Ông Hoàng Đức Cường, phó tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường), nhấn mạnh như vậy tại tọa đàm Thích ứng với thiên tai ngày càng dị thường, khốc liệt do báo Tiền Phong tổ chức ngày 22-10.
Bão mạnh, mưa cực đoan, sạt lở đất ngày càng nhiều hơn
Phân tích về xu thế thiên tai cũng như các cơn bão tác động vào Biển Đông và đất liền Việt Nam trong thời gian tới, ông Cường nhấn mạnh dưới tác động của biến đổi khí hậu thì các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, mưa, rét hại, nắng nóng, khô hạn còn gia tăng về tần suất, cường độ.
Nguyên nhân là do biến đổi khí hậu gây ra sự nóng lên toàn cầu, gây ra hiện tượng nước biển dâng khiến các thiên tai xảy ra trầm trọng hơn trước.
"Với các cơn bão, theo đánh giá của các nhà chuyên môn về khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu thì chưa có dấu hiệu tần suất bão tăng lên, nhưng có dấu hiệu rõ ràng là bão mạnh tăng lên trong thời gian gần đây.
Minh chứng ngay Việt Nam, liên tục các năm 2016, 2017, 2020, 2021 và năm nay xuất hiện ngày càng nhiều cơn bão mạnh trên cấp 12 ở trên Biển Đông và ảnh hưởng tới đất liền.
Như vậy có thể khẳng định xu thế các cơn bão mạnh sẽ nhiều hơn và tác động vào đất liền nhanh hơn, nhiều hơn.
Cùng với biến đổi khí hậu, những năm El Nino thường xuất hiện những cơn bão mạnh, còn La Nina sẽ xuất hiện nhiều bão hơn" - ông Cường nhận định.
Ông Cường cũng cho biết không chỉ có bão mạnh, mà biến đổi khí hậu cũng gây ra mưa lớn cực đoan hơn, đặc biệt là mưa cường suất lớn trong thời gian ngắn.
Điển hình như ở miền Trung xuất hiện mưa cực đoan 300-500mm trong vòng 6 giờ, hay mưa gần 2.000mm trong vòng hai ba ngày ở Quảng Ninh.
Điều này cho thấy mưa cực đoan ngày càng nhiều và hệ lụy lũ quét, lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng thấp và các đô thị ven biển.
Ứng dụng AI để cảnh báo, dự báo sớm
Ông Cường cho biết dự báo, cảnh báo sớm là một giải pháp quan trọng để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra và phương châm của ngành khí tượng là dự báo sớm, chi tiết hơn và tin cậy hơn.
"Ngành khí tượng sẽ tăng mật độ các trạm quan trắc, nhất là ở những vùng núi thường xuyên xảy ra thiên tai để có dự liệu dự báo, cảnh báo.
Tăng cường hệ thống công nghệ cảnh báo sớm, phát triển mô hình hiện đại, công nghệ số, cảnh báo thông tin từ thiên tai, tự nhiên.
Xu thế tất yếu là ứng dụng cách mạng 4.0, đặc biệt là AI trong loại hình cảnh báo sớm. Trong đó đồng thời sử dụng một lúc các sản phẩm khác nhau, để đưa ra được thông tin dự báo tin cậy nhất" - ông Cường nói.
Ông Nguyễn Văn Hải, trưởng phòng ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai (Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai), cho rằng công tác cảnh báo sớm, nguồn lực, kỹ năng ứng phó và nâng cao công tác truyền thông là những vấn đề quan trọng cần được lưu tâm trong thời gian tới.
"Đầu tư cho công tác phòng ngừa mới là then chốt. Nguồn lực phải đi đầu và bố trí làm sao cho phù hợp, hiệu quả, còn khắc phục là bắt buộc. Nếu đầu tư một đồng cho phòng ngừa sẽ hiệu quả bằng 4-7 lần so với giai đoạn khắc phục hậu quả" - ông Hải nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận