17/02/2016 14:10 GMT+7

Biên giới phía Bắc - người Việt hãy đến một lần trước khi chết!

 VIỄN SỰ
VIỄN SỰ

TTO - Đó là nội dung lời nhắn nhủ giản đơn nhưng đầy xúc cảm của nhiều bạn trẻ Việt trên Facebook trong ngày 17-2, kỷ niệm 37 năm cuộc chiến tranh biên giới chống quân xâm lược Trung Quốc.

Người dân chăm sóc cột mốc 67 (2) nằm trên sân nhà của dân bản Hùng Pèng (xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ, Lai Châu) - Ảnh: Việt Dũng
Người dân chăm sóc cột mốc 67 (2) nằm trên sân nhà của dân bản Hùng Pèng (xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ, Lai Châu) - Ảnh: Việt Dũng

Facebooker Ngọc Anh Đỗ chia sẻ: “Đúng vậy! Lâu nay chúng ta thường tự giác nói nếu như không đến một địa danh hay thắng cảnh nào đó coi như uổng phí một cuộc đời".

"Vậy hà cớ gì chúng ta có thể quên hay xóa nhòa lịch sử của những nấm mồ bia phủ hoang rong rêu không tên họ đã từng ngã xuống hy sinh cho quê hương tổ quốc ta ở biên giới phía Bắc?".

"Xin nhận nơi đây lòng kính trọng chân thành tới những hương hồn quá vãng mà lịch sử đã có lần vội quên trong quá khứ 1979. Xin cảm ơn!”.

Ngọc Anh Đỗ chỉ là một trong hàng vạn facebooker tưởng niệm cuộc chiến tranh vệ quốc bi tráng của dân tộc chống quân xâm lược Trung Quốc. Từ nửa đêm 16 sang ngày 17-2, những hình ảnh, status nhắc nhớ về sự kiện này đã tràn ngập trên facebook.

Cách tưởng niệm đồng loạt nhất đó là thay avatar của facebook bằng tấm hình hoa sim, với dòng chữ “17-2-1979 - Nhân dân sẽ không quên”.  

Và hầu hết trong mỗi câu chuyện, mỗi dòng chia sẻ về sự kiện bi tráng ở biên giới 37 năm trước đều nhắc nhớ, căn dặn rằng phải tìm cách để các thế hệ sau hiểu rõ hơn về cuộc chiến tranh giữ đất biên cương này.

Từng là một người lính, Facebooker Quy Do (của ông Đỗ Quý Doãn, nguyên thứ trưởng Bộ Thông tin truyền thông) chia sẻ những vần thơ về thời khắc lên đường vệ quốc 37 năm trước:

"Giữa ngày xuân, chúng ta lại lên đường/
Máu đồng bào lại nhuốm đỏ biên cương". 
...

"Trái tim ta lần nữa nhầm chỗ đặt/
Mộng xâm lăng, ngàn năm họ vẫn còn..."

Facebook Le Duc Duc của nhà báo Lê Đức Dục, một phóng viên năm nào cũng có bài viết về biên giới đúng ngày 17-2, nhắc nhở:

“Tháng 2 nhắc chúng ta về cuộc chiến chống Trung Quốc quân xâm lược phía Bắc năm 1979... Nhưng vẫn phải luôn nhớ còn một cuộc chiến khác chống lại những mưu kế muôn thuở để xâm lấn những tấc đất biên cương...”.

Cựu chiến binh, nhạc sĩ Trương Quý Hải, chắp tay trước những bia mộ của các đồng đội tại nghĩa trang Quốc gia Vị Xuyên (Hà Giang), nghĩa trang Vị Xuyên là nơi an nghỉ của hàng nghìn liệt sĩ hy sinh tại trận chiến bảo vệ Biên giới phía Bắc (1979-1990) nhiều ngôi mộ hiện vẫn còn khuyết danh. Nhạc sĩ Trương Quý Hải là cựu chiến binh thuộc sư đoàn 356.
Ảnh trên Facebook Nguyễn Khánh

Cộng đồng facebook cũng chia sẻ nhiều bài viết trên các báo nói về cuộc chiến tranh biên giới 1979. Trong đó trích nhiều ý kiến của những người trực tiếp chiến đấu và đề nghị phải gọi đúng tên cuộc chiến này là cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc.

Facebook Nguyễn Đức Thạch, một thầy giáo dạy văn tại Phan Rang dẫn ra một sự thật: Chỉ có 8 dòng trong sách giáo khoa lịch sử 12 về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc. “Phần giảm tải này thầy có dạy, trò có học không? Lấy gì để nhớ?”.

Cùng suy nghĩ này, nhiều facebooker cho rằng cách để hiểu đúng và không lãng quên cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc 1979 là phải đưa nội dung về cuộc chiến tranh này vào chương trình sách giáo khoa một cách kỹ lưỡng, đầy đủ hơn.

“Không lãng quên, nhưng không dám gọi tên, không nhắn gửi, giáo dục cho thế hệ sau hiểu đầy đủ về cuộc chiến tranh này thì đó cũng là một sự lãng quên” - facebooker Tran Anh viết.

VIỄN SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp