06/08/2016 12:09 GMT+7

Bị yêu cầu nâng điểm xét tuyển, các trường phản đối gay gắt

TRẦN HUỲNH - M.GIẢNG
TRẦN HUỲNH - M.GIẢNG

TTO - Nhiều trường cho rằng Bộ trưởng Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường đại học tốp trên công bố lại điểm xét tuyển cao hơn mức hiện tại là bất hợp lý, trái luật.

Thí sinh đăng ký xét tuyển trực tuyến tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) - Ảnh: NHƯ HÙNG
Thí sinh đăng ký xét tuyển trực tuyến tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) - Ảnh: NHƯ HÙNG

Liên quan đến chỉ đạo các trường ĐH lớn phải công bố mức điểm xét tuyển cao hơn điểm sàn của Bộ GD-ĐT, trường công bố rồi thì rút lại, đưa ra thông báo mới để các trường phía dưới có cơ hội của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, nhiều ý kiến cho rằng bộ đang chỉ đạo bất hợp lý và can thiệp vào việc tuyển sinh của các trường.

Đại diện các trường đều cho rằng tất cả quy chế phải được đặt ra trước khi ban hành và phải thực hiện đúng quy định đó. Theo quy tuyển sinh chế hiện nay thí sinh không được rút lại hồ sơ ĐKXT sau khi nộp.

“Nhà trường sẽ không công bố lại điểm sàn”

TS Lê Chí Thông, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) thắc mắc không biết bộ trưởng căn cứ quy định nào để yêu cầu các trường tốp trên công bố lại điểm sàn xét tuyển.

Ông Thông cho rằng nếu phải thực hiện quy định này sẽ không công bằng đối với các thí sinh đã nộp hồ sơ ĐKXT. Vì nếu mức điểm của trường công bố cao hơn điểm của thí sinh đã nộp hồ sơ thì những thí sinh này bị thiệt thòi.

“Bộ trưởng chỉ đạo thế này các trường sẽ khó thực hiện. Trường ĐH Bách khoa trực thuộc ĐHQG TP.HCM nên phải thực hiện theo các quy định của ĐHQG. Hơn nữa, hiện nhà trường chưa nhận được văn bản chỉ đạo của bộ về việc này. Tôi nghĩ, Bộ GD-ĐT sẽ không ra văn bản chỉ đạo các trường thực hiện việc này. Vì thế trường chúng tôi sẽ không thay đổi gì cả trong khâu xét tuyển và không công bố lại điểm sàn” – ông Thông cho biết.

PGS.TS Trần Lê Quan, phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) cũng cho rằng nếu Bộ GD-ĐT muốn đưa ra quy định này phải công bố ngay từ đầu, đồng thời nêu rõ trường nào thuộc tốp nào và mức sàn cụ thể ra sao, còn hiện nay đã hết nửa thời gian nhận hồ sơ ĐKXT rồi thì sẽ rất khó yêu cầu thực hiện. Vì vậy nhà trường sẽ không thực hiện việc này.

“Nếu phải thực hiện theo chỉ đạo của bộ trưởng theo tôi sẽ không đạt kết quả như mong muốn mà lại gây bức xúc cho thí sinh. Ví dụ, theo yêu cầu của bộ trưởng các trường thuộc ĐHQG TP.HCM phải lấy điểm từ 18 trở lên, trong khi các thí sinh đã nộp rồi lại không đủ điều kiện này thì rất vô lý. Tôi cho rằng bộ đã can thiệp quá sâu vào quyền tự chủ của các trường ĐH. Vì vậy theo tôi bộ không nên triển khai thực hiện việc này” – ông Quan nói.

Trong khi đó, PGS.TS Hồ Thanh Phong, hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP.HCM) cho rằng hiện có hai lập luận: thứ nhất, các trường tốp trên muốn vét hết thí sinh; thứ hai là các trường này không lo cho thí sinh, với việc đưa ra mức điểm sàn thấp, có những thí sinh điểm thấp không biết thông tin nộp hồ sơ ĐKXT vào sẽ rớt.

“Thực sự cả hai việc này không nằm trong tính toán của trường chúng tôi trong việc quyết định đưa ra mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển bằng mức sàn của Bộ GD-ĐT. Hơn nữa thí sinh muốn nộp hồ sơ vào các trường thành viên ĐHQG TP.HCM còn phải thỏa điều kiện: bậc ĐH thí sinh có trung bình cộng các điểm trung bình ba năm học (lớp 10, lớp 11 và lớp 12) từ 6,5 trở lên. Bên cạnh đó, khi thí sinh nộp hồ sơ chúng tôi đều tư vấn cho các em phải căn cứ điểm chuẩn của trường năm trước. Tôi cho rằng, Bộ GD-ĐT đã cân nhắc rất kỹ để đưa ra mức điểm đảm bảo chất lượng đầu vào. Cả nước sẽ có trường điểm cao, trường điểm thấp, trong trường cũng có ngành điểm cao, ngành điểm thấp. Trường chúng tôi cũng có ngành điểm thấp. Vì vậy, cần lưu ý nếu chỉ nhận hồ sơ thí sinh điểm cao nhưng sau này trường có ngành tuyển không đủ chỉ tiêu cũng không công bằng với thí sinh” – ông Phong nói.

Tuy nhiên, ông Phong cho biết nếu Bộ GD-ĐT và ĐHQG TP.HCM chỉ đạo nhà trường phải làm việc này thì trường cũng sẽ thực hiện.

“Thực tế, số thí sinh đạt 15 điểm nộp hồ sơ chủ yếu vào các chương trình liên kết của trường rất ít. Tôi đề nghị đối với những trường hợp này phải cho thí sinh rút lại hồ sơ”- ông Phong đề nghị.

Trường nào là trường tốp trên?

PGS.TS Đỗ Văn Xê, phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, cho rằng việc Bộ trưởng GD-ĐT đề nghị trường tốp trên công bố lại điểm sàn xét tuyển kiến ông có nhiều băn khoăn. “Tôi không biết "điểm sàn xét tuyển tuyển" là gì vì trong quy chế tuyển sinh không có nói thuật ngữ này. Tôi không tham dự hội nghị này nên không có dịp hỏi bộ trưởng thế nào là "trường tốp trên"? Chúng tôi chưa bao giờ xưng Trường ĐH Cần Thơ là trường tốp trên nên không biết "khẩu dụ" của bộ trưởng có bao gồm Trường ĐH Cần Thơ hay không?” – ông Xê nói.

Cũng theo ông Xê, khi thông báo nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển (ĐKXT) nhà trường công bố một cách "minh bạch" điểm chuẩn năm trước (2015) để thí sinh cân nhắc nộp hồ sơ vào ngành có khả năng trúng tuyển. Việc nhà trường đang làm hoàn toàn phù hợp với quy chế tuyển sinh năm 2016.

Trong khi đó, theo TS Trần Thế Hoàng, phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, về nguyên tắc hiện nay nước ta chưa có phân loại, phân tầng các trường ĐH nên không thể nói trường nào thuộc tốp trên, hay tốp dưới.

“Trường ĐH Kinh tế TP.HCM công bố điểm hầu hết các chuyên ngành 18 điểm. Riêng các chuyên ngành: kinh tế học, kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn, kinh tế chính trị, toán tài chính, thông kê kinh doanh, hệ thống thông tin kinh doanh (khối A00, A01, D01) 15 điểm. Đây là những ngành kén người học, cần thu hút thí sinh với 300 chỉ tiêu nên không ảnh hưởng gì nhiều” – ông Hoàng khẳng định.

TRẦN HUỲNH - M.GIẢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp