09/12/2018 08:56 GMT+7

Biến đổi khí hậu và những hậu quả không ngờ

HẢI MINH
HẢI MINH

TTCT - Ngoài hạn hán, lũ lụt, triều cường, bão ngày càng mạnh... biến đổi khí hậu còn gây những hậu quả không ngờ như nguy cơ bệnh truyền nhiễm, ảnh hưởng hiệu năng của chính quyền...

Biến đổi khí hậu và những hậu quả không ngờ - Ảnh 1.

Ảnh: topsimage.com

Hạn hán, lũ lụt, triều cường, bão ngày càng mạnh, sự tận diệt các loài tự nhiên, Trái đất ấm dần lên..., những hậu quả trực tiếp của đã được nghiên cứu nhiều và được trải nghiệm khắp mọi nơi.

Nhưng sự thay đổi cực đoan mà con người đang gây ra cho môi trường còn mang tới nhiều tác động khác, lạ lùng nhưng không kém phần đáng sợ.

Giới nghiên cứu đã tiếp cận vấn đề biến đổi khí hậu không chỉ từ những ý nghĩa môi trường và thiên tai, mà cả các tác động trực diện hơn lên đến đời sống con người, bao gồm y tế công cộng và quản trị nhà nước.

Những hậu quả y tế công

Ở những ngôi làng nhỏ dọc bờ biển phía đông Bangladesh - một trong các nước bị biến đổi khí hậu ảnh hưởng nặng nề nhất, các nhà nghiên cứu mới đây đã lưu ý tỉ lệ sẩy thai đặc biệt cao. Nghiên cứu xa hơn, giới khoa học đi tới kết luận thủ phạm là... biến đổi khí hậu.

Trong khi các ca sẩy thai không phải là điều gì quá khác thường, những nhà khoa học đã theo dõi một cộng đồng ở làng Failla Para trong nhiều năm và nhận thấy sự thay đổi rõ rệt về địa hình địa mạo ở đây.

Tới những năm 1990, các vùng đất trũng trong làng vẫn có thể trồng lúa, dù là năng suất thấp. Ngày nay thì điều đó không khả thi nữa. Nước biển dâng đã khiến nước mặn hơn nhiều và khiến người dân buộc phải chuyển dần sang nuôi tôm hoặc làm muối.

"Biến đổi khí hậu đang gây ra sự thay đổi rõ rệt - tiến sĩ Manzoor Hanifi, chuyên gia của Trung tâm quốc tế về nghiên cứu bệnh tả ở Bangladesh (ICDDRB), nói với BBC - Ảnh hưởng lên đất đai là rõ ràng, nhưng tác động lên con người là điều chúng ta không nhìn thấy".

Biến đổi khí hậu và những hậu quả không ngờ - Ảnh 2.

Biến đổi khí hậu khiến cường độ bão ngày càng mạnh, song nó còn gây nhiều vấn đề khác mà con người ít chú ý như sức khỏe, y tế... - Ảnh: AFP

ICDDRB đã thực hiện một chương trình thăm dò nhân khẩu học và y tế ở huyện Chakaria, thuộc tỉnh ven biển đông nam Bangladesh Cox’s Bazaar, 30 năm qua. Vài năm trở lại đây, nhiều gia đình ở vùng này đã phải chuyển nhà vào sâu hơn trong nội địa. Những người có điều kiện chuyển nhà này đã sống tốt hơn so với những người phải ở lại vùng nước ngập mặn.

Cụ thể, các phụ nữ sống trong nội địa ít bị sẩy thai hơn. Từ năm 2012 tới 2017, các nhà khoa học của ICDDRB đã ghi nhận 12.867 trường hợp mang thai trong vùng. Những phụ nữ mang thai ở các vùng ven biển, sống cách bờ biển trong phạm vi 20km và trên mực nước biển chỉ 7m có khả năng sẩy thai cao hơn 1,3 lần so với phụ nữ trong nội địa.

Các nhà khoa học tin rằng điều này là bởi lượng muối trong nước uống của những phụ nữ mang thai tăng lên vì biến đổi khí hậu.

Mực nước biển đang tăng một phần vì băng tan ở hai đầu cực, nhưng cũng vì nhiệt độ Trái đất tăng tác động lên áp suất khí quyển. "Áp suất khí quyển chỉ cần giảm một millibar - tiến sĩ Hanifi phân tích - thì mực nước biển sẽ tăng thêm 10mm".

Khi nước biển dâng, nước mặn sẽ hòa vào nước ngọt của sông suối, rồi ngấm vào đất. Quan trọng hơn, nó có thể ngấm vào nước ngầm ở tầng ngậm nước và làm nhiễm mặn nước ngọt. Dân làng Failla Para chủ yếu sử dụng nguồn nước ngầm này làm nước sinh hoạt qua các giếng đào.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hiện khuyến cáo không nên sử dụng quá 5g muối mỗi ngày. Ở Chakaria, những người dân sống ven biển sử dụng khoảng 16g muối mỗi ngày - hơn gấp ba lần so với những người sống trong nội địa.

Là một nước nghèo và đất trũng, Bangladesh đặc biệt dễ tổn thương bởi vấn nạn xâm thực của biển, nhưng họ không phải duy nhất. Ở Florida, Mỹ chẳng hạn, nước biển dâng đã khiến nhiều nguồn nước ngọt bị nhiễm mặn.

Điều đáng kinh ngạc ở đây là khu vực điều tra nhân khẩu học và y tế Chakaria, nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu lên sức khỏe con người, hiện là nghiên cứu kiểu này duy nhất tại châu Á.

Biến đổi khí hậu và những hậu quả không ngờ - Ảnh 3.

Lũ ngập đến cổ người ở Hội An sau khi bị bão Damrey năm 2017 - Ảnh: Reuters

"Rất nhiều tiền đã được bỏ ra để can thiệp vào biến đổi khí hậu - tiến sĩ Hanifi nói - nhưng gần như không có tiền cho nghiên cứu những tác động lên sức khỏe cộng đồng. Mọi người đều nghĩ về điều này từ góc độ thảm họa môi trường. Không ai nghĩ về nó như một vấn nạn y tế".

Thật ra, cũng đã có những nghiên cứu khác nhìn nhận biến đổi khí hậu như một vấn nạn y tế công. Rõ rệt nhất là với bệnh tiêu chảy. Ở nhiều nước mà người dân chưa được tiếp cận nước sạch, tỉ lệ nhiễm khuẩn E. coli gây tiêu chảy tăng mạnh vào mùa hè.

Một nghiên cứu năm 2016 đăng tải trên tập san về bệnh truyền nhiễm tổng hợp 15 nghiên cứu lớn ở 18 nước cho thấy vi khuẩn E. coli gây tiêu chảy tăng 8% cho mỗi một độ C nhiệt độ tăng thêm. Và Bangladesh một lần nữa là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất: riêng nước này sẽ có thêm 800.000 ca tiêu chảy mỗi năm tới năm 2035 với khí hậu cứ thay đổi như hiện nay.

Khí hậu và hiệu năng của chính quyền

Trong một nghiên cứu khác công bố tháng 8-2018, các nhà khoa học ở Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã chứng minh rằng biến đổi khí hậu có tác động lên hiệu năng của chính quyền.

Các nhà nghiên cứu tổng hợp dữ liệu và rút ra kết luận là vào những ngày nóng quá mức ở Mỹ, các tai nạn xe hơi gây chết người và những vấn đề an toàn thực phẩm dễ xảy ra hơn, trong khi nhà chức trách ít can thiệp hơn.

Biến đổi khí hậu và những hậu quả không ngờ - Ảnh 4.

Nghiên cứu phát hiện vào những ngày quá nóng ở Mỹ, các tai nạn xe hơi gây chết người dễ xảy ra hơn trong khi nhà chức trách ít can thiệp hơn - Ảnh: Live Science

MIT đã phân tích dữ liệu từ khắp nước Mỹ và kết luận rằng nếu khí hậu tiếp tục biến đổi như hiện nay, tới năm 2050 thế giới sẽ kém an toàn hơn rất nhiều so với ngày nay.

"Cốt lõi của ý tưởng là khí hậu ảnh hưởng tới cách chúng ta làm việc, sinh hoạt và những rủi ro chúng ta đối mặt, đó là một ý tưởng thực ra khá đơn giản" - Nick Obradovich, đồng tác giả nghiên cứu và là chuyên gia ở Phòng thí nghiệm truyền thông của MIT, nói với CNN.

Obradovich và các đồng sự đã sử dụng một lượng dữ liệu cực lớn để hiểu các mô thức khí hậu ảnh hưởng lên các công tác quan trọng của chính quyền và đây là "lần đầu tiên, theo chúng tôi biết, việc này được thực hiện".

"Nhiệt độ nóng về cơ bản là không tốt cho hoạt động của con người" - Obradovich nói và điều này đúng với nhiều hoạt động khác nhau: chất lượng giấc ngủ, tâm trạng, sức khỏe tâm thần, nguy cơ tự sát và năng suất làm việc.

Obradovich và các cộng sự đã phân tích dữ liệu từ hơn 70 triệu vụ cảnh sát chặn xe từ năm 2000 tới 2017 và 500.000 vụ tai nạn xe cộ có người chết từ 2001 tới 2015. Họ cũng xem xét 13 triệu vụ vi phạm an toàn thực phẩm (với các nhà hàng và cơ sở chế biến thực phẩm) được ghi nhận trong hơn 4 triệu cuộc thanh tra giai đoạn 2012-2016.

Nghiên cứu cho thấy xác suất một cơ sở thực phẩm bị thanh tra giảm xuống khi nhiệt độ vượt quá 26°C và giảm rất mạnh khi nhiệt độ là 30-40°C. Dữ liệu cũng cho thấy "số lượng vụ vi phạm an toàn thực phẩm tăng lên" cùng mức tăng nhiệt độ, theo lời Obradovich, một phần có thể vì trời nóng khiến đồ ăn dễ hư hơn.

Đáng nói là điều tương tự cũng đúng với các vụ tai nạn giao thông và hoạt động của cảnh sát. "Các vụ tai nạn chết người tăng lên vào những ngày nhiệt độ nóng" - Obradovich nói, trong khi số vụ cảnh sát chặn xe lại giảm xuống.

Kết luận ở đây là những nỗ lực đảm bảo an toàn công cộng giảm xuống, trong khi rủi ro xảy ra sự cố lại tăng lên cùng với nhiệt độ.

Là một lời khẳng định nữa về việc cần ngăn chặn biến đổi khí hậu, nghiên cứu này có nhiều ngụ ý hơn thoạt nhìn. Solomon Hsiang - giáo sư Trường chính sách công Goldman, Đại học California, Berkeley - viết trong một thư điện tử cho CNN rằng nghiên cứu cho thấy "môi trường tác động lên hiệu năng của các định chế chính trị".

"Trong nhiều thập niên, giới khoa học xã hội đã mắc kẹt trong cuộc chiến chia phe giữa môi trường và các định chế chính trị - cái nào quyết định phúc lợi của một xã hội, tức địa lý luận và thể chế luận - Hsiang giải thích - Nghiên cứu này cho thấy môi trường tác động trực tiếp lên các định chế chính trị và tới lượt nó tác động lên xã hội".

"Chúng ta đã biết từ lâu là năng lực nhận thức và năng suất của cá nhân giảm xuống ở những mức nhiệt độ cao" - Hsiang viết. "Những nơi đang trở nên nóng hơn, nhất là vào những mùa nóng trong năm, nhiều khả năng sẽ chịu nhiều tổn hại nhất" - Obradovich nói.

Nhưng mục đích nghiên cứu của Obradovich không phải là để dọa những dân nhiệt đới, mà là để hiểu chính xác các tác động của những điều kiện nhiệt độ cực đoan, "để chúng ta có thể tìm kiếm những cơ hội nhằm thích nghi và sửa chữa những gì sẽ trục trặc trong một khí hậu đang ngày càng thay đổi".

Nguy cơ bệnh truyền nhiễm

"Biến đổi khí hậu có tác động trực tiếp lên sự phát triển, sống sót, duy trì, truyền nhiễm và lan rộng của các mầm bệnh" - các nhà khoa học của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên Hiệp Quốc năm 2014 cảnh báo.

Những vật truyền bệnh như muỗi rất nhạy cảm với khí hậu. Khi nhiệt độ tăng lên, chúng sẽ có thể sinh sôi ở những nơi trước đó quá lạnh với chúng. Các mầm bệnh chúng mang theo như sốt rét, sốt xuất huyết, sốt chikungunya sẽ lan theo cùng chúng.

Bệnh sốt xuất huyết dengue chẳng hạn, đã tăng gấp 30 lần trong 50 năm qua, khi khí hậu ngày một nóng lên, trong khi sốt chikungunya đã lan từ châu Phi và châu Á sang vùng Caribê, có thể sớm vào nội địa Mỹ nếu điều kiện khí hậu ấm hơn.

Tìm tiếng nói chung để chống lại biến đổi khí hậu

TTO - Trong khi thế giới ngày càng chứng kiến sự khắc nghiệt của các hiện tượng thời tiết cực đoan, một số quốc gia, trong đó có Mỹ và Brazil, lại thiếu thiện chí trong việc chung tay chống biến đổi khí hậu.

HẢI MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp