Dãy cờ Liên minh châu Âu tung bay tại trụ sở Hội đồng châu Âu, Brussel, Bỉ - Ảnh: REUTERS
Khi một nhân vật nghi là gián điệp Trung Quốc bị dẫn độ về Mỹ năm ngoái, Bộ Tư pháp Mỹ đã ca ngợi "sự hỗ trợ đáng kể" của chính quyền Bỉ.
Xu Yanjun đã bị bắt tại Bỉ sau khi tới quốc gia châu Âu này để gặp gỡ một người vì "mục đích đàm phán và nhận thông tin nhạy cảm mà anh ta đã yêu cầu", trát của Bộ Tư pháp Mỹ viết. Ông Xu đã bị buộc tội gián điệp kinh tế.
Trên thực tế, Cơ quan An ninh tình báo quốc gia Bỉ (VSSE) nhận định Bỉ là hang ổ của giới tình báo. VSSE thậm chí cho rằng số lượng các hoạt động tình báo này ít nhất ngang ngửa thời Chiến tranh Lạnh, mà Brussels của Bỉ chính là một "bàn cờ".
Nằm ở vị trí "trái tim của châu Âu", Bỉ là nơi tập trung những tổ chức đầu não của Liên minh châu Âu (EU) và tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Điều này khiến giới gián điệp dễ dàng tiếp cận các nhà ngoại giao, nghị sĩ hay quan chức quân sự tại Brussels.
Ngoài ra, đặc điểm trên cũng khiến Brussels chiếm vị trí chiến lược đối với Trung Quốc để gây ảnh hưởng lên châu Âu, theo Hãng tin Bloomberg.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk (trái) và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (phải) tại Brussel, Bỉ - Ảnh: REUTERS
Hồi tháng 2, tờ báo Đức Die Welt dẫn một đánh giá chưa công bố của Cơ quan hành động đối ngoại châu Âu, nhánh phụ trách đối ngoại EU, nói rằng có khoảng 250 gián điệp Trung Quốc đang hoạt động ở Brussels. Con số này được cho là còn cao hơn cả từ Nga.
Đáp lại, giới ngoại giao Trung Quốc ở EU nói họ "thật sự sốc" đối với báo cáo "thiếu căn cứ" này, đồng thời khẳng định "Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của mọi quốc gia và không can thiệp vào tình hình nội bộ nước khác".
Nhưng thực tế lại không ủng hộ lập luận trên, khi sự cố liên quan tới nghi án "gián điệp Trung Quốc" vẫn xuất hiện. Phía EU hồi tháng 10 từng cáo buộc giám đốc Học viện Khổng Tử (Đại học VUB Brussels) tội do thám và cấm vào khu vực Schengen (khu vực hộ chiếu EU, tự do đi lại) trong 8 năm. Vị giám đốc này vẫn bác bỏ cáo buộc trên.
Theo phân tích của Bloomberg, hệ thống chính trị phân mảnh không cho phép Bỉ đưa ra một chiến lược ngoại giao thống nhất. Ngay cả khi EU chọn cách tiếp cận đề phòng đối với Trung Quốc, Bỉ vẫn đang mở cửa đón dòng đầu tư từ quốc gia này.
Các khoản đầu tư của Trung Quốc đang đổ vào các lĩnh vực chiến lược của Bỉ như năng lượng, vận tải và công nghệ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận