29/01/2024 10:45 GMT+7

Biến dự án treo thành công viên

Sở Xây dựng TP.HCM đề xuất xây thêm 6 công viên có quy mô lớn từ nguồn đất công hoặc đất trống. Các vị trí này đa số đều đã nằm trong quy hoạch nhưng chưa thực hiện được sau nhiều năm.

Dự án công viên thể dục thể thao phường 12, quận Bình Thạnh, TP.HCM nằm cạnh rạch Lăng và các sân thể thao - Ảnh nhỏ: Người dân tập thể dục, vui chơi vào buổi chiều tại khu vực dự án - Ảnh: T.T.D. - TIẾN QUỐC

Dự án công viên thể dục thể thao phường 12, quận Bình Thạnh, TP.HCM nằm cạnh rạch Lăng và các sân thể thao - Ảnh nhỏ: Người dân tập thể dục, vui chơi vào buổi chiều tại khu vực dự án - Ảnh: T.T.D. - TIẾN QUỐC

Dự án công viên Thạnh Xuân 150ha nằm ở hai phường Thạnh Xuân và Thới An (Q.12). Được phê duyệt quy hoạch công viên từ năm 1999, đến nay khu đất vẫn hoang sơ.

Những ngày cận Tết Nguyên đán, trên khu đất này, nhiều mảng màu vàng, đỏ rực rỡ của các loài hoa khiến nơi đây có sức sống hơn. Được biết, những năm qua khu đất được nhiều hộ dân thuê lại để trồng rau và hoa Tết. Nhờ vậy khuôn viên đất được phần nào giữ sạch sẽ.

Khi công viên hình thành, cây xanh bao phủ, nhiều ghế ngồi, dụng cụ thể thao và các tiện ích khác được bố trí. Quan trọng hơn hết là khu vực này được sạch sẽ, cảnh quan đẹp đẽ và TP lại có thêm một không gian xanh lý tưởng.

Ông Đỗ Huy Hải (52 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM)

Nơi được giữ sạch, nơi rác chất đống

Tại đây có hơn chục vườn hoa. Hiện các nhà vườn đều tất bật chăm sóc vườn hoa của mình để kịp thời phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Bà Lê Thị Lan (58 tuổi, ngụ phường Thạnh Xuân, quận 12) chia sẻ gia đình bà đã thuê đất trồng hoa được 5 năm.

Như thường lệ, vào khoảng tháng 8, bà Lan và các nhà vườn lân cận đều bắt đầu xuống giống hoa. Những tháng còn lại trong năm, bà tận dụng đất trồng rau để bán. Tuy chỉ là tạm nhưng cũng mang lại cho gia đình bà nguồn thu nhập.

Bà Lan cho biết có nghe khu đất này được quy hoạch làm công viên. Bà rất ủng hộ dự án, tăng mảng xanh cho thành phố. Trong thời gian dự án còn "treo", bà và những hộ dân khác trong khu vực sẽ tiếp tục thuê đất canh tác.

"Khi chính quyền thực hiện chúng tôi sẽ hoàn trả đúng quy định. Còn hiện tại tôi nghĩ việc có người dân canh tác có thể giúp đất không bị hoang hóa, phát sinh rác thải, tệ nạn", bà Lan nói.

Còn dự án công viên thuộc khu công viên thể dục thể thao phường 12, quận Bình Thạnh, rộng 3,8ha nằm ở vị trí khá lý tưởng. Cạnh công viên có rạch Lăng và rạch Cầu Sơn chảy qua, ngoài ra còn có sân vận động, các tòa chung cư và trường học. Hiện dự án đã có tuyến đường dân sinh bao quanh.

Tuy nhiên phần lớn khoảng đất trung tâm dự án vẫn hoang sơ, cỏ dại mọc cao quá đầu người, nhiều vị trí rác thải chất đống. Ông Đỗ Huy Hải (52 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) chia sẻ ông thường xuyên đạp xe quanh con đường bao quanh mảnh đất trống bị cỏ dại bao phủ này, không gian yên tĩnh, thoáng mát rất lý tưởng. Biết khu vực này có thể sẽ thành công viên trong tương lai, ông Hải nói mình rất ủng hộ và mong dự án sớm được triển khai.

Xa nhất là dự án công viên Sài Gòn Safari rộng 485ha, nằm ở xã An Nhơn Tây và Phú Mỹ Hưng (huyện Củ Chi). Dự án Sài Gòn Safari được cấp phép từ năm 2004 nhưng đến nay vẫn "treo", nơi đây trở thành bãi chăn thả gia súc.

Hiện một số khu vực của công viên cũng đang được tận dụng trồng hoa Tết. Đây là khu đất có diện tích lớn nhất trong số sáu khu đất vừa được Sở Xây dựng TP.HCM đề xuất làm công viên. Người dân kỳ vọng dự án sớm được triển khai để tăng thêm mảng xanh, trong bối cảnh tỉ lệ đất công viên cây xanh của TP thấp nhất trong các đô thị cả nước.

Công viên cây xanh Thạnh Xuân (quận 12, TP.HCM) có nhiều vị trí đất đang được người dân tận dụng trồng rau, hoa Tết  - Ảnh: TIẾN QUỐC

Công viên cây xanh Thạnh Xuân (quận 12, TP.HCM) có nhiều vị trí đất đang được người dân tận dụng trồng rau, hoa Tết - Ảnh: TIẾN QUỐC

Địa phương cũng "nóng ruột"

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đậu An Phúc, phó chủ tịch UBND quận 12, cho biết đối với khu đất trống trên địa bàn quận, việc đảm bảo vệ sinh, không để lấn chiếm là công việc ưu tiên. Khu 150ha do quy hoạch lâu nhưng chưa làm được cũng gây khó khăn rất nhiều cho người dân. Họ muốn xây dựng nhà cửa cũng không được vì vướng quy hoạch. Quận cũng chú trọng việc vận động, tuyên truyền, chia sẻ để người dân hiểu và có sự hỗ trợ cho chính quyền.

Khi người dân có nhu cầu sửa chữa nhà, quận sẽ cố gắng hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa nhưng không vượt quá quy định, đồng thời đảm bảo việc này không ảnh hưởng khi Nhà nước thực hiện quy hoạch đã duyệt.

"Hiện nay, qua rà soát có rất nhiều vị trí đất công, đất thuộc quy hoạch chưa thực hiện, quận 12 đã tổng hợp thành văn bản kiến nghị Sở Xây dựng, UBND TP xem xét bố trí kinh phí để quận thực hiện các dự án công viên, mảng xanh để tạo nơi sinh hoạt, môi trường sạch cho người dân. Từ đó nâng cao ý thức người dân, họ hưởng thụ thì họ cùng bảo vệ", ông Phúc nói thêm.

Còn phía TP Thủ Đức cho biết hai khu đất mà Sở Xây dựng vừa đề xuất thì một khu thời gian qua đã được cải tạo, san lấp, dọn dẹp. Đó chính là vườn hoa hướng dương và công viên dọc bờ sông Sài Gòn. Đây cũng là một điểm nổi bật của TP Thủ Đức trong năm 2023.

Với việc cải tạo "thần tốc", TP Thủ Đức đã tạo một điểm đến mới cho người dân tham quan, vui chơi, chụp ảnh. Từ bờ sông đầy rác thải, lau sậy giờ đây khu vực đã có phần tương xứng với bờ sông phía bến Bạch Đằng, quận 1.

Đối với khu lâm viên sinh thái ở TP Thủ Đức, TP Thủ Đức cho biết trước đây Ban quản lý khu vực phát triển đô thị Thủ Thiêm cũng đã có đề xuất nhưng chưa thực hiện. TP Thủ Đức mong muốn cải tạo tạm khu vực này trong lúc đợi thực hiện quy hoạch.

Việc cải tạo tạm có thể giúp hạn chế được vấn nạn đổ trộm rác, cây cỏ dại xâm lấn và tạo một điểm đến cho người dân.

Sở Xây dựng TP.HCM đều xuất xây dựng thêm 6 công viên

Sở Xây dựng TP.HCM đều xuất xây dựng thêm 6 công viên

Nghiên cứu phương án PPP làm công viên

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay của chương trình phát triển công viên và cây xanh công cộng trên địa bàn TP là chưa đủ kinh phí.

Giai đoạn 2020-2025, TP đặt ra chỉ tiêu tăng thêm 150ha đất công viên công cộng, tương đương 0,65m2/người (quy mô dân số ước tính 10 triệu người). Để hoàn thành chỉ tiêu này, TP.HCM cần tối thiểu thực hiện được 54 dự án. Tổng kinh phí đầu tư ước tính 9.011 tỉ đồng.

Tuy nhiên, đến nay mới có 8 dự án hoàn thiện và trình đề xuất chủ trương đầu tư. Trong số 8 dự án, HĐND TP đã chấp thuận chủ trương đầu tư đối với 4 dự án với tổng kinh phí 1.590 tỉ đồng.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, tiến sĩ Phạm Viết Thuận, viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường TP.HCM, nhận định đối với các dự án liên quan tới công viên công cộng, các hạ tầng công ích khác thì phải ưu tiên sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Tuy nhiên trong thời điểm hiện tại khi ngân sách quá nhiều lĩnh vực phải chi thì TP.HCM có thể nghiên cứu phương án PPP (hợp đồng đối tác công tư).

"Với hình thức này TP sẽ bỏ ra một nửa vốn đầu tư, các đơn vị tham gia bỏ phần còn lại. Khi hoàn thiện TP sẽ để cho các đơn vị này khai thác một số dịch vụ như giữ xe hay một phần nào đó trong công viên. Tuy nhiên hình thức này chỉ đáp ứng được khi làm công viên đa chức năng. Còn đối với công viên cây xanh đơn thuần thì chỉ có phương án duy nhất là sử dụng nguồn vốn ngân sách", ông Thuận nói.

Đà Nẵng hình thành nhiều vườn dạo, công viên chuyên đề

Những ngày đầu năm 2024, tại khu đất phía bắc cầu Cẩm Lệ (quận Cẩm Lệ) nhiều tốp công nhân đang hoàn thiện những khâu cuối cùng để công viên kịp đưa vào hoạt động trước Tết. Khu đất này bỏ hoang nhiều năm nay trở thành nơi chăn thả gia súc và tập trung nhiều xà bần, rác thải.

Thành phố Đà Nẵng đã có quyết định đầu tư nhiều hạng mục như nhà sinh hoạt cộng đồng, sân vườn, cây xanh, ghế đá... để phục vụ người dân.

Tương tự, tại quận trung tâm Hải Châu cũng có 2 công viên đang được hình thành là công viên Bình An và công viên ở đường Lê Bá Trinh (mỗi nơi được đầu tư khoảng 3 tỉ đồng) với nhiều hạng mục, tiện ích phục vụ người dân như quảng trường, sân khấu, sân vườn, cây xanh, ghế đá, bệ ngồi, khu tập thể dục và khu vui chơi trẻ em, 2 sân thi đấu cầu lông, vịnh dừng xe; thiết bị phục vụ tập thể dục, thiết bị vui chơi cho trẻ em...

Trước đó, tại khu đất dọc trục đường Trần Văn Lan và Nguyễn Thế Lịch dài gần 1km cũng đã đưa vào hoạt động khu công viên vườn dạo và quảng trường trong niềm vui sướng của người dân. Trước đây, khu đất trống rộng 2ha này thường xuyên nhếch nhác, trở thành nơi đổ xà bần do khu vực tập trung khá đông các khu chung cư.

Ông Nguyễn Ngô Trung Việt, chủ tịch UBND phường Hòa Thọ Đông (quận Cẩm Lệ), cho biết từ khi đưa vào sử dụng khu công viên Phong Bắc, nơi đây trở thành địa chỉ tổ chức các hoạt động sinh hoạt của phường. Không những mang đến không gian sinh hoạt mới cho các khu dân cư mà còn giải quyết được gánh nặng cho chính quyền địa phương trong nhiều năm qua.

Tại quận Sơn Trà có 47 khu đất được quy hoạch làm công viên, vườn dạo với tổng diện tích hơn 13ha. Đến nay quận này đã đầu tư hệ thống hạ tầng, điện chiếu sáng, thiết bị vui chơi, tập thể dục, vận động xã hội hóa việc trồng cây xanh tại 13 công viên, vườn dạo.

Trước đó, UBND TP Đà Nẵng cũng đã đề xuất chủ trương đầu tư cải tạo công viên trung tâm của thành phố là công viên 29-3 (quận Thanh Khê) và các công viên chuyên đề như khu công viên phía tây đền thờ Thoại Ngọc Hầu (quận Sơn Trà); trung tâm văn hóa thể thao kết hợp biểu diễn đa năng phục vụ công nhân, học sinh, sinh viên khu vực phía tây thành phố (quận Liên Chiểu).

Công nhân hoàn thiện những khâu cuối cùng tại một công viên  ở quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng để kịp đưa vào hoạt động trước Tết - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Công nhân hoàn thiện những khâu cuối cùng tại một công viên ở quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng để kịp đưa vào hoạt động trước Tết - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Biến bãi rác lớn nhất Hà Nội thành công viên

Những năm qua tại Hà Nội, một số nơi từng được xem là bãi rác đã được người dân biến thành công viên.

Cụ thể, tại bãi rác gần 9.000m2 ở phố Hàm Tử Quan (Hoàn Kiếm) đã được người dân dọn sạch rác, trồng cây xung quanh và lắp đặt các máy tập thể dục. Sau cải tạo, người dân ở đây gọi nơi đây là "khu rừng trong phố".

Được biết, khu vực trên trước đây là nơi tập kết rác, nước thải sinh hoạt bốc mùi hôi thối, nhiều muỗi, côn trùng...

Đáng chú ý, mới đây tại một buổi tiếp xúc cử tri, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết hiện đang có vài nhà đầu tư quan tâm đầu tư về việc "móc" toàn bộ rác cũ lên để đốt. Sau đó, Hà Nội sẽ xây dựng nơi hiện đang là bãi rác lớn nhất thủ đô trên thành công viên.

"Người ta sẵn sàng rồi nhưng mình đang khó vì chưa có định mức móc rác là bao nhiêu, chưa có căn cứ để xây dựng cơ chế đấu thầu, lựa chọn nhà thầu.

Cũng mong muốn đẩy sớm để xây dựng một nhà máy xử lý toàn bộ rác đã chôn trong quá khứ và sau này biến thành công viên công cộng để người dân hưởng lợi" - ông Thanh nói.

Về giai đoạn 3 của dự án mở rộng Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, ông Thanh cho biết thẩm quyền thuộc Thủ tướng Chính phủ. Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội khóa XV sẽ tiếp thu, nghiên cứu để có hướng xử lý phù hợp.

TP.HCM biến bãi rác, dự án TP.HCM biến bãi rác, dự án 'treo' thành công viên

Trong 6 khu đất vừa được đề xuất làm công viên, có 2 khu đang trồng hoa Tết, 1 khu đã được cải tạo thành công viên với cánh đồng hoa hướng dương.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp