được chế biến sẽ ăn đứt quế chi Trung Quốc về chất lượng và giá thành rẻ” - Quân tâm sự. Vậy là một kế hoạch cho một hướng làm ăn mới bắt đầu nảy sinh...
Chiếc máy cắt kỳ diệu biến đồ bỏ đi thành đôla
Trở về lại Tam Kỳ, Quân bỏ thời gian lên Trà My khảo sát lại sản lượng quế cành nhánh sau khai thác. Hơn ba tháng trời, Quân vừa vận động bà con nông dân thu gom cành nhánh quế để bán cho mình với giá 1.500đ/kg, vừa mày mò chế tạo máy cắt để chế biến quế chi.
Quân kể: “Chiếc máy cắt quế ngó thì đơn giản, chỉ với bốn chi tiết chính, nhưng nó đã hành hạ mình hơn hai năm mất ăn, mất ngủ...”. Những chi tiết của chiếc máy cắt được Quân phác thảo trong đầu và đặt hàng ở những cơ sở cơ khí.
Lúc đầu thấy Quân đặt hàng, thợ cơ khí nào nghĩ cũng đơn giản, nhưng khi bắt tay vào làm lại phức tạp. Hơn chục lần chế tạo thất bại, Quân quyết định vào TP.HCM, đến phố thuốc bắc Hải Thượng Lãn Ông để tìm hiểu máy cắt dược liệu của Đài Loan nhập về với giá 2.000 USD/chiếc.
Quân kể: “Máy cắt dược liệu của Đài Loan có ưu điểm là cắt được mọi dược liệu, thật ra máy này cũng có thể cắt được cành nhánh quế để chế biến quế chi, nhưng lát cắt thô vụng, hàng làm ra không đẹp và năng suất cắt quá thấp, mỗi ngày cắt tối đa 100kg”.
Hơn một tuần Quân âm thầm xem xét cấu tạo và ghi nhớ trong đầu mình từng chi tiết của máy cắt dược liệu Đài Loan.
Trở về lại Tam Kỳ, anh phác thảo những chi tiết cho chiếc máy cắt của mình. Quân đặt hàng thợ cơ khí làm từng chi tiết nhỏ và đem về nhà chạy thử. Không ngờ chiếc máy anh mày mò lắp ráp lại đạt năng suất cắt trên 150kg/ngày, nhưng lát cắt còn thô vụng.
Quân kể vì lát cắt không đạt, thế là giữa khuya Quân tháo máy ra nghiên cứu cải tiến. Tình cờ Quân phát hiện chỉ một chi tiết nhỏ là khe hở giữa lưỡi dao cắt với mặt mâm chỉ chênh lệch nhau mấy li nên lát cắt thô thiển, khi chỉnh sửa lại thì cắt trở nên đẹp, lại ít mòn lưỡi cắt.
Nếu so với chiếc máy cắt dược liệu nhập ngoại của Đài Loan có giá 2.000 USD thì chiếc máy cắt tự chế của Quân chỉ có giá thành khoảng 11 triệu đồng, kém ba lần giá nhập ngoại, lại làm chủ được công nghệ mà theo như lời Quân là hư đâu sửa đó, không đòi hỏi kỹ thuật cao.
Đến bây giờ thì Quân đã chế tạo cho riêng mình 12 máy cắt cành quế để chế biến quế chi, công suất mỗi máy đạt trên 300 kg/ngày, gấp ba lần máy cắt của Đài Loan, lát cắt lại sắc sảo, hàng đẹp chẳng thua gì hàng quế chi của Trung Quốc.
Bằng chiếc máy cắt quế độc nhất vô nhị, chưa có một cơ sở cơ khí nào trong nước sản xuất, Quân là người làm quế chi đầu tiên trong toàn quốc và đã chiếm lĩnh mặt hàng quế chi tại thị trường Đài Loan, trở thành nhà cung cấp dược liệu quế chi trong nước cho phố thuốc bắc Hải Thượng Lãn Ông ở TP.HCM.
Quân kể chỉ trong năm 2003, anh đã xuất bán cho phố thuốc bắc Hải Thượng Lãn Ông (TP.HCM) 60 tấn quế chi và xuất sang thị trường Đài Loan 70 tấn, giá quế chi xuất bán cho Đài Loan thấp hơn quế chi Trung Quốc 100 USD/tấn, thu về hơn 91.000 USD, lãi ròng hơn 200 triệu đồng.
Từ những thành công của Quân, bà con nông dân Trà My lại có thêm nguồn thu nhập mới từ cành quế. Nếu trước đây mỗi ký quế cành bán để xay bột làm hương có giá 500đ/kg, thì nay mỗi ký quế cành bản địa có giá 1.500-3.000đ/kg, một nguồn thu không nhỏ cho người nông dân trồng quế...
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm ở Quảng Nam đã bỏ phí hàng nghìn tấn quế cành nhánh nhỏ và thân cây quế sau khi khai thác. Đây là một nguồn dược liệu vô cùng quí giá. Nếu được tận dụng để chế biến xuất khẩu sẽ mang lại nguồn ngoại tệ lớn, giải quyết được công ăn việc làm cho người dân địa phương, nhất là bà con dân tộc vùng cao của các huyện miền núi Trà My, Tiên Phước, Phước Sơn... |
Hỏi dự định của Quân trong tương lai, một chút đắn đo Quân tâm sự: “Hiện nay mình đang hoạch định cho kế hoạch chế biến quế xuất khẩu, ưu tiên hàng đầu là chế biến những phế phẩm như cành quế thành quế chi xuất khẩu. Dự định sắp đến của mình sẽ là chế biến đồ gỗ xuất khẩu từ thân cây quế...”.
Một dự định sản xuất ly uống nước và ly uống cà phê từ thân cây quế cũng đang được Quân triển khai, hiện đã có đơn đặt hàng từ các nước Bắc Âu.
Quân và người nông dân trồng quế Quảng Nam có quyền hi vọng vào hướng đi mới từ cây quế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận