22/08/2020 10:01 GMT+7

Biển người tràn ngập khu Triều Thiên Môn của Trùng Khánh để coi... nước lũ

BẢO ANH
BẢO ANH

TTO - Nền tảng Pear Video của Trung Quốc hôm 20-8 đăng một video với tựa đề: "Biển người tập trung tại khu Triều Thiên Môn của Trùng Khánh để coi... nước lũ".

Biển người tràn ngập khu Triều Thiên Môn của Trùng Khánh để coi... nước lũ - Ảnh 1.

Cảnh ngập lụt tại quận Nam Ngạn của thành phố Trùng Khánh trong tuần này - Ảnh: Tân Hoa xã

Trùng Khánh, một trong bốn thành phố trực thuộc trung ương của Trung Quốc, tuần này đang hứng chịu cơn lũ đặc biệt lớn và hiếm thấy trong lịch sử thành phố này. Các tỉnh thành khác cũng đang căng mình chống lũ.

Trong video, một cư dân thành phố Trùng Khánh chia sẻ: "Tôi thì không bị ảnh hưởng nhiều vì nhà của tôi nằm ở trên cao. 

Nhưng với rất nhiều cửa hàng mà nói, tổn thất nặng nề. Nửa đầu năm chống dịch COVID-19, nửa cuối năm chống lũ. Hi vọng nước lũ sớm rút". Ước tính hơn 20.000 cửa hàng ở Trùng Khánh đã bị ngập trong nước.

3 nguyên nhân chính

Tuần này, trận lũ số 5 trên sông Trường Giang và trận lũ số 2 trên nhánh sông Gia Lăng đã đi qua thành phố Trùng Khánh. Mực nước đo được tại trạm thủy văn Thốn Than ở thành phố này hôm 20-8 đạt 191,62m, vượt qua mức kỷ lục 191,41m vào năm 1981.

"Đây cũng là mực nước cao nhất được ghi nhận kể từ lúc trạm thủy văn Thốn Than được xây dựng vào năm 1939" - ông Trương Thế Minh, một quan chức cấp cao tại Ủy ban Thủy lợi Trường Giang, cho biết.

Tuy nhiên, người ta đã đặt câu hỏi tại sao Trùng Khánh những ngày qua có nắng nóng lại hứng lũ nặng như vậy? Các chuyên gia ngày 21-8 đã giải đáp vấn đề này trên truyền thông Trung Quốc. 

"Có ba nguyên nhân chính gây ra trận lũ đặc biệt lớn và hiếm thấy trong lịch sử Trùng Khánh lần này" - Trương Na, phó lãnh đạo phòng dự báo thủy văn tại Ủy ban Thủy lợi Trường Giang, cho biết.

Thứ nhất, mưa lớn diễn ra liên tục trên một diện tích rộng ở khu vực thượng nguồn của Trùng Khánh gần đây. 

Thứ hai, các nhánh sông ở phía trên như Mân Giang, Đà Giang, Gia Lăng, Phù Giang cùng lúc đó có mực nước vượt mức cảnh báo, nhiều dòng cùng hội tụ tác động tới sông Trường Giang ở đoạn chảy qua Trùng Khánh.

Thứ ba là lũ chồng lũ. Về nguyên nhân này, chuyên gia Vương Thế Bình tại Cục Quản lý khẩn cấp Trùng Khánh giải thích thêm trận lũ số 4 trong năm 2020 vẫn chưa kết thúc thì trận lũ số 5 đã hình thành ở thượng nguồn Trường Giang. 

Tình hình trên nhánh sông Gia Lăng cũng tương tự. Nói một cách dễ hiểu là "lũ trước chưa qua khỏi, lũ sau đã kéo đến".

Dù những ngày gần đây Trùng Khánh có nắng chói chang, tỉnh Tứ Xuyên nằm sát Trùng Khánh lại có mưa xối xả. 

Hôm 18-8, Tứ Xuyên đã khởi động phản ứng khẩn cấp cấp 1 nhằm kiểm soát lũ, cấp cao nhất và lần đầu tiên trong lịch sử tỉnh này áp dụng cấp cao như vậy. Nước trên nhiều con sông chảy qua Tứ Xuyên gần đây dâng cao liên tục.

Những con số biết nói

Công tác kiểm soát lũ và cứu nạn năm nay tại Trung Quốc đối mặt với thách thức gay go. Kể từ tháng 6, lưu vực sông Trường Giang phát sinh lũ lụt nghiêm trọng, ảnh hưởng tới nhiều tỉnh thành ở miền nam.

Hãng tin Trung Quốc Tân Văn xã ngày 21-8 cho biết lũ lụt năm 2020 hiện đã ảnh hưởng tới 63,64 triệu người trên khắp cả nước, gây ra tổn thất kinh tế trực tiếp lên tới 178,96 tỉ nhân dân tệ (gần 26 tỉ USD) cho Trung Quốc. Ít nhất 219 người chết và hơn 4 triệu người được sơ tán.

Tính từ đầu năm tới nay, lưu vực sông Trường Giang, Hoàng Hà, Hoài Hà, Châu Giang (những con sông thuộc hàng lớn nhất Trung Quốc) và Thái Hồ (một trong những hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc) đã phát sinh lũ tới 17 lần.

Tuần này, các nhà lãnh đạo Trung Quốc gồm Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường đã đến thăm một số địa phương để thị sát công tác chống lũ. 

Tại tỉnh An Huy, ông Tập nói rằng người dân nước này đã chiến đấu với thảm họa tự nhiên mấy ngàn năm, tích lũy được kinh nghiệm quý báu và sẽ tiếp tục chiến đấu.

Tuy nhiên tình hình lũ lụt tại một số nơi đã có chuyển biến tích cực. Chẳng hạn Tân Hoa xã ngày 21-8 đưa tin tỉnh Giang Tô đã dỡ bỏ cảnh báo lũ toàn diện và tình hình lũ lụt trên toàn tỉnh về cơ bản đã trở lại bình thường.

Nước ở đập Tam Hiệp vượt cảnh báo 20m

Tình hình tại đập Tam Hiệp chắn ngang sông Trường Giang trở nên căng thẳng trong tuần này khi lưu lượng nước đổ về hồ chứa của con đập đạt mức kỷ lục 75.000 m3/giây, lớn nhất kể từ lúc con đập được xây vào năm 2003.Sáng 21-8, mực nước hồ chứa đập Tam Hiệp đã lên đến 165,6m, tăng hơn 2m qua đêm và cao hơn gần 20m so với mức cảnh báo.

Mực nước tối đa theo thiết kế của hồ là 175m. Tuy nhiên, tờ Hoàn Cầu Thời Báo dẫn lời chuyên gia Trung Quốc nói rằng nước lũ chỉ có thể gây ra rủi ro cho con đập khi diễn ra trong một khoảng thời gian dài và chuyện hư hại sẽ không xảy ra vì theo dự báo đỉnh lũ lần này sẽ rút xuống sau 2 hay 3 ngày.

'Trung Quốc xả lũ, nhưng tác động đến Việt Nam không lớn'

TTO - Trước lo lắng của người dân về thông tin xả lũ phía Trung Quốc, Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai cho biết tác động của việc xả lũ này đến nước ta không lớn, tuy nhiên cũng làm mức nước dưới hạ du tăng lên báo động 1.


BẢO ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp