27/12/2021 17:15 GMT+7

Biên giới Myanmar - Thái Lan căng thẳng

BẢO ANH
BẢO ANH

TTO - Cuộc giao tranh giữa quân đội Myanmar và lực lượng du kích ở bang Karen đang khiến biên giới Myanmar - Thái Lan căng thẳng trong những ngày qua.

Biên giới Myanmar - Thái Lan căng thẳng - Ảnh 1.

Dân làng Myanmar vượt sông Moei vào huyện Mae Sot thuộc tỉnh Tak của Thái Lan ngày 25-12 - Ảnh: Euronews

Hôm 25-12, nhiều dân làng Myanmar đã băng qua sông Moei để qua Thái Lan giữa tiếng súng và bom đạn.

Các cuộc giao tranh giữa Lực lượng biên phòng bang Karen (BGF, lực lượng được hậu thuẫn bởi quân đội Myanmar) và Liên minh dân tộc Karen (KNU) đã kéo dài khoảng 10 ngày qua, theo báo Bangkok Post.

Sông Moei thành "vùng chiến tranh"

Tình trạng giao tranh gia tăng kể từ tháng 2 năm nay, lúc đó, quân đội Myanmar lên nắm quyền sau chính biến, còn các phiến quân ở Karen cung cấp nơi ẩn náu cho những người phản đối quân đội.

KNU - tổ chức chính trị tuyên bố đại diện cho người Karen - là lực lượng đang đòi chính quyền trung ương Myanmar trao cho họ quyền tự trị nhiều hơn.

Tình hình ngày càng leo thang khi phía quân đội Myanmar tiến hành cuộc tấn công bất ngờ vào thị trấn Lay Kay Kaw do KNU kiểm soát gần đây. Đây là thị trấn nhỏ của Myanmar nằm gần biên giới Thái Lan.

KNU cho biết phía quân đội Myanmar đã thực hiện ít nhất 2 cuộc không kích và sử dụng pháo tấn công vào khu vực do KNU kiểm soát vào tối 23-12. Đến ngày 24-12, thêm nhiều cuộc không kích đã diễn ra ở thị trấn Lay Kay Kaw.

Các nguồn tin cho biết quân đội Myanmar đã bắt 30 - 60 người, bao gồm ít nhất một nghị sĩ đối lập, trong các cuộc tấn công. Chính quyền quân sự Myanmar vẫn chưa bình luận về các cuộc tấn công này.

Theo báo Bangkok Post, sông Moei nằm giữa Myanmar và Thái Lan đã trở thành một "vùng chiến tranh". Nhiều người Myanmar đã băng qua con sông này để vào huyện Mae Sot thuộc tỉnh Tak của Thái Lan (giáp tỉnh Karen của Myanmar).

Bộ Quốc phòng Thái Lan cho biết hơn 4.000 dân làng Myanmar đã vượt biên sang Thái Lan từ ngày 16 đến 21-12 vì các cuộc giao tranh giữa phía quân đội Myanmar, và KNU đã kêu gọi Liên Hiệp Quốc áp đặt vùng cấm bay trên bầu trời Lay Kay Kaw để bảo vệ dân thường.

Thái Lan dang tay giúp đỡ

Các nhóm nổi dậy đã có xung đột với chính quyền trung ương Myanmar trong nhiều thập niên qua nhằm đòi thêm quyền tự trị ở những vùng biên giới xa xôi. Những người phản đối chính biến quân sự vào ngày 1-2 năm nay đã kêu gọi lập mặt trận thống nhất với các nhóm nổi dậy để đối phó quân đội Myanmar.

Quân đội Myanmar nói rằng họ đã bắn và tiêu diệt một số lượng không xác định "các phần tử khủng bố có vũ khí" thuộc các lực lượng vũ trang đối lập ở ngôi làng này.

Bình luận trên Đài Al Jazeera, ông Michael Vatikiotis - giám đốc phụ trách khu vực châu Á tại Trung tâm Đối thoại nhân đạo (HD) - cho rằng "quân đội Myanmar đã không thể làm ổn định đất nước và không thể làm suy giảm sự kháng cự bền bỉ (của các lực lương phản đối)".

Về tình hình giao tranh ở bang Karen, ông Vatikiotis nói rằng Thái Lan đang chịu sức ép quốc tế trong việc cung cấp viện trợ xuyên biên giới. 

"Chúng ta phải lường trước rằng tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn và Thái Lan sẽ tìm cách đưa những người tị nạn trở lại Myanmar" - ông nói thêm.

Tổ chức Những người bạn không biên giới đã kêu gọi Chính phủ Thái Lan cung cấp nơi ở cho những người tị nạn và hợp tác với các nhà hoạt động địa phương, các tổ chức nhân đạo để viện trợ cho người tị nạn. KNU cũng kêu gọi Chính phủ Thái Lan tiếp tục hỗ trợ người tị nạn.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thái Lan Tanee Sangrat nói rằng ông lo ngại về tình trạng giao tranh ở Myanmar, vốn cũng ảnh hưởng đến người dân Thái Lan sống dọc biên giới hai nước.

Hôm 24-12, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã chỉ đạo nhà chức trách nước này chuẩn bị cung cấp thuốc men và thức ăn cho người tị nạn. Ông tuyên bố Thái Lan sẽ chăm sóc mọi người tị nạn Myanmar vượt biên sang huyện Mae Sot ở tỉnh Tak của Thái Lan. 

Tuy nhiên, thông thường Thái Lan cho dân làng Myanmar ở lại trong thời gian ngắn rồi đưa họ quay về Myanmar khi tình hình ổn định trở lại.

Đến nay đã có hơn 90.000 người Myanmar vượt biên sang Thái Lan. Tuy nhiên, Thủ tướng Prayut cho biết nước này sẽ không lập ra trung tâm tị nạn mới nào vì tất cả người tị nạn này sẽ phải quay trở lại Myanmar khi tình hình ổn định.

Phương Tây lên tiếng

Đại sứ quán Mỹ tại Myanmar cùng với các phái đoàn của Anh, Canada, Úc và Liên minh châu Âu đã ra tuyên bố chung kêu gọi quân đội Myanmar chấm dứt "các cuộc tấn công bừa bãi" ở khu vực biên giới và đảm bảo sự an toàn cho tất cả thường dân.

"Các cuộc tấn công này đã khiến hàng ngàn người phải di dời và những người này đang cần được hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp" - tuyên bố chung nêu vào hôm 24-12.

Thái Lan kêu gọi quân đội Myanmar xuống thang căng thẳng, thả thêm người bị bắt Thái Lan kêu gọi quân đội Myanmar xuống thang căng thẳng, thả thêm người bị bắt

TTO - Bộ Ngoại giao Thái Lan ngày 1-4 nhấn mạnh nước này lo lắng không yên trước tình trạng bạo lực và giết chóc ở Myanmar. Phát ngôn viên bộ này đã đưa ra lời kêu gọi mạnh mẽ về tình hình Myanmar.

BẢO ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp