27/06/2016 10:51 GMT+7

​Biến đổi khí hậu làm trầm trọng tình trạng sa mạc hóa

Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường
Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường

Sa mạc hóa hay hoang mạc hóa là hiện tượng suy thoái đất đai ở những vùng khô cằn, gây ra bởi sinh hoạt con người và biến đổi khí hậu. Khuynh hướng sa mạc hóa gần đây đã tăng nhanh trên toàn thế giới.

Đất khô ruộng cháy vì El Nino

El Nino là hiện tượng thời tiết xảy ra theo chu kỳ trên trái đất. Thế nhưng, đợt El Nino vắt quá 3 năm (2014-2016) với nhiều bất thường đã kéo theo hậu quả vô cùng khốc liệt đối với tài nguyên đất ở Việt Nam.

Trong chuyến khảo sát thực tế tại Bến Tre đầu tháng 5/2016, Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Jan Eliasson thốt lên: “Hạn thế này thật là bi kịch”. Bi kịch bởi nhiều gia đình, toàn bộ ruộng đất đã bị phơi trắng dưới nắng nóng, thất bát hoàn toàn.

El Nino không chỉ khiến đất đai thiếu nước, bốc hơi mạnh mà còn bởi nước ngọt mất đi, nước mặn lấn vào. Cây cối thiếu nước ngọt, thừa nước mặn, muối bốc lên tận ngọn, không thể ra hoa kết trái.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đợt hạn hán kỷ lục vừa qua đã khiến hơn 45 nghìn ha diện tích lúa, hoa màu bị ảnh hưởng, tổng thiệt hại khoảng 8.114 tỷ đồng. Hậu quả của hạn hán, xâm nhập mặn đã khiến hơn 2 triệu người thiếu nước sinh hoạt, 1,75 triệu người mất sinh kế, hàng trăm nghìn người có nguy cơ mắc dịch bệnh.

Hình ảnh những cánh đồng khô cháy lúa, những bãi đất dài không một bóng cây khô nứt nẻ không quá hiếm khi đi dọc vùng Nam Trung Bộ trở vào đến đồng bằng Cửu Long. Đây là những vùng vốn đã được xếp vào khu vực khô cằn nhất cả nước thì nay lại càng “khát” hơn.

Hiện Việt Nam có khoảng 7,6 triệu ha đất đang chịu tác động của thoái hóa, hoang hóa dẫn tới sa mạc hóa. Miền Trung cũng có khu vực đất đai bị thoái hóa trên tiến trình trở thành hoang địa cằn cỗi. Sa mạc hóa ở Việt Nam tập trung vào bốn khu vực: Tây Bắc, duyên hải Miền Trung, Tây Nguyên và tứ giác Long Xuyên, trong đó Ninh Thuận và Bình Thuận là vùng khô hạn nhất.

Bên cạnh nguyên nhân tự nhiên, thì từ nhiều năm qua, con người cũng góp phần làm thoái hóa đất. Để biến mình thành vùng xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới, ở Đồng bằng sông Cửu Long, con người đã lạm canh. Có nơi người nông dân đã trốc đi 30-40 cm lớp đất trên để lấy đất sét dùng làm gạch ngói sinh lợi. Hơn nữa người dân nghĩ là khi hạ mặt ruộng xuống thấp hơn thì dễ dẫn nước vào ruộng. Nhưng hậu quả thì tai hại, chất đất bị suy kiệt nên năng suất mùa màng kém nhiều, giảm đến 40%. Có thể phải 5-6 năm sau mới phục hồi được.

Tình trạng phá rừng và hủy diệt lớp phủ thực vật do các hoạt động của con người gây ra làm cho diện tích rừng ngày càng thu hẹp, độ che phủ thảm thực vật thấp, là nguyên nhân gây ra tình trạng suy giảm lượng nước ngầm trong mùa khô, gia tăng cường độ cũng như tần suất lũ quét, lũ lụt trong mùa mưa, làm cho sự xói mòn và thoái hóa đất diễn ra nghiêm trọng, gia tăng diện tích đất trống đồi núi trọc.

Biến đổi khí hậu sẽ mở rộng vùng hoang mạc hóa

Những hoạt động của con người và biến đổi khí hậu đã và đang tác động mạnh đến quá trình thoái hóa đất và hoang mạc hóa trên phạm vi toàn quốc, nhất là bốn khu vực ưu tiên chống sa mạc hoá của Việt Nam, và sẽ còn tác động xấu trong nhiều năm tới.

Theo kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng mà Bộ Tài nguyên & Môi trường đang cập nhật, nhiều yếu tố nguy cơ gây nên hoang mạc hóa, thoái hóa đất sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn, nếu không kịp thời có biện pháp bảo vệ.

Theo kịch bản, nhiệt độ ở tất cả các vùng của Việt Nam đều có xu thế tăng so với thời kỳ cơ sở (1986-2005), với mức tăng lớn nhất là khu vực phía Bắc. Lượng mưa năm có xu thế tăng song lượng mưa mùa khô ở một số vùng có xu thế giảm.

Đặc biệt nghiêm trọng là tình trạng nước biển dâng sẽ kéo theo nguy cơ xâm nhập mặn, ngập úng khiến đất bị thoái hóa nhanh mạnh hơn. Nếu nước biển dâng 1m, khoảng 16,05% diện tích đồng bằng sông Hồng, 1,47% diện tích các tỉnh ven biển miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, 17,84% diện tích TP.HCM, 39,40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ bị ngập.

Từ kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng trên, ta nhận thấy các hiện tượng thời tiết cực đoan trên phạm vi toàn quốc, nói chung và ở 4 khu vực ưu tiên chống sa mạc hoá nói riêng có xu hướng sẽ xảy ra nhiều và mạnh hơn. Hiện tượng triều cường, mực nước biển dâng, gây sạt lở bờ biển, bờ sông, ngập nước và xâm nhập mặn, hạn hán, thoái hóa đất trên diện rộng. Ảnh hưởng của bão, mưa lớn, lũ quét, lũ lụt cũng sẽ nhiều hơn, nghiêm trọng hơn. Rừng ngập mặn, bức bình phong cho vùng ven biển, vốn đã bị hủy hoại do tác động của con người và thiên tai, trong tương lai có khả năng bị thu hẹp hơn do tác động của biến đổi khí hậu.

Như vậy, nhiệt độ tăng cao, nắng nóng, khô hạn kéo dài, mực nước biển dâng cao, mưa lớn, lũ lụt, lũ quét,… đều gia tăng do tác động của biến đổi khí hậu, dẫn đến quá trình thoái hoá đất và hoang mạc hoá sẽ diễn ra khắc nghiệt hơn, diện tích đất bị thoái hoá và diện tích hoang mạc hoá sẽ mở rộng hơn trong tương lai, nếu không có chiến lược lâu dài với các giải pháp ứng phó kịp thời.

Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp