Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tham dự Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Ngoại giao các nước tham gia Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 11 - Ảnh: TTXVN
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tối 4-8 đã tham dự Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Ngoại giao các nước tham gia Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 11.
Tham dự hội nghị gồm ngoại trưởng các nước Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Tổng thư ký ASEAN, cùng ngoại trưởng các đối tác EAS gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, Ấn Độ, Nga, và Mỹ.
Đây là hoạt động tiếp theo trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 54 và các hội nghị liên quan.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, ASEAN và các đối tác EAS nhất trí cần tiếp tục đề cao cách tiếp cận đa phương, đẩy mạnh hợp tác khu vực và quốc tế trong giải quyết các thách thức nổi lên.
Các bên đồng thời ủng hộ nỗ lực ứng phó hiệu quả COVID-19, và chung tay thúc đẩy phục hồi toàn diện hướng tới phát triển bền vững.
ASEAN với các đối tác EAS nhất trí nỗ lực tập trung hoàn tất Kế hoạch hành động Manila giai đoạn 2018 - 2022, và chuẩn bị xây dựng kế hoạch hành động giai đoạn tiếp theo, trên cơ sở các ưu tiên phù hợp với tình hình mới, đóng góp tích cực cho các nỗ lực phục hồi và tăng trưởng.
"Các nước đối tác EAS cam kết hỗ trợ ASEAN nâng cao năng lực y tế dự phòng, nghiên cứu và phát triển vắc xin, bảo đảm phân phối vắc xin an toàn, hiệu quả và đồng đều, hỗ trợ thiết bị y tế cần thiết.
ASEAN đề nghị các nước đối tác EAS ủng hộ Quỹ ASEAN ứng phó COVID-19, đóng góp cho kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp khu vực và hỗ trợ ASEAN triển khai khung phục hồi tổng thể", Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết.
Các nước nhất trí phối hợp chuẩn bị Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ 16 vào tháng 10 năm nay, trong đó soạn thảo các văn kiện kết quả chính của hội nghị về các chủ đề như: hợp tác sức khỏe tinh thần, tăng trưởng xanh, và thúc đẩy tăng trưởng thông qua phục hồi du lịch.
Tại hội nghị ngày 4-8, các nước đã trao đổi về những thách thức tiềm ẩn nguy cơ đe dọa an ninh khu vực như bán đảo Triều Tiên, Biển Đông, tình hình Myanmar.
Về Biển Đông, các bên nhấn mạnh việc phối hợp để đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không. Các nỗ lực này nhằm mục tiêu xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, hữu nghị và hợp tác.
Đồng thời, các nước nhấn mạnh yêu cầu kiềm chế, không có hoạt động làm gia tăng căng thẳng và phức tạp tình hình, không quân sự hóa, không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.
Các nước kêu gọi ASEAN và Trung Quốc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), xây dựng Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận