Đặc biệt, các tỉnh duyên hải Tây Nam bộ như Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh… tình trạng sạt lở diễn ra nghiêm trọng vào mùa gió chướng (từ tháng 11 năm trước cho đến tháng 4 năm sau).
Rừng phòng hộ bịmất trắng
Mấy năm gần đây, bờ biển tại ba huyện ven biển của tỉnh Bến Tre là Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú… bị sạt lở làm một diện tích rừng phòng hộ, hoa màu và nhà cửa của người dân trôi theo sóng biển.
Những ngày cuối tháng 3-2018 người dân tại khu du lịch Cồn Bửng, xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú luôn thấp thỏm khi những đợt triều cường lên sẽ có nguy cơ cuốn trôi nhà cửa, đất canh tác của họ bởi vạt rừng phòng hộ phía ngoài đã bị trôi xuống biển.
Ông Phạm Văn Trường, Phó giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh Bến Tre cho hay, trước đây bao quanh cồn Bửng là một dãy vành đại rừng phòng hộ trồng phi lao cao vút. Tuy nhiên, do sóng biển đánh trực tiếp vào nên bị mất dần. "Chúng tôi đo được chỉ trong khoảng 10 năm trở lại đây, khoảng 40m rừng phòng hộ bao quanh cồn Bửng đã bị sạt lở", ông Trường nói.
Những hộ dân có đất ven biển đã phải tự làm bờ kè để giữ đất nhưng không ăn thua. Ngay cả những khu du lịch ven biển dù làm bờ kè bằng bê tông vẫn bị sóng đánh đổ sụp.
Ông Lưu Văn Trung, một người dân tại xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú cho biết, trước đây vuông tôm của nhà ông năm sâu trong đất liền, cách bờ biển hàng chục mét nhưng nay sóng đã đánh sát vào bờ vuông. Đây cũng là tình trạng chung của các hộ dân sống trên cồn Bửng.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp địa phương, từ năm 2013 đến nay, sạt lở ở bờ biển khu vực xã Thạnh Hải (huyện Thạnh Phú) đã "xóa sổ" 110ha đất sản xuất của người dân. Trong đó, khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp khoảng 9,5km với 97 hộ dân đang sinh sống. Nhiều hộ dân bị mất đất, mất nhà do sạt lở bờ biển gây ra.
Ông Dương Ngọc Thanh, xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri cho biết, trước đây có gần một ha đất trồng dưa hấu, củ cải trắng ngay sát bờ biển. Hơn chục năm qua, bờ biển bị sạt lở nên "nuốt" đất dần dần. "Bây giờ diện tích đất của gia đình tui chỉ còn 3.000m2 và đang tiếp tục sạt lở gần tới căn nhà chính đang ở", ông Thanh buồn bã nói.
Còn tại Tiền Giang, tình trạng biển xâm thực diễn ra phức tạp nhất tại huyện Gò Công Đông. Gần 50 hộ dân ở ấp Cầu Muống, xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) đang đứng ngồi không yên khi liên tục mấy năm gần đây, sóng biển đã đánh sập một đoạn dài khoảng 1,5km khiến đời sống người dân bị đảo lộn.
Nhiều hộ vẫn chưa có chỗ di dời nên đành phải bám víu, sống tạm bợ trong những căn nhà sơ sài, chấp vá... mà sóng biển có thể đánh trôi bất cứ lúc nào.
Xây bờ kè bằng bê tông hạn chế sạt lở
Ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi Tiền Giang, cho biết năm 2006 diện tích rừng phòng hộ của huyện Gò Công Đông là 1.073ha thì nay chỉ còn 499ha. Riêng các vị trí xung yếu từ Tân Thành đến Vàm Láng thuộc các xã Tân Thành, Tân Điền, Tăng Hòa... đang có nguy cơ mất trắng.
Sạt lở ở Vàm Xoáy (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau)Ảnh: NGUYỄN HÙNG
Nhiều đai rừng phòng hộ dài khoảng 20km ở các xã này đã mất sạch nên phải xây đê bằng bê tông kiên cố để bảo vệ hàng ngàn hecta đất nông nghiệp vùng ngọt hóa Gò Công, một dự án thủy lợi có hiệu quả bậc nhất ở ĐBSCL. Tuy nhiên, do làm đê biển chi phí cao nên cần kinh phí rất lớn.
Trong khi đó, tại điểm nóng về sạt lở ở huyện Thạnh Phú, ông Đào Công Thương, chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú cho biết, huyện đã xin chủ trương của tỉnh cho người dân tự nâng cấp, làm bờ kè cứng tại khu vực Cồn Bửng (xã Thạnh Hải) để giữ bờ biển, phát triển du lịch.
Tại những khu vực khác, người dân làm nông nghiệp đa số đều nghèo nên không có khả năng làm bờ kè mà chỉ đắp đê mềm tạm thời nên tiếp tục bị sạt lở, mất đất sản xuất. Trong khi đó, nguồn vốn để xây dựng bờ kè rất lớn nên tỉnh đang kiến nghị Trung ương lập dự án xây dựng bờ kè bằng bê-tông để ngăn sạt lở, ổn định cuộc sống người dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận