Theo quy định của hiến pháp và pháp luật về bầu cử, Quốc hội có cơ cấu thành phần phản ánh sự đoàn kết rộng rãi các giai cấp, tầng lớp, dân tộc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Quốc hội là tiêu biểu cho ý chí thống nhất của dân tộc ta, một ý chí sắt đá không gì lay chuyển nổi”. Với bản chất, vị thế đó của mình, nếu Quốc hội lên tiếng về biển Đông, đó cũng sẽ là tiếng nói chung của cả dân tộc, của toàn thể nhân dân, hợp với ý chí chung của nhân dân. Đó sẽ là tiếng nói chính đáng, chính danh nhất, có sức nặng nhất về chủ quyền.
Hiến pháp và các luật liên quan còn quy định về chức năng quyết định các vấn đề quan trọng có tầm quốc gia, trong đó có những chính sách cơ bản về đối nội và đối ngoại, nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước. Chủ quyền quốc gia luôn luôn là vấn đề quan trọng nhất của một đất nước mà Quốc hội có thẩm quyền quyết. Bên cạnh đó, Quốc hội có chức năng lập pháp, tức là thảo luận, thông qua các đạo luật, các nghị quyết. Vấn đề biển Đông hoàn toàn có thể là ưu tiên hàng đầu trong chương trình lập pháp của Quốc hội.
Theo quy định, dự kiến chương trình kỳ họp đã được gửi đến các đại biểu Quốc hội cho ý kiến. Các đại biểu có thể sử dụng quyền của mình, kiến nghị đưa vấn đề biển Đông vào chương trình nghị sự. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, với thẩm quyền của mình, cần đưa vấn đề này vào dự kiến chương trình kỳ họp để đưa ra Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua.
Quốc hội có thể dành một buổi nghe Chính phủ trình bày báo cáo về tình hình biển Đông để đại biểu Quốc hội có thông tin báo cáo với cử tri sau kỳ họp. Không những thế, sau khi nghe báo cáo, Quốc hội có thể thảo luận và ra nghị quyết về vấn đề này. Nghị quyết có thể gồm các nội dung lớn như: tuyên bố chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa, phản đối sự xâm phạm của bất kỳ chủ thể quốc tế nào đối với chủ quyền của Việt Nam. Nghị quyết có thể dẫn các căn cứ pháp luật quốc tế, sự kiện lịch sử. Nếu không, ít nhất cá nhân các đại biểu Quốc hội có thể tận dụng phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội để lên tiếng về biển Đông hay kiến nghị đưa Luật biển hoặc đạo luật khác về biển đảo vào chương trình lập pháp của Quốc hội.
Về mặt đạo lý, mỗi người con đất Việt chẳng thể nào yên khi chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc bị đe dọa một cách ngang ngược. Mỗi đại biểu Quốc hội cũng đều là người con đất Việt. Lẽ đương nhiên Quốc hội và mỗi đại biểu Quốc hội đều cảm thấy thôi thúc phải có hành động thích ứng trước tình hình hiện nay trên biển Đông. Đó cũng là điều mà nhiều cử tri đang đề đạt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận