Người nhái chuẩn bị cho một đợt tìm kiếm ngày 31-10 - Ảnh: REUTERS
Đến thời điểm hiện tại, mọi hi vọng tìm được người sống sót trên chuyến bay JT610 của hãng bị rơi ngày 29-10 đã kết thúc.
Việc tìm kiếm hộp đen và thân máy bay, vốn được cho là có nhiều nạn nhân đang bị mắc kẹt bên trong, diễn ra gần như đồng thời. Ngoài các máy quét sóng sonar, thiết bị thu tín hiệu từ hộp đen máy bay cũng được triển khai trên các phương tiện tìm kiếm.
Vào cuối ngày 30-10, một nhóm người nhái đã bắt được tín hiệu "ping ping" tại khu vực nghi máy bay rơi, cách mặt nước khoảng 30m. Giới chức Indonesia khẳng định đó chắc chắn là tín hiệu phát ra từ hộp đen - chìa khóa để giải đáp câu hỏi tại sao một máy bay Boeing 737 Max 8 mới tinh lại gặp nạn.
Tuy nhiên, các dòng hải lưu đã ngăn cản việc tiếp cận trong ngày 31-10. Những dòng chảy mạnh đến nỗi làm dạt cả những tàu lớn, cộng thêm có đường ống dẫn dầu và khí đốt, đã làm phức tạp công tác tìm kiếm hộp đen.
Tư lệnh lực lượng vũ trang quốc gia Indonesia, tướng Hadi Tjahjanto, cho biết sẽ triển khai thiết bị hoạt động dưới nước điều khiển từ xa trong tối 31-10, tuy nhiên với điều kiện tiên quyết là thời tiết phải tốt thì các tàu mới thả neo được.
"Tôi chắc chắn chúng ta sẽ tìm thấy hộp đen máy bay, vốn đang phát ra tín hiệu mạnh mẽ và không xa đó là xác máy bay" - ông Tjahjanto khẳng định.
Hiện vẫn chưa rõ nhà chức trách Indonesia đã thu hồi được hộp đen hay chưa bởi thời gian đã trôi qua ngày 1-11.
"70% là chúng tôi sẽ tìm được. 30% còn lại phụ thuộc vào sự cầu nguyện của mọi người" - ông Soerjanto Tjahjono - người đứng đầu Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Indonesia, chia sẻ với báo New York Times.
Chị Inci Airubaba (giữa), mất chồng sau tai nạn máy bay của hãng Lion Air, đang kiềm nén cảm xúc với 2 con tại bệnh viện ở Jakarta - Ảnh: REUTERS
Sẽ mất khá nhiều thời gian để tìm hiểu nguyên nhân máy bay bị rơi kể cả khi đã tìm được hộp đen, ông Tjahjono cho biết thêm. Có thể mất tới 3 tuần để truy xuất và tối đa 6 tháng để phân tích dữ liệu từ hộp đen.
Trong diễn biến liên quan, giám đốc kỹ thuật của Lion Air đã bị đình chỉ công tác ngày 31-10 theo yêu cầu của chính quyền Indonesia. Trong thông cáo báo chí, Lion Air khẳng định sẽ sa thải ngay lập tức ông Muhammad Asif - người chỉ vừa mới chuyển sang Lion Air vào tháng 10, nếu kết quả điều tra cho thấy ông này có trách nhiệm trong tai nạn khiến toàn bộ 189 người trên chuyến bay JT610 thiệt mạng.
Trước đó, Lion Air thừa nhận chiếc máy bay gặp nạn đã gặp sự cố kỹ thuật vào đêm trước khi xảy ra tai nạn song khẳng định các kỹ sư của hãng đã giải quyết và đảm bảo nó hoạt động bình thường trước chuyến bay định mệnh.
Chưa thi thể nguyên vẹn nào được tìm thấy kể từ ngày 29-10. Tổng cộng 53 túi đựng thi thể đã được đưa về bảo quản tại một bệnh viện ở Jakarta trong lúc chờ công tác nhận dạng.
Hiện chỉ có duy nhất một nữ nhân viên làm việc cho Bộ Năng lượng Indonesia là được nhận diện thông qua dấu vân tay, theo Reuters.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận