Một máy bay của Lực lượng Phòng vệ Nhật tuần tra biển Hoa Đông - Ảnh: AFP
Khi nói đến tranh chấp lãnh hải ở châu Á, thời gian qua Biển Đông thường thu hút nhiều sự chú ý nhất. Tuy nhiên, các học giả đang cảnh báo tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản trên biển Hoa Đông có nhiều nguy cơ kích hoạt một cuộc xung đột quốc tế hơn.
"Dù không gây nhiều ồn ào, tranh chấp trên biển Hoa Đông có thể lôi Mỹ vào cuộc xung đột với Trung Quốc. Nguy cơ đó cao hơn so với các tranh chấp khác nhau ở Biển Đông" - hai chuyên gia Ryan Hass và David M. Rubenstein thuộc Viện Brookings nhận định trên Đài CNBC của Mỹ.
Cả Trung Quốc và Nhật đều tuyên bố chủ quyền đối với chuỗi hòn đảo trên biển Hoa Đông trải dài trên 81.000 dặm vuông. Tokyo gọi là Senkaku, Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư. Khu vực này nằm gần các tuyến hàng hải lớn và được đánh giá có trữ lượng tài nguyên dồi dào, đặc biệt là dầu khí.
Rủi ro xảy ra va chạm bất ngờ giữa lực lượng Trung Quốc và Nhật hoạt động trong khu vực là khá cao. Các yếu tố bao gồm tầng suất chạm trán cao giữa các phương tiện hai bên, thiếu cơ chế giảm thiểu rủi ro, Tokyo và Bắc Kinh không có sự đồng thuận về quy tắc hành xử"
Chuyên gia Ryan Hass thuộc Viện Brookings
Nhật Bản là một đồng minh gần gũi của Mỹ nên nếu xung đột Trung - Nhật nổ ra, nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể phải can thiệp, một mặt bảo vệ đồng minh, mặt khác để giữ tự do cho các tuyến hàng hải và hàng không.
Và nếu Bắc Kinh không cho phép tàu thuyền và máy bay hoạt động trong khu vực chiếu theo luật pháp quốc tế, hành động này cũng sẽ kích hoạt phản ứng từ Washington, ông Hass bổ sung.
Trực thăng hải quân Mỹ hoạt động cùng với tàu khu trục của Lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản tháng 3-2017 - Ảnh: Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ
Quần đảo Senkaku là nhóm đảo nhỏ nằm cách đảo chính của tỉnh Okinawa của Nhật Bản khoảng 400 km về phía Tây. Quần đảo này hiện do Nhật Bản kiểm soát nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và thường xuyên đưa tàu hoặc máy bay đến vùng biển này.
Cựu tổng thống Barack Obama là nhà lãnh đạo Mỹ đầu tiên tuyên bố các đảo tranh chấp ở biển Hoa Đông nằm trong phạm vi bao trùm của Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật.
"Đối với Trung Quốc và Nhật, các sự kiện ở Hoa Đông có tầm mức quan trọng lớn vì tranh chấp này được cả hai nước xem là chiến trường thử thách cách họ tương tác với nhau trong tư cách cường quốc châu Á. Những lần căng thẳng trước đây nhanh chóng kích động dư luận cả hai bên, kết quả là giới lãnh đạo Bắc Kinh và Tokyo chỉ có một khoảng không chính trị hạn hẹp để xuống thang" - vị chuyên gia Mỹ phân tích.
Năm 2012, quyết định của Tokyo mua lại 3/5 hòn đảo từ chủ sở hữu của chúng gây ra các cuộc biểu tình bạo lực chống Nhật ở Trung Quốc, buộc nhiều công ty Nhật phải dừng hoạt động làm ăn ở đại lục. Năm tiếp theo, Tokyo gửi công hàm phản đối hành động của Bắc Kinh xác lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên một phần biển Hoa Đông.
Thêm vào đó, tầng suất chạm trán giữa tàu bè/máy bay Trung Quốc và Nhật ngày càng tăng trong bối cảnh cả hai cùng nâng cấp năng lực phòng thủ. Điều này tương phản với tình hình Biển Đông, vốn đã đi đến điểm bế tắc, ông Hass bình luận.
"Washington không thể buộc Bắc Kinh từ bỏ các đảo nhân tạo hoặc ngăn họ triển khai khí tài quân sự trên đó mà không đi kèm rủi ro xung đột quân sự. Tương tự, Trung Quốc cũng không thể ngăn Mỹ hoạt động ở Biển Đông. Một cuộc xung đột lớn có thể đặt các lực lượng vũ trang Trung Quốc đối mặt với thất bại lớn, kéo theo là sự sụp đổ của chuỗi đảo nhân tạo" - vị chuyên gia của Mỹ chỉ ra.
Trong khi đó, Trung Quốc vẫn thường xuyên đi vào vùng biển tranh chấp ở Hoa Đông để chứng minh quyền lực của mình. Gần nhất là hôm 2/-1, Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) thông báo 4 tàu tuần duyên Trung Quốc đã tiến vào vùng biển nước này quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.
Theo Hãng tin Kyodo, những tàu trên đã tiến vào vùng biển quanh quần đảo Senkaku vào lúc 10h10 sáng (giờ địa phương), buộc lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản phải yêu cầu những tàu này rời đi. Các tàu Trung Quốc đã rời khỏi vùng biển Nhật Bản sau khi nấn ná ở đó khoảng 2 giờ.
Đây là lần đầu tiên các tàu Trung Quốc tiến vào vùng biển Nhật Bản kể từ đầu tháng 10 vừa qua và là lần thứ 26 trong năm nay.
Trước đó, ngày 21-9, bốn tàu hải cảnh của Trung Quốc đã tiến vào vùng lãnh hải Nhật Bản tại khu vực đảo Uotsurishima thuộc quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận