Chốt canh giữ biên giới ở Long An được tăng cường nhân lực l Ảnh nhỏ: nhân viên y tế chuẩn bị giường một bệnh viện dã chiến chống dịch COVID-19 ở Bangkok, Thái Lan ngày 12-4 - Ảnh: SƠN LÂM - Reuters
Tinh thần cảnh giác cao và "chống dịch như chống giặc" của các lực lượng tuyến đầu chống dịch dọc biên giới Tây Nam được thể hiện rất rõ trong những ngày này.
Chúng tôi đã cho người dân ven biên giới làm cam kết không tiếp tay cho người nhập cảnh trái phép, xây dựng mỗi người dân là một pháo đài chống dịch. Vì Campuchia đang bùng phát mấy trăm ca nhiễm COVID-19/ngày nên anh em phải cố gắng nhiều hơn.
Đại tá Bùi Trung Dũng - phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh An Giang
Tăng lực lượng tuần tra, chốt chặn
Tại Long An, ngày 12-4 ông Huỳnh Minh Phúc - giám đốc Sở Y tế tỉnh này - cho biết UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; chú trọng tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở lưu trú trên địa bàn; đặc biệt đẩy mạnh hơn nữa việc kiểm soát tất cả các đường mòn, lối mở, các cảng trên địa bàn để tránh tình trạng dịch bệnh "chui" vào cộng đồng.
Tỉnh này cũng kích hoạt lại các khu cách ly đã có quyết định thành lập trước đây, để sẵn sàng tiếp nhận thêm 1.000 người khi có nhu cầu. Các huyện biên giới ở Long An được giao phải tiếp tục tăng cường bảo vệ biên giới, thường xuyên liên hệ với phía bạn Campuchia để nắm tình hình, tránh bị động khi có trường hợp xảy ra. Hiện tỉnh Long An có 36 chốt tuần tra trên hơn 133km.
Tổng hợp: Bình An - Đồ họa: TẤN ĐẠT
Tại Đồng Tháp, ông Đoàn Tấn Bửu - phó chủ tịch UBND tỉnh - cho biết cũng vừa quán triệt tiếp tục tăng cường các lực lượng tuần tra, chốt chặn, vận động kiều bào không nhập cảnh lúc này, tăng cường giám sát trọng điểm khi có ca dương tính. Ngoài ra, tỉnh cũng tăng cường hỗ trợ kiều bào nhu yếu phẩm, thuốc để họ vượt qua khó khăn.
Đồng Tháp đã tăng cường tổ chốt cố định từ 17 lên 21 chốt với 146 nhân sự kiểm soát 24/7 và 18 tổ kiểm tra lưu động với 75 nhân sự. Tỉnh nhấn mạnh phương châm mỗi người dân là một chiến sĩ trong công tác phòng chống dịch cũng như bảo vệ biên giới. Ngoài ra, Đồng Tháp đã tiêm hơn 600 liều vắcxin cho cán bộ y tế biên giới và bộ đội biên phòng.
Ở An Giang, đại tá Bùi Trung Dũng - phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh An Giang - cho biết đang duy trì 187 tổ chốt công tác phòng chống dịch COVID-19 ven biên giới Campuchia. Hiện tại có 16-20 người về Việt Nam mỗi ngày từ Campuchia đều được đưa vào các khu cách ly của các huyện biên giới.
Tương tự, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang cho hay trên tuyến biên giới bộ dài 56km của tỉnh này giáp với Campuchia, bình quân cách 2-3m là có 1-2 chiến sĩ làm nhiệm vụ canh gác liên tục, chưa kể cứ 3 chốt cố định sẽ có 1 tổ tuần tra lưu động hỗ trợ. Lực lượng được huy động tăng cường lên tới hàng ngàn người.
Trên vùng biển từ huyện đảo Kiên Hải ra tới Phú Quốc, Thổ Châu rộng trên 1.500km2, ngoài các tàu tuần tra cỡ lớn quần đảo ở khoảng cách từ 2-3km cách bờ còn có hàng chục xuồng cao tốc cỡ nhỏ trang bị động cơ công suất lớn hỗ trợ thêm, chủ yếu vào ban đêm. Ngoài ra còn có hàng ngàn tàu cá của ngư dân cam kết hỗ trợ thông báo tin tức khi phát hiện tàu lạ hoặc xuồng nhỏ chở người nghi vấn nhập cảnh lậu.
Chiến sĩ thuộc nhiều lực lượng được huy động khóa chặt toàn tuyến biên giới Tây Nam để ngăn dịch xâm nhập từ Campuchia - Ảnh: KHOA NAM
Vận động bà con Khmer áp dụng 5K dịp tết
Để tránh tình trạng bà con qua lại thăm nhau nhân dịp tết cổ truyền Khmer, UBND tỉnh An Giang đã ban hành công văn yêu cầu các sở, ngành và địa phương thực hiện nghiêm tinh thần chống dịch khi tổ chức các hoạt động tôn giáo. Tỉnh này đã giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan và địa phương hướng dẫn các tổ chức tôn giáo khi tổ chức các cuộc lễ tôn giáo và Tết Chol Chnam Thmey phải áp dụng triệt để giải pháp 5K (khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tập trung - khai báo y tế), hạn chế tối đa việc tập trung đông người, giảm quy mô...
Ông Nguyễn Thành Huân - chủ tịch UBND huyện Tịnh Biên, An Giang - cho hay việc vận động bà con Khmer không nên tập trung vào các ngôi chùa vui tết đang được ưu tiên. "Chúng tôi cũng vận động các xã có đông người Khmer sinh sống nên vận động bà con không tập trung đông người, cúng bái dịp tết vì nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 hiện vẫn rất cao", ông Huân nói.
Ông Cao Quang Liêm - chủ tịch UBND huyện Tri Tôn, An Giang - cũng khẳng định đã vận động bà con không được về qua đường biên giới huyện Tri Tôn, đồng thời tuân thủ đeo khẩu trang khi thực hiện các nghi lễ, và cúng viếng dịp tết.
Trong khi đó, phía tỉnh Kiên Giang đã cấm triệt để việc qua lại biên giới để thăm hỏi, họp mặt nhân dịp Tết Chol Chnam Thmey nhằm tránh nguy cơ lây dịch. Đồng thời thông báo liên tục việc bà con người Khmer chú trọng đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch trong những ngày vui tết.
Hưởng ứng sự vận động của chính quyền địa phương, nhiều bà con người Khmer ở Việt Nam đã phối hợp cùng vận động người thân không qua lại biên giới thăm nhau dịp tết cổ truyền năm nay. Anh Chau Kim Hane - cán bộ xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, An Giang - cho biết bà con Khmer vùng Tri Tôn năm nay ăn Tết Chol Chnam Thmey sung túc hơn vì được mùa, trúng giá lúa cao.
"Tết từ ngày 14 đến 16-4. Hiện tại bà con vùng Núi Tô đã chuẩn bị sẵn sàng đón tết cổ truyền Chol Chnam Thmey rất vui vẻ vì trong nước dịch bệnh đã cơ bản khống chế. Tuy nhiên, nhiều bà con Khmer có người thân bên kia Campuchia có phần ít vui hơn. Nhưng ai cũng khuyên người thân ở bên Campuchia cố gắng và gọi điện qua mạng xã hội Zalo, Facebook để vận động người thân ở yên, không đến vùng dịch bệnh, không trở về và chúc lành nhau mau qua cơn dịch bệnh này", anh Hane chia sẻ.
Bà Thạch Thị Kim - ngụ phường Vĩnh Lạc, TP Rạch Giá, Kiên Giang - chia sẻ thêm: "Năm nào bà con của tui với mấy người ở quanh đây đang sống bên Campuchia cũng về Rạch Giá này ăn tết. Nhưng năm nay bên đó giãn cách rồi thì về chi nữa. Nhớ thì nhớ nhưng mà gọi điện thoại, nhìn nhau trực tiếp qua mạng vậy được rồi. Về chi rồi lỡ lây bệnh làm khổ nhau".
Lực lượng biên phòng Phú Hữu (An Giang) kiểm soát người dân lên biên giới làm rẫy bằng cách giữ giấy CMND và trả lại cuối ngày - Ảnh: BỬU ĐẤU
Tăng cường túc trực tại hai điểm nóng Hà Tiên, Phú Quốc
Đại úy Huỳnh Việt Kiều, trạm trưởng trạm biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, cho hay từ đầu tuần tới nay, lượng kiều bào từ Campuchia về nước phát hiện mắc COVID-19 rất đáng lo ngại. Hôm 10-4 có 11 người nhập cảnh cách ly thì 9 người đã dương tính. Ngày 11-4 tiếp tục có thêm 4 người nhập cảnh dương tính với virus nữa.
Biên phòng Kiên Giang tuần tra, kiểm soát tàu cá ban đêm trên vùng biển Phú Quốc - Ảnh: K.NAM
Bác sĩ Cao Thành Nam, giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Kiên Giang, cho hay hơn 1 tháng nay đã điều động 2 đội công tác tăng cường túc trực tại 2 điểm nóng Phú Quốc, Hà Tiên. Các đội công tác này huy động hàng chục y bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế dày dạn kinh nghiệm, được trang bị đầy đủ thiết bị cần thiết để phản ứng nhanh, sẵn sàng cho tình huống có người mắc bệnh trong cộng đồng, ứng phó với mọi tình huống khẩn cấp.
Hiện tại, các cơ sở cách ly dọc tuyến biên giới từ Giang Thành qua Hà Tiên và trên đảo Phú Quốc đã mở rộng tối đa công suất có thể tiếp nhận lên tới hàng ngàn người, sẵn sàng cho tình huống xấu nhất xảy ra.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận