Theo đó, biện pháp trước mắt đối với cây cà phê là áp dụng tưới nước tiết kiệm, tưới gốc 250-300 lít/gốc, hoặc tưới nhỏ giọt 150-200 lít/gốc, chu kỳ 20-25 ngày tưới 1 lần. Sử dụng các loại phân bón lá chứa kẽm (Zn), bo (B) hoặc Nucafe từ 2-3 lần trong mùa khô để nâng cao khả năng chịu hạn, hạn chế rụng quả.
Đối với cây hồ tiêu, trong giai đoạn kiến thiết cơ bản cần che bằng lưới cản để giảm cường độ ánh sáng trực xạ, giảm bốc thoát hơi nước. Áp dụng tưới nước tiết kiệm, tưới gốc 120 lít/gốc, chu kỳ 20-25 ngày tưới 1 lần, hoặc tưới nhỏ giọt 20 lít/gốc, chu kỳ 2-3 ngày tưới 1 lần.
Cục Trồng trọt cũng nêu rõ biện pháp lâu dài là chủ động trữ nước, không trồng cà phê, hồ tiêu nơi không có nguồn nước tưới, áp dụng kỹ thuật tưới tiên tiến tiết kiệm nước (tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa), tưới luân phiên đúng thời điểm, vừa đủ nước. Kết hợp bón phân qua hệ thống tưới nhỏ giọt để nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón. Duy trì hệ thống cây che bóng, đai rừng phòng hộ, trồng cây che phủ đất, trồng xen cây ăn quả phù hợp. Tăng cường bón phân hữu cơ nhằm nâng khả năng giữ ẩm và giữ phân của đất. Tỉa bớt cành nhánh nhằm hạn chế thoát hơi nước. Thường xuyên kiểm tra vườn phát hiện sớm dịch hại để phòng trừ kịp thời nhằm tăng khả năng chống chịu của cây trồng trong điều kiện khô hạn.
Được biết mùa khô năm nay, đến thời điểm hiện nay, toàn khu vực Tây Nguyên đã có gần 40.140 ha cà phê, 2.290 ha tiêu bị thiếu nước tưới, hơn 7.100 ha lúa phải dừng sản xuất, hơn 8.400 ha lúa Đông Xuân... bị mất trắng hoặc giảm năng suất từ 30 đến 70%.
Nếu tiếp tục không có mưa, diện tích cây trồng chính bị hạn, thiếu nước tưới lên đến 167.000 ha; trong đó 14.600 ha lúa và 152.760 ha cà phê bị ảnh hưởng.
Cuối tháng 2 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định hỗ trợ 85,1 tỉ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2015 cho 6 tỉnh khắc phục hậu quả hạn hán và xâm nhập mặn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận