Anh em trong đồn đã nhường nhiều chăn và căn phòng ấm nhất, vậy mà rét buốt cứ như đang thấm qua bức tường kia, len lỏi vào từng tấm chăn. Trong quầng sáng nhờ nhờ của ánh sao đêm, chúng tôi vẫn thấy bóng những người lính trực gác phía bên ngoài cánh cửa.
“Biên cương thao thức”, cụm từ ấy hình như chúng tôi đã gặp rất nhiều trong những bài viết ca ngợi người lính biên phòng, nhưng khi đã đến đây, trong đêm mùa đông dưới cái rét tê cóng này mới nhìn cận cảnh được nỗi thao thức ấy hiển hiện cụ thể. Trên đất nước mình luôn có một nơi không bao giờ ngủ, đấy là biên cương và biển đảo.
Hôm nay 3-3, Ngày truyền thống bộ đội biên phòng - cũng được chọn là Ngày biên phòng toàn dân. Ít ai biết khởi đầu cho một phong trào rộng lớn hướng về biên giới, gìn giữ biên cương này lại bắt đầu từ một câu chuyện nhỏ của hai gia đình người Mông và Dao ở miền rẻo cao Thanh Hóa, giáp biên giới Việt - Lào.
Gần 30 năm trước (năm 1982), gia đình ông Thao Sáy Ly ở bản Kéo Uộn, xã Pù Nhi và gia đình ông Tăng Phú Minh ở bản Con Dao, xã Quang Chiểu (cùng huyện Mường Lát - Thanh Hóa) đã vận động con cháu phát quang cột mốc biên giới gần nương rẫy của mình, xếp đá xung quanh để bảo vệ cột mốc.
Mỗi lần lên nương, các thành viên trong gia đình lại thay nhau trông nom, gìn giữ. Từ câu chuyện của hai gia đình ở Mường Lát, đến năm 1989 đã được nhân rộng thành một phong trào và có chung ngày truyền thống 3-3, Ngày biên phòng toàn dân.
Lịch sử dựng nước và giữ nước của người Việt là lịch sử gắn liền với hàng chục cuộc chiến tranh vệ quốc và bảo vệ chủ quyền. Vừa đúng hai tuần trước, ngày 16-2-2011, một sĩ quan biên phòng ở biên giới Việt- Trung, trung úy Trần Văn Duẩn, đã trở thành liệt sĩ khi đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền. Đất nước im tiếng súng bom, nhưng nhiều người lính biên phòng vẫn tiếp tục ngã xuống.
Đêm 2-3, trong chương trình nghệ thuật “Xuân biên cương - tình đồng đội” nhân Ngày truyền thống bộ đội biên phòng đã ngân vang những bài hát ca ngợi sự hi sinh thầm lặng của các anh. Nhưng có lẽ sự biết ơn không chỉ là những bài hát để ngợi ca.
Tôi nhớ đến gương mặt lặng lẽ đau đớn của bố mẹ liệt sĩ Nguyễn Cảnh Dần - người lính biên phòng Nghệ An hi sinh khi truy bắt tội phạm ma túy. Nhớ ánh mắt của bé Bảo Nam, con trai duy nhất của trung úy Trần Văn Duẩn vừa tròn 1 tuổi đã mồ côi bố, đến cô giáo Vân Chi, người vợ trẻ của anh Duẩn.
Trên đất nước này có bao nhiêu người lính thời bình đang hi sinh hạnh phúc riêng tư để thức cùng cột mốc đêm đêm!
Năm 2011 được chọn là Năm thanh niên và một chủ đề chính của Năm thanh niên là “Ngày thanh niên vì biên cương Tổ quốc”. Nhưng câu chuyện hướng về biên cương chắc chắn không của riêng ai và mỗi ngày ta sống luôn là một ngày biết ơn với những người lính đang gìn giữ biên cương, nơi từ mấy ngàn năm qua hằng đêm luôn có những người lính thao thức như thế! Và cũng sẽ mãi thao thức như thế đến muôn sau!
Chủ quyền Tổ quốc trong tâm thức người Việt luôn lớn hơn sinh mệnh của chính mình!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận