Loài chim cánh cụt từ lâu được tin rằng là loài động vật chung thủy nhất - Ảnh: GETTY
Chim cánh cụt là loài không bay được, sống chủ yếu ở vùng Nam Bán Cầu. Loài chim này từ lâu nổi tiếng là loài động vật chung thủy nhất. Cả đời chúng chỉ kết đôi với một con đực/cái và cùng nuôi chim con.
Nhưng không phải loài cánh cụt nào cũng có tập tính sinh sản chung thủy. Chúng chung thủy, nhưng là chung thủy trong mỗi mùa sinh sản. Khi hết mùa sinh sản chúng không kết đôi nữa. Trên thực tế, trước khi vào mùa sinh sản, chim cánh cụt có thể giao phối với nhiều con khác nhau, chỉ khi thực sự làm tổ và nuôi con chúng mới kết đôi với một con duy nhất. Và bạn đời của chúng thường lặp lại từ mùa sinh sản này qua mùa sinh sản khác.
Ti lệ chung thủy cũng rất khác nhau giữa các loài cánh cụt.
Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí Comptes Rendus Biologies và tạp chí The Auk, 89% chim cánh cụt Galapagos (Spheniscus mendiculus) gắn bó với bạn tình của chúng, nhưng tỉ lệ này ở chim cánh cụt hoàng đế (Aptenodytes forsteri) chỉ 15%.
Emma Marks, nhà sinh thái học hành vi tại Đại học Auckland (New Zealand), chuyên gia nghiên cứu hành vi sinh sản và lựa chọn bạn đời ở các loài chim tụ tập thành đàn lớn, cho biết: thành công ở mùa sinh sản trước sẽ đóng vai trò quyết định liệu các cặp đôi chim cánh cụt có ở bên nhau lâu dài hay không. Nếu một cặp chim cánh cụt cùng nuôi một chim con trưởng thành và bảo vệ thành công tổ của chúng ở vị trí tốt thì khả năng con cái quay lại với con đực trước đây của mình cao hơn. Nếu không, những con cái cũng có khả năng đi tìm kiếm những con đực tốt hơn.
Nhìn chung, tỉ lệ chung thủy ở chim cánh cụt đạt khoảng 89% (vào năm 2013), nhưng đã giảm dần vào những năm gần đây.
Theo nhà sinh thái học Emma Marks, nguyên nhân sự không chung thủy của chim cánh cụt có sự tác động của biến đổi khí hậu.
Môi trường sống bị thu hẹp, nguồn thức ăn bị giảm, cộng thêm việc trở thành con mồi cho loài hải cẩu khiến cho không phải lúc nào những con chim cánh cụt kết đôi mùa sinh sản trước cũng về với nhau ở mùa này.
Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Ambio, quần thể chim cánh cụt đang giảm dần theo tỉ lệ giảm số lượng nhuyễn thể. Biến đổi khí hậu và hoạt động đánh bắt của con người là những yếu tố chính gây ra sự sụt giảm số lượng nhuyễn thể, nguồn thức ăn của chim cánh cụt.
Băng tan dần cũng buộc chim cánh cụt di chuyển vào các khu vực sinh sản khác nhau, không chỉ ảnh hưởng đến tập tính di cư mà còn làm tan vỡ các cặp chim kết đôi nhiều mùa sinh sản trước.
"Một số con đực hiện di cư dần đến bãi sinh sản, nhưng sớm kiệt sức vì phải điều hướng đường bơi do vị trí các tảng băng đang thay đổi. Khi mất sức chúng sẽ đến bãi làm tổ chậm, gặp khó khăn khi thu hút những con cái và chăm sóc trứng đúng cách", Marks cho biết.
Nếu một trong hai chết đi, con còn lại sẽ không sống cô độc cả đời như các nghiên cứu trước đó. Một trong số chúng buộc đi tìm bạn đời mới, thậm chí đánh nhau để tranh giành bạn tình, tranh giành tổ với con khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận