12/05/2019 11:30 GMT+7

Bia tưởng niệm vụ thảm sát Tổng Chúp

DUY BÌNH - NGỌC VIỄN
DUY BÌNH - NGỌC VIỄN

TTO - Tấm bia nhỏ bé, bạc màu khuất dưới gốc tre già biên viễn Cao Bằng. Chúng tôi thấy mình như có lỗi với 43 hồn oan của đồng bào vô tội bị giặc thảm sát. Cần phải có đài tưởng niệm để con cháu ngàn đời không quên!

Bia tưởng niệm vụ thảm sát Tổng Chúp - Ảnh 1.

Đoàn khách TP.HCM viếng nơi 43 đồng bào bị sát hại ở - Ảnh: NGỌC LỰC

Chúng ta nên làm một cái miếu để thắp hương và đài bia tưởng niệm ghi tên từng đồng bào bị sát hại cho con cháu mãi mãi không quên sự kiện bi thương này

Ông ĐINH NGỌC THIÊN

Chúng tôi trở lại làng Tổng Chúp, xã Hưng Đạo, cách trung tâm TP Cao Bằng chừng 10km vào những ngày giao mùa...

Tổng Chúp, ngày không quên!

Ở nơi ấy có một tấm bia nhỏ bé làm bằng ximăng cách đây 40 năm ghi lại vụ thảm sát 43 thường dân VN vô tội của quân bành trướng Trung Quốc khi chúng tràn qua biên giới ngày 17-2-1979.

Tấm bia nhỏ bé ấy giờ đã xỉn màu, mờ nhạt theo năm tháng, nhưng người ta vẫn có thể đọc từng nét chữ bi thương: "Vụ thảm sát tại Tổng Chúp, xã Hưng Đạo, huyện Hòa An...".

40 năm đã trôi qua, nhưng mỗi khi nhắc tới sự kiện bi thảm Tổng Chúp, người dân nơi đây vẫn còn đau xé lòng.

Ông Đoàn Ngọc Lực, thôn Nà Luông (xã Vĩnh Quang, TP Cao Bằng), có nhà cách điểm thảm sát chưa đến 1km vẫn nhớ rõ chuyện đau thương những ngày tháng 2-1979. Năm ấy ông 18 tuổi, may mắn cùng gia đình kịp sơ tán trước khi quân bành trướng Trung Quốc ập đến khu vực Nà Luông và gây ra vụ thảm sát kinh hoàng!

"Chúng tôi trở về khi quân bành trướng đã rút đi. Nhiều nhà ở Nà Luông, Tổng Chúp chỉ còn đống tro. Nhà tôi cũng bị đốt cháy. Nhưng điều khiến dân làng bàng hoàng, đau đớn là phát hiện 43 xác công nhân tại trại nuôi heo cách đó khoảng 2km.

Giặc áp giải họ xuống thôn Nà Luông, nhốt tại nhà một người dân, rồi hãm hại, vứt xác xuống giếng ở Tổng Chúp" - ông Lực nghẹn giọng. Đó là cái giếng mà bộ đội VN đào vào năm 1978 khi về đóng quân bên suối Nà Luông.

Ông Lực nghẹn ngào nhớ như in cảnh bộ đội dùng thang xuống giếng sâu, cột dây vào từng thi thể đang phân hủy rồi kéo khỏi miệng giếng một ngày tháng 3-1979. "Nhiều xác phụ nữ và trẻ em được kéo lên.

Có cả phụ nữ đang mang thai và địu con nhỏ sau lưng. Từng xác được đặt vào những tấm nilông trải quanh giếng. Có những xác được người thân nhận dạng mang về chôn cất. Nhưng nhiều xác không có ai nhận vì người thân của họ cũng đã chết khi quân bành trướng Trung Quốc tràn vào. Bộ đội đã làm lễ mai táng họ" - ông Lực ứa nước mắt kể.

Ông Đinh Ngọc Thiên, 57 tuổi, ở xóm Khau Mắng (còn gọi là Đức Chính), xã Vĩnh Quang, huyện Hòa An, đã mất mẹ trong vụ thảm sát này. Năm ấy ông mới 17 tuổi.

"Khi giặc tràn qua biên giới, mọi người vội sơ tán, đến đoạn Khau Đồn, xã Hưng Đạo thì mẹ con tôi lạc nhau. Tôi đi đến Nà Phặc, Bắc Kạn, không thấy mẹ mới quay về tìm nhưng mãi không thấy. Rồi nghe người ta nói mẹ tôi và nhiều người ở trại Đức Chính đã bị quân bành trướng giết quăng xác xuống giếng ở làng Tổng Chúp rồi!" - ông Thiên nghẹn ngào.

Bia tưởng niệm vụ thảm sát Tổng Chúp - Ảnh 3.

Xã Hưng Đạo thuộc TP Cao Bằng, nơi vẫn còn tấm bia ghi lại vụ thảm sát Tổng Chúp và bia ghi nhớ vụ thảm sát nhỏ bé, bạc màu thời gian Đồ họa: VĨ CƯỜNG - Ảnh: DUY BÌNH

Giếng nước đẫm máu

Khi giặc rút đi, ông chạy đến tìm mẹ thì thấy đông người đang bốc xác dưới giếng lên. Thi thể mẹ ông Thiên - bà Tô Thị Yển - là áp chót được kéo lên khỏi giếng. Lúc chính quyền cho vào nhận mặt, ông Thiên quỵ xuống, nhận ra mẹ mình ngay vì bà có hai nốt ruồi giữa trán!

Bia tưởng niệm vụ thảm sát Tổng Chúp - Ảnh 4.

Ông Đinh Ngọc Thiên thắp nhang ở mộ mẹ mình - bà Tô Thị Yển. Ảnh: DUY BÌNH

Ông Đào Nguyên An, 72 tuổi, thời điểm xảy ra vụ thảm sát làm giám đốc Nông trường chăn nuôi lợn tỉnh Cao Bằng, quản lý trại Đức Chính - nơi làm việc của 43 công nhân thảm thương.

Kể chuyện 40 năm trước, ông vẫn ứa nước mắt: "Trước khi bị giết hại, đời sống công nhân tương đối khá, mọi người đều vui vẻ làm việc. Họ chăm chỉ, chịu khó, không ngại việc nặng nhọc. Lúc ấy chưa có máy móc như bây giờ nên công nhân vất vả lắm, nhưng ai cũng tích cực làm việc cho nông trường".

Ông An cũng chính là một trong những người được giao nhiệm vụ mang các thi thể từ dưới giếng lên rồi đưa đi an táng. Ngày ấy, hầu hết công nhân đều không phải người địa phương nên người nhà đến nhận dạng rất ít.

Họ phải chôn cất mấy chục người trong ngày, vừa khóc vừa làm cật lực từ sáng đến tối mịt mới xong. Sau khi chôn cất đồng bào, ông An bị sốc quá nên ốm nặng 3 tháng liền!

Ước mong đạo lý

Chia tay Tổng Chúp, lòng chúng tôi thêm quặn đau khi nghe những lời tâm sự của ông Đoàn Ngọc Lực: "Điều tôi buồn hơn cả là tấm bia tưởng niệm 43 thường dân vô tội đang bị phai mờ dần!".

Quả thực, nếu không có sự giúp đỡ, chỉ đường tận tình của ông Lực thì chúng tôi rất khó tìm được nơi 43 đồng bào bị giết cùng tấm bia ghi lại sự kiện bi thảm này. Đoàn đã mượn mấy đôi ủng của ông Lực, lội qua hai con suối nhỏ, băng qua một đoạn cánh đồng dài mới đến được điểm thảm sát để thắp nén nhang tưởng nhớ người đã khuất.

Bia tưởng niệm vụ thảm sát Tổng Chúp - Ảnh 5.

Trại lợn Đức Chính - nơi làm việc của 43 công nhân bị giết hại. Tên hiện nay là Trại lợn giống cấp I Đức Chính. Ảnh chụp tháng 7-2019. Ảnh: DUY BÌNH

Ông Lực chỉ tay vào khóm tre - nơi treo tấm bia nhỏ - và nghẹn ngào nói: "Đây là khu vực giếng ngập máu ngày ấy. Thời gian đã xóa tất cả, nếu không có tấm bia thì không người nào biết nơi này từng xảy ra sự kiện bi thảm mà ngàn đời con cháu phải ghi nhớ!".

Ông Lực mong ước có một con đường và khu tưởng niệm đàng hoàng để người dân gần xa có thể thắp nén nhang tưởng nhớ 43 đồng bào vô tội chết oan. Ông tâm sự sẵn sàng cống hiến tất cả sức lực và những gì mình có để làm đường dẫn vào khu tưởng niệm.

"Tôi nghĩ đó là điều tôi nên làm!" - ông Lực xúc động. Và ông Đinh Ngọc Thiên cũng mong có khu tưởng niệm với bia ghi tên từng người bị giết, trong đó có tên mẹ ông là bà Tô Thị Yểng để con cháu thắp hương.

Đó là mong muốn tha thiết của người dân nơi đây, của thân nhân người bị hại. Và cũng là mong muốn hợp đạo lý cho 43 đồng bào vô tội bị sát hại!

Hơn 1.500 người dân vô tội thiệt mạng

Trong tham luận tại hội thảo khoa học "Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc - 40 năm nhìn lại" diễn ra ở Hà Nội hôm 15-2-2019, ông Đinh Ngọc Viễn - nguyên cán bộ Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Bằng - đưa ra con số hơn 1.500 người dân vô tội ở Cao Bằng bị giết hại khi quân bành trướng Trung Quốc tràn qua biên giới.

Ngoài ra, Cao Bằng còn gánh chịu nhiều thiệt hại khác với 50 xã bị phá hoại, 40/49 nông - lâm trường bị tàn phá, 12/12 bệnh viện, 48/140 bệnh xá, trạm y tế bị phá hoại hoàn toàn…

Chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc: Nhìn lại không phải để khoét sâu hận thù

TTO - Sáng nay 15-2, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam và Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học quốc gia 'Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc - 40 năm nhìn lại'.

DUY BÌNH - NGỌC VIỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp