Không chỉ Hà Nội, các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Hồng như Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình... cũng bị nước con sông này dâng cao, nhiều diện tích hoa màu, nhà kho, nhà xưởng, nhà dân bị nhấn chìm trong biển nước.
Chủ động tránh ngập nặng ở khu dân cư
Chiều 11-9, trời vẫn tiếp tục đổ mưa, mọi con đường ra vào khu dân cư ngoài đê ở phố Chương Dương Độ (phường Chương Dương) và các khu dân cư ở phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm) đã chìm trong nước lũ, có nhà chỉ còn thấy mái tôn.
Người dân phải dùng thuyền đi vào những khu vực bị ngập sâu đưa tài sản đến nơi an toàn.
"Tôi không ngờ nước lũ sông Hồng lại lên cao và nhanh như vậy. Rất may chính quyền địa phương đến hỗ trợ nên tôi đã đưa hết tài sản ở gara ô tô đến nơi an toàn", ông Phúc (quận Hoàn Kiếm) nói.
Suốt hai ngày qua, Hà Nội đã huy động lực lượng công an, quân đội dùng canô, xuồng máy, thuyền đưa người dân, tài sản khu vực ngoài đê sông Hồng đến nơi an toàn.
Trong khi đó nhiều doanh nghiệp có nhà kho và khu dân cư ở ngoài đê sông Hồng thuộc các huyện Đông Anh, Thường Tín, Phú Xuyên cũng nhanh chóng di chuyển người và tài sản tránh lũ.
Không chỉ ảnh hưởng lũ mà mưa lớn trong những ngày qua đã khiến nhiều tuyến đường, khu dân cư ở quận Hà Đông, huyện Hoài Đức bị ngập sâu.
Nhiều tuyến đường bên trong khu đô thị Geleximco (huyện Hoài Đức) gần như bị chia cắt. Nhiều đoạn đường gom trên đại lộ Thăng Long, hướng từ nội thành về Khu công nghệ cao Hòa Lạc cũng xuất hiện nhiều điểm ngập úng.
Tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội), nước sông Cầu, sông Cà Lồ lên nhanh và cũng đã vượt mức báo động khiến nhiều khu dân cư ven sông, ngoài bờ bãi bị ngập lụt.
Theo UBND huyện Sóc Sơn, thống kê sơ bộ có hơn 3.300 hộ dân với trên 15.600 nhân khẩu đang chịu ảnh hưởng do ngập lụt sông Cầu, sông Cà Lồ. Một trong những huyện có sông Hồng và sông Tích chảy qua, huyện Phúc Thọ (Hà Nội) đã cùng các xã chuẩn bị mọi tình huống ứng phó khi nước sông dâng cao.
Trước mắt, huyện Phúc Thọ đã di dời người, tài sản một số khu vực tại các xã Tích Giang, Vân Hà, Sen Phương đến khu vực trong đê. Đồng thời xây dựng các phương án sơ tán dân, chủ động khi cần thiết.
Yêu cầu đảm bảo cho các công trình công cộng
Cùng ngày, nước lũ sông Đáy đã làm ngập lụt nhiều khu dân cư ở một số huyện và TP Phủ Lý. Mực nước sông lên cao kết hợp với mưa lớn gây ngập lụt diện rộng vùng bãi ven sông huyện Gia Viễn, một số vùng trũng thấp khu vực dân cư các xã thuộc huyện Nho Quan và TP Ninh Bình, TP Hoa Lư.
Sau khi lũ trên sông Đáy bắt đầu dâng cao, tỉnh Hà Nam đã huy động tổng lực lực lượng vũ trang, phòng chống thiên tai ứng trực tại các tuyến đê xung yếu.
Ngay trong đêm, bà Lê Thị Thủy, bí thư Tỉnh ủy Hà Nam, đã đi kiểm tra công tác phòng chống ngập úng và bảo vệ đê điều, đề nghị lãnh đạo huyện Thanh Liêm, Lý Nhân, TP Phủ Lý và các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, ứng trực thường xuyên, bảo đảm an toàn cho người dân và chủ động di chuyển đến nơi an toàn.
Để đảm bảo an toàn, cầu Phù Vân cũ bắc qua sông Đáy cũng như nhiều tuyến đê trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã cấm người qua lại.
Tại Hải Dương, kênh thủy lợi Bắc Hưng Hải (kênh thủy nông phục vụ tưới tiêu cho Đồng bằng Bắc Bộ) đã xuất hiện nhiều điểm tràn do nước dâng cao.
Tỉnh Hải Dương đã phải huy động lực lượng đến đắp đất, bao tải cát nâng cao bờ kênh thủy lợi Bắc Hưng Hải, đồng thời phân công, bố trí lực lượng kiểm tra, túc trực 24/24 tại những điểm có nguy cơ tràn nước cục bộ để có biện pháp xử lý kịp thời.
Mất hết đàn gà gầy dựng trong 8 năm
"Khóc không được nữa" là cảm giác bất lực của anh Lê Văn Ninh - một chủ trang trại tại xã Sơn Cẩm, TP Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) - khi đêm 8-9 tận mắt nhìn đàn gà hơn 20.000 con bị nước lũ nhấn chìm. Hôm qua, sau 4 ngày đêm lũ kinh hoàng, anh Ninh trở về trang trại trong nỗi ám ảnh bởi xác gà chết la liệt, trấu trải nền cho gà dính lên tường cao cả mét, gia tài tiêu tan theo dòng nước lũ. Đàn gà này là nỗ lực gom góp của anh từ năm 2016 đến nay gồm gà đẻ, gà con và gà thịt, trong đó có 16.000 con chuẩn bị xuất bán.
"Nhìn thấy tài sản, đàn gà do chính tay mình chăm chút từ khi còn là quả trứng đến thành con gà trưởng thành, đêm hôm còn lọ mọ chăm lo cho đàn gà ăn uống... nhưng cuối cùng lại chết hết, thật sự xót xa, không lời nào có thể diễn tả hết", anh Ninh đăm chiêu nhìn về hướng trang trại. Anh Ninh ước tính thiệt hại về gà, cám, chuồng trại phải đến khoảng 3,5 tỉ đồng.
Gói ghém nỗi đau, anh Ninh lại vội dọn dẹp trang trại bởi anh hiểu gà chết lâu ngày sẽ gây ảnh hưởng lớn đến môi trường. Suốt cả ngày dài, bộ đội, người quen, hàng xóm cùng chung tay giúp anh Ninh thu gom gà đi tiêu hủy, dọn dẹp chuồng trại.
Trước đó, để đầu tư cho đàn gà này, anh đã vay ngân hàng hơn 2 tỉ đồng. Mong muốn lớn nhất của anh Ninh lúc này là được hỗ trợ giãn nợ, chính sách lãi suất để anh có nguồn vốn, động lực tiếp tục chăn nuôi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận