03/07/2019 06:09 GMT+7

Bị tước danh hiệu công an, kiện đòi lương hưu

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TTO - Trong khi phía bảo hiểm cho rằng việc chậm giải quyết chế độ hưu trí là do thiếu quy định, không có hướng dẫn và cần chờ ý kiến trao đổi thì nguyên đơn đã khởi kiện ra tòa vì cho rằng mình bị 'ăn chặn' tiền lương hưu.

Bị tước danh hiệu công an, kiện đòi lương hưu - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hoàng Chương tại tòa - Ảnh: T.L.

Tôi đi khiếu nại rồi khởi kiện từ năm 2014 đến nay, tốn rất nhiều công sức và chi phí. Nếu như tôi không đi khiếu nại thì liệu có được các cơ quan cho truy lãnh hơn 100 triệu đồng tiền lương hưu hay không? Việc các cơ quan chịu trả tiền lương hưu nhưng không chịu bồi thường là gây thiệt thòi rất lớn cho tôi.

Ông NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG

Đó là câu chuyện của ông Nguyễn Hoàng Chương (58 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TP.HCM), nguyên là trung tá công an, công tác tại Công an quận Bình Tân.

Tháng 8-2013, ông Chương bị kỷ luật tước danh hiệu Công an nhân dân. Sau khi nhận sổ hưu, ông Chương phát hiện thay vì được lãnh lương hưu kể từ ngày nghỉ việc là 1-10-2013, Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân (BHXH CAND) lại ra quyết định cho ông hưởng lương hưu kể từ ngày 1-10-2014.

Bị cắt một năm lương hưu

Cho rằng mình bị cắt mất một năm tiền lương hưu mà không rõ lý do, ông Chương gửi đơn khiếu nại nhưng không được giải quyết nên ông khởi kiện ra tòa, yêu cầu được chi trả hơn 95 triệu đồng.

Ngoài ra, ông Chương còn yêu cầu tòa buộc giám đốc BHXH CAND bồi thường thiệt hại hơn 200 triệu đồng. Lý do vì trong thời gian không có lương hưu, ông phải vay 100 triệu đồng với lãi suất 3%/tháng để chi tiêu cá nhân và gia đình.

Trong 6 năm qua kể từ khi ông Chương khiếu nại đến nay, giữa ông và BHXH CAND, Công an TP.HCM đã có quá trình thương lượng, giải quyết nhưng bất thành.

Theo lý giải của BHXH CAND, từ năm 2014, Công an TP.HCM công bố quyết định giải quyết khiếu nại đối với ông Chương, và nhiều lần mời ông đến làm thủ tục giải quyết chế độ bảo hiểm nhưng ông không hợp tác.

Đến tháng 8-2014, Công an TP.HCM mới căn cứ hồ sơ lưu trữ để hoàn tất thủ tục giải quyết chế độ hưu trí hằng tháng cho ông Chương. Hồ sơ này phải gửi BHXH CAND xét duyệt, đồng ý cho hưởng chế độ thì mới áp dụng. Do đó, BHXH đã áp dụng cho ông hưởng lương hưu kể từ tháng 10-2014.

Theo BHXH CAND, từ khi có Luật BHXH đến nay, không có quy định nào nói rõ thời điểm hưởng lương hưu đối với trường hợp bị tước danh hiệu CAND. Văn bản của Nhà nước chỉ có hướng dẫn đối với trường hợp người lao động thôi việc và chấm dứt hợp đồng lao động.

Do đó, BHXH đã có công văn trao đổi với Bộ LĐ-TB&XH để hỏi xem thời điểm tính lương hưu với ông Chương là thời điểm tước danh hiệu CAND hay thời điểm bảo hiểm giải quyết chế độ.

Sau đó, Bộ LĐ-TB&XH đã có văn bản cho biết việc giải quyết chế độ hưu trí đối với ông Chương được thực hiện theo quy định tại Luật BHXH, các văn bản hướng dẫn thi hành và thông tư số 23/2012.

Bộ LĐ-TB&XH xác định thời điểm hưởng lương hưu của ông Chương là thời điểm ghi trong quyết định nghỉ việc do người sử dụng lao động lập.

Có sai sót nhưng không bồi thường

Không đồng tình với ý kiến nêu trên, BHXH CAND cho rằng việc của Bộ LĐ-TB&XH căn cứ quy định tại thông tư 23 để xác định thời điểm hưởng lương hưu đối với các trường hợp bị tước danh hiệu CAND là chưa rõ.

Lý do vì quy định nêu trên chỉ hướng dẫn giải quyết lương hưu đối với các trường hợp lao động nghỉ việc chứ không quy định áp dụng đối với các trường hợp bị tước danh hiệu CAND.

Tuy nhiên, để tránh việc ông Chương khiếu nại kéo dài trong khi chưa có văn bản hướng dẫn của Nhà nước, BHXH CAND đã ra quyết định điều chỉnh chế độ hưu trí hằng tháng đối với ông Chương từ thời điểm tháng 9-2013 như yêu cầu của ông.

Tổng số tiền lương hưu mà ông Chương được truy lãnh theo quyết định này là 103 triệu đồng.

Tháng 12-2017, Công an TP.HCM đã mời ông Chương đến để triển khai quyết định điều chỉnh lương hưu nhưng ông Chương không nhận. Lý do vì lúc này ông đã khởi kiện ra tòa, đã tốn tiền thuê luật sư và đóng tiền tạm ứng án phí.

Ông Chương đề nghị ngoài số tiền lương hưu được truy lãnh, BHXH phải bồi thường thêm cho ông tiền thuê luật sư và tiền tạm ứng án phí là hơn 10 triệu đồng để khép lại vụ án. Tuy nhiên, BHXH CAND không đồng ý.

Vụ kiện vừa được TAND TP.HCM đưa ra xét xử tháng 6-2019. Theo tòa, căn cứ Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn, ông Chương đã đóng BHXH trong 34 năm 7 tháng, đủ điều kiện để được hưởng chế độ hưu trí.

Thời gian nghỉ việc của ông Chương được xác định từ ngày 1-9-2013 nhưng BHXH lại xác định thời điểm tính lương hưu cho ông vào tháng 10-2014 là chưa chính xác, có thiếu sót.

Tuy nhiên, tòa cho rằng lỗi không hoàn toàn thuộc về BHXH CAND mà do các văn bản hướng dẫn chưa cụ thể nên cần xin ý kiến của các cơ quan để giải quyết.

Đến năm 2017, giám đốc BHXH CAND đã điều chỉnh thời gian hưởng hưu trí đối với ông Chương từ tháng 9-2013 kèm theo số tiền ông được truy lãnh.

Tòa án nhận định chế độ hưu trí của ông đã được đảm bảo, việc ông khởi kiện đòi một năm tiền lương hưu là không có căn cứ. Việc ông Chương yêu cầu bồi thường thiệt hại vì chậm chi trả tiền lương hưu, tòa cho rằng không có căn cứ nên không giải quyết.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hoàng Chương cho biết ông vừa nộp đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm nêu trên.

Ngoài việc đòi tiền lương hưu, ông Chương vẫn giữ nguyên yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại số tiền 200 triệu đồng.

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp