Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đến sân bay Bangkok, chuẩn bị tham dự Hội nghị ngoại trưởng ASEAN lần thứ 52 - Ảnh: ASEAN
Văn bản dự thảo đầu tiên của Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) đã được hoàn tất chỉ vài ngày trước một loạt cuộc họp giữa ngoại trưởng ASEAN và các nước đối tác từ ngày 29-7 đến 3-8.
Theo báo Jakarta Post của Indonesia, các nhà đàm phán từ 10 nước ASEAN đã gặp đại diện Trung Quốc tại Penang (Malaysia) tuần trước để thảo luận về các vấn đề còn tồn đọng liên quan đến COC. Kết quả của cuộc đàm phán tại Penang dự kiến được thảo luận trong cuộc họp ngoại trưởng ASEAN - Trung Quốc bắt đầu vào hôm nay tại thủ đô Bangkok của Thái Lan.
Những căng thẳng gần đây trên Biển Đông đang biến các hội nghị lần này trở thành tâm điểm chú ý khi có sự xuất hiện của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, bên cạnh người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị và các nước đối tác của ASEAN.
Biển Đông: mối quan tâm cấp bách
Tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc cùng nhóm tàu hộ tống đã xâm phạm trắng trợn vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trong một tháng qua, bất chấp các tuyên bố mạnh mẽ và yêu cầu Trung Quốc rút tàu của phía Việt Nam.
Các tàu hải cảnh của Trung Quốc còn có hành vi quấy rối và cản trở các hoạt động dầu khí của Việt Nam và Malaysia trong tháng 5.
"Biển Đông sẽ trở thành cốt lõi quan trọng của các chương trình nghị sự. Và vì điều đó, Trung Quốc sẽ cố gắng kiềm chế những lập trường cứng rắn của các nước, chẳng hạn như Philippines. Bắc Kinh cũng sẽ tìm cách nhắc lại yêu sách chủ quyền của họ và chỉ trích sự can thiệp từ những nước bên ngoài khu vực" - ông Alexander Neill dự báo.
Ông là chuyên gia về các vấn đề quân sự Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế có trụ sở ở Anh.
Với tình hình hiện tại, báo Bangkok Post nhận định Việt Nam sẽ có thêm một số đồng minh tại các cuộc họp ngoại trưởng trong tuần này. Tuy nhiên, tờ báo của Thái Lan cho rằng để giữ được sự ủng hộ đó lâu dài hơn, Việt Nam cần các hoạt động bên ngoài khuôn khổ ASEAN, chẳng hạn thành lập một liên minh hàng hải với Indonesia và Philippines.
"Jakarta đang chật vật đối phó với những kẻ đánh bắt trộm cá đến từ Trung Quốc, trong khi Manila đã đủ tỉnh táo sau vụ đâm tàu ở bãi Cỏ Rong" - báo Bangkok Post lập luận.
COC khó sớm hoàn tất
Dù đã hoàn tất văn bản dự thảo COC, các nhà đàm phán ASEAN và Trung Quốc được cho là sẽ còn tiếp tục tranh luận gay gắt về mặt ngữ nghĩa.
Ngày 30-7, trên Hoàn Cầu Thời Báo - thuộc Nhân dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng cộng sản Trung Quốc, ông Cheng Hanping, nghiên cứu viên cao cấp của một trung tâm nghiên cứu về Biển Đông thuộc Đại học Nam Kinh (Trung Quốc), đã tiết lộ một số kỳ vọng của Bắc Kinh đối với COC.
Đáng chú ý, trong đó có việc Trung Quốc muốn COC phải làm rõ cách các nước trong khu vực nên khai thác tài nguyên ở các vùng biển "có tranh chấp" như thế nào, đâu là nơi các quốc gia trong khu vực có thể tổ chức tập trận quân sự chung với các nước "ngoài khu vực".
Nhiều học giả, chuyên gia trong và ngoài ASEAN đã nói về điều này, đồng thời bày tỏ lo ngại COC sẽ thiếu đi tính ràng buộc pháp lý và đi vào vết xe đổ của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002.
Hôm 20-7, trong tuyên bố lên án các hành vi khiêu khích của Trung Quốc đối với các hoạt động dầu khí của Việt Nam trên Biển Đông, Bộ Ngoại giao Mỹ cáo buộc Bắc Kinh đã gây sức ép hòng bắt ASEAN chấp nhận các điều khoản bất lợi trong COC, ngăn chặn các nước này hợp tác với nước thứ ba để khai thác dầu khí trên Biển Đông, từ đó kiểm soát các nguồn tài nguyên trong khu vực.
Theo phóng viên TTXVN tại Thái Lan, quan chức cao cấp các nước ASEAN+3 (cơ chế hợp tác giữa ASEAN và 3 quốc gia Đông Bắc Á gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc) và EAS (Hội nghị cấp cao Đông Á) đã cập nhật tình hình triển khai hợp tác theo Kế hoạch công tác ASEAN+3 và Chương trình hành động Manila (2018-2022), rà soát tiến độ soạn thảo các văn kiện thuộc khuôn khổ ASEAN+3 và EAS để trình lên các hội nghị cấp cao cuối năm và trao đổi hướng thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực như hợp tác biển, phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, an ninh mạng, ứng phó thiên tai, phát triển bền vững...
Theo kế hoạch, các bộ trưởng ngoại giao ASEAN bắt đầu các hoạt động chính thức từ tối 30-7 và Hội nghị AMM-52 sẽ chính thức khai mạc ngày 31-7.
Tham dự chuỗi hội nghị có đại diện của hơn 30 nước gồm các nước ASEAN, các nước đối thoại, các nước không phải là thành viên đối thoại tham gia Diễn đàn khu vực ASEAN và khách mời của chủ nhà.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận