07/04/2025 08:58 GMT+7

Biến nguy thành cơ xây nền kinh tế tự chủ

Bình tĩnh ứng phó với việc áp thuế đối ứng của Tổng thống Donald Trump để biến nguy thành cơ, tái cơ cấu nền kinh tế.

Biến nguy thành cơ xây nền kinh tế tự chủ - Ảnh 1.

Tại cuộc điện đàm với Tổng thống Donald Trump mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định Việt Nam sẵn sàng trao đổi với phía Mỹ để đưa mức thuế nhập khẩu về 0% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Trong ảnh: Người dân mua hàng hóa của Mỹ tại siêu thị MM Mega Market (TP Thủ Đức, TP.HCM) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Xuân Thúy (Trường đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) nói: Thông điệp được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra trong phiên họp Chính phủ thường kỳ là bình tĩnh ứng phó, đàm phán thuế với Mỹ và kiên quyết không thay đổi mục tiêu tăng trưởng, xem đây là cơ hội để tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nhanh và bền vững, đã mang ý nghĩa lớn cho cộng đồng doanh nghiệp lúc này.

Thể hiện thiện chí của Việt Nam

tự chủ - Ảnh 3.

Bà Nguyễn Thị Xuân Thúy

* Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ, Thủ tướng cũng tổ chức nhiều cuộc họp với những động thái ứng phó rất nhanh. Vậy bà kỳ vọng thế nào diễn biến sắp tới?

- Nếu nhìn vào nội dung tuyên bố trong sắc lệnh, có thể hiểu rằng Mỹ ra quyết định này nhằm tạo cú hích cho các ngành, các doanh nghiệp sản xuất trong nước và cải thiện cán cân thương mại hàng hóa với Mỹ.

Việc cải thiện đầu tư và cải thiện cán cân thương mại sẽ cần thời gian. Việt Nam không có doanh nghiệp sản xuất đa quốc gia để sang đầu tư nhà máy ở Mỹ. 

Chưa kể quy mô thương mại hàng hóa Việt - Mỹ cũng quá nhỏ so với các đối tác thương mại khác. Vì vậy, dù có chuyển từ thâm hụt sang thặng dư thương mại giữa hai nước - vốn là điều không thể xảy ra - thì cũng không giúp Mỹ chuyển dịch cán cân thương mại.

Do vậy, tôi cho rằng với các hoạt động ngoại giao và thể hiện thiện chí bằng các chính sách nhằm cải thiện cán cân thương mại hai nước đang thực hiện, chúng ta sẽ có cơ hội đàm phán giảm thuế xuống mức thấp nhất có thể.

Đặc biệt thông điệp giảm thuế và mở rộng nhập khẩu hàng đã thể hiện rõ thiện chí của Việt Nam trong việc cải thiện cán cân thương mại. Tới đây, nếu giảm thuế, hàng hóa của Mỹ có thể tăng lên ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến các nhà sản xuất trong nước.

 Nhưng ngược lại, người tiêu dùng trong nước có cơ hội sở hữu các mặt hàng nhập khẩu chất lượng từ Mỹ với giá rẻ hơn như điện thoại iPhone, Macbook, các dòng xe hơi thương hiệu Mỹ như GM, Ford, Tesla, Jeep...

Quá trình chuyển đổi cần những doanh nghiệp lớn dẫn đầu, hình thành chuỗi cung ứng trong nước để tạo ra giá trị gia tặng nội địa lớn hơn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Xuân Thúy (Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội)

* Vậy theo bà, đâu là cơ hội, là những mặt tích cực từ lệnh áp thuế này và làm gì để biến nguy thành cơ?

- Năng lực cạnh tranh của một quốc gia thể hiện qua số lượng những doanh nghiệp của quốc gia đó có thể cạnh tranh được trên phạm vi toàn cầu. 

Vì vậy, đây là cơ hội và là yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh hơn quá trình tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nhanh và bền vững, phát triển doanh nghiệp trong nước, khu vực kinh tế tư nhân, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả.

Sắc lệnh của Mỹ, nhìn theo hướng tích cực, cũng là một bộ lọc giúp Việt Nam giảm thiểu các nhà đầu tư tìm đến Việt Nam như là "trạm trung chuyển" để tránh thuế từ các nước khác có mức thuế cao hơn, giảm các đơn hàng "tránh thuế", đưa cán cân thương mại phản ánh đúng thực lực thương mại và sản xuất của doanh nghiệp hai nước.

Chúng ta đã làm tốt việc gửi đi thông điệp cho nhà đầu tư, thể hiện trách nhiệm của Chính phủ trong việc đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh ổn định cho các nhà đầu tư hoạt động tại Việt Nam. 

Về lâu dài, để tăng cường và duy trì hợp tác, ổn định kinh tế thương mại giữa hai nước, cần xúc tiến việc đàm phán ký kết FTA với Mỹ, thu hút những dự án đầu tư chất lượng cao để có những hợp tác mang tính bền vững, hài hòa lợi ích các bên.

tự chủ - Ảnh 4.

Yêu cầu nâng cao giá trị gia tăng năng suất lao động cho các ngành xuất khẩu như dệt may đặt ra cấp thiết hơn khi Mỹ áp thuế đối ứng - Ảnh: Q.NAM

Nhiều tác động...

* Nhưng bà có lo ngại nếu chính sách áp thuế này sẽ khiến doanh nghiệp FDI rút khỏi Việt Nam khi xuất khẩu đang chiếm tới 70% kim ngạch?

- Cơ hội tiếp cận thị trường toàn cầu với mức thuế thấp là một trong những điểm hấp dẫn các nhà đầu tư tìm đến Việt Nam. Nếu đây là yếu tố quyết định để các nhà đầu tư lựa chọn Việt Nam thì khi lợi thế này không còn nữa, họ sẽ phải cân nhắc việc tìm kiếm địa điểm đầu tư mới.

Đúng là việc Mỹ công bố áp thuế đối ứng đã gây ra tâm lý lo ngại cho các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, quyết định đầu tư là một quyết định dài hạn, trong khi các chính sách của Mỹ vẫn đang còn khá nhiều bất định, khó dự đoán.

Không ai biết được liệu nay mai Mỹ có tăng thuế đối ứng lên các nước khác hay không, khi mà thâm hụt thương mại của Mỹ với các nước đó tăng đột biến do dịch chuyển thương mại từ các nước bị áp thuế ở mức cao.

Trong dài hạn, nếu tình hình không thay đổi và những lợi thế của Việt Nam không còn nữa, đặc biệt là lợi thế tiếp cận thị trường, Việt Nam sẽ khó duy trì được vị thế của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Nếu mức thuế vẫn giữ nguyên như đã công bố, có khả năng các đơn hàng gia công, lắp ráp sẽ chuyển từ Việt Nam sang các nước có mức thuế thấp hơn để tránh bị áp thuế ở mức cao. 

Tuy nhiên việc đóng cửa nhà máy và rút khỏi Việt Nam chưa có khả năng xảy ra ngay lập tức, vì dịch chuyển địa điểm đầu tư đòi hỏi chi phí lớn để xây dựng nhà xưởng và thiết lập chuỗi cung ứng mới.

* Nhìn vào cơ cấu kim ngạch xuất khẩu hiện nay, có tới 70% doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. Vậy theo bà, điều đó có đồng nghĩa doanh nghiệp trong nước ít bị tác động bởi lệnh áp thuế?

- Năm 2024, Mỹ nhập khẩu 142,4 tỉ USD hàng hóa từ Việt Nam - lớn thứ sáu sau Mexico, Trung Quốc, Canada, Đức và Nhật Bản. Trong số này, xuất khẩu của doanh nghiệp FDI chiếm tỉ trọng lớn. 

Điển hình là nhóm hàng điện tử, xuất khẩu của FDI chiếm trên 90%; máy móc thiết bị và linh kiện ô tô trên 80%; giày dép, cao su, nhựa trên 70%; nội thất, dệt may trên 60%... Chỉ có hoa quả và thủy sản là hai ngành có tỉ trọng xuất khẩu của FDI thấp dưới 10%.

Đây là tỉ trọng FDI nói chung trong tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng của Việt Nam đi khắp toàn cầu, không chỉ riêng thị trường Mỹ, nhưng cũng cho thấy các doanh nghiệp FDI sẽ bị ảnh hưởng rất lớn từ quy định này của Mỹ.

Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt sẽ ít bị tác động hơn. Bởi vì nhiều đơn hàng xuất khẩu doanh nghiệp FDI có thể thuê gia công từ doanh nghiệp Việt Nam hoặc có nhà cung cấp tại Việt Nam. Vì vậy, việc áp thuế cũng sẽ tác động lên toàn chuỗi sản xuất trong nước, trong đó bao gồm cả doanh nghiệp Việt, chứ không chỉ riêng doanh nghiệp FDI.

Ngoài ra, còn có tác động lớn hơn vượt ra ngoài phạm vi thương mại, đó là về mặt xã hội, là việc làm và thu nhập của người lao động. Đặc biệt hơn khi các ngành xuất khẩu chủ đạo của Việt Nam hầu hết đều là các ngành thâm dụng lao động, với hơn 2 triệu lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp dệt may da giày và hơn 800.000 lao động đang làm việc trong lĩnh vực điện tử.

tự chủ - Ảnh 5.

Cần thay đổi tư duy, từ "làm thuê" sang "làm chủ"

* Vậy bà có lời khuyên gì cho doanh nghiệp để chủ động ứng phó với cú sốc này?

- Với doanh nghiệp, để có thể ứng phó với cú sốc bên ngoài, không có cách nào khác phải cạnh tranh bằng chính nội lực của mình, từng bước xây dựng thương hiệu, nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh dựa trên những giá trị bền vững hơn, thay đổi tư duy từ "làm thuê" sang "làm chủ" để có thể ở vị thế chủ động hơn.

Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp đang dựa hoàn toàn vào xuất khẩu và phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Mỹ, cần cân nhắc chuyển sang chiến lược đa dạng hóa thị trường, phát triển thêm các sản phẩm phục vụ thị trường trong nước với quy mô trên 100 triệu dân và thị trường khu vực ASEAN.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng có thể cân nhắc tăng tỉ lệ đầu vào có xuất xứ từ Mỹ để tận dụng quy định "hàm lượng Mỹ" 20% nhằm giảm bớt gánh nặng về thuế đối với hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ.

Biến nguy thành cơ xây nền kinh tế tự chủ - Ảnh 5.Đại sứ Mỹ Marc Knapper: Việt Nam phản ứng nhanh, tích cực và thấu hiểu về thuế đối ứng của Mỹ

Việt Nam đã đề nghị ông Trump lùi thời hạn áp thuế đối ứng 46% trong lúc hai bên đang đàm phán, đồng thời đề nghị Mỹ sắp xếp các cuộc gặp để sớm đạt thỏa thuận.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp