Ban tổ chức khẩn trương chuẩn bị cho Đối thoại Shangri-La lần 15 (ảnh chụp chiều 2-6) - Ảnh: QUỲNH TRUNG |
Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Việt Nam, vào phút chót, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch không thể sắp xếp tham dự. Thay vào đó, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh sẽ có bài phát biểu quan trọng tại phiên thảo luận toàn thể ngày 5-6.
Ông Vịnh dự kiến có cuộc gặp song phương với các quan chức quốc phòng Mỹ, Trung Quốc, Anh, Pháp, Ý bên lề hội nghị.
Chiều 2-6, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, công tác tổ chức đang được tiến hành khẩn trương tại khách sạn Shangri-La để chuẩn bị cho sự kiện khai mạc tối 3-6 mà Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha sẽ có bài phát biểu chính.
Trong khi đó, công tác an ninh cũng đã được thắt chặt khi lực lượng cảnh sát và quân đội có vũ trang được điều động đứng chốt ở các địa điểm trọng yếu xung quanh nơi diễn ra sự kiện.
Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) có trụ sở tại Anh, đơn vị tổ chức Đối thoại Shangri-La, cho biết sự kiện năm nay thu hút sự tham gia của quan chức quốc phòng hơn 30 quốc gia trong và ngoài khu vực.
Dự kiến các bộ trưởng quốc phòng Mỹ, Canada, Pháp, Ấn Độ, Indonesia, Ý, Nhật, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand và Singapore sẽ có mặt tại Shangri-La.
Đô đốc Tôn Kiến Quốc, phó tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA), tiếp tục làm trưởng đoàn Trung Quốc tham dự Đối thoại Shangri-La lần này.
Giám đốc điều hành khu vực châu Á của IISS Tim Huxley cho biết cũng như các lần trước, Đối thoại Shangri-La 15 sẽ tạo cơ hội cho các bộ trưởng quốc phòng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và nhiều quốc gia khác có liên quan cùng với các chuyên gia, học giả thảo luận những vấn đề chiến lược để làm rõ các chính sách quốc phòng, khác biệt quan điểm cũng như tìm kiếm những thỏa thuận và các lĩnh vực hợp tác tiềm năng.
Ông Huxley dự đoán vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, trong đó có việc Trung Quốc tiến hành xây đảo nhân tạo quy mô lớn, sẽ là một trong những tâm điểm thảo luận tại Đối thoại Shangri-La năm nay.
Trong khi đó, TS William Choong, chuyên gia về châu Á - Thái Bình Dương của IISS, cho biết Đối thoại Shangri-La năm nay diễn ra cùng thời điểm với thời gian mà Tòa trọng tài thường trực The Hague dự kiến đưa ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Ông Choong dự đoán đây sẽ là vấn đề thu hút nhiều tranh luận nhất.
Các nội dung thảo luận chính Tối 3-6, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha sẽ có bài phát biểu chính, đánh dấu khai mạc Đối thoại Shangri-La. Trong hai ngày thảo luận chính 4 và 5-6, các diễn giả sẽ tập trung nói về các chủ đề an ninh khu vực cũng như các thách thức an ninh, cạnh tranh quân sự ở châu Á, mối đe dọa từ Triều Tiên, công nghệ quân sự, vấn đề di cư, chủ nghĩa khủng bố, kiểm soát căng thẳng ở Biển Đông và các lợi ích an ninh cốt lõi của Trung Quốc. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận