Lãnh đạo Solomon, ông Manasseh Sogavare, bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh: AFP
Trong báo cáo công bố ngày 21-10, Viện nghiên cứu uy tín của Úc - Lowy cho biết: nhiều đảo quốc Thái Bình Dương đang đứng trước nguy cơ vay nợ quá nhiều và phải đáp ứng các đòi hỏi từ Bắc Kinh.
"Quy mô cho vay của Trung Quốc và việc thiếu thể chế mạnh mẽ để bảo vệ tính bền vững nợ của các quốc gia vay có nghĩa là khi việc này tiếp diễn chắc chắn sẽ tạo ra những rủi ro" - Hãng tin AFP dẫn báo cáo khẳng định.
Trung Quốc thời gian qua bị cáo buộc cho các nước nhỏ tại Thái Bình Dương vay những khoản nợ hào phóng nhưng khó mà trả nổi, để đổi lấy những lợi thế hoặc thâu tóm các tài sản chiến lược như cảng, sân bay…
Từ 2011 đến 2018, Trung Quốc đã cho khu vực này vay 6 tỉ USD, tương đương với 21% GDP của khu vực. Phần lớn số tiền, khoảng 4,1 tỉ USD, được Papua New Guinea vay. Khoản vay của các nước như Tonga, Samoa và Vanuatu chưa đến 1 tỉ USD nhưng cũng đủ khiến Bắc Kinh trở thành chủ nợ lớn nhất của những nước này.
"Các khoản hỗ trợ của Trung Quốc thường nhanh hơn, đáp ứng như cầu của giới chính trị địa phương hơn và ít các điều kiện kèm theo hơn" - Viện Lowy giải thích. Tuy nhiên, các quốc gia nhỏ này với dân số ít ỏi, nền kinh tế dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài như giá dầu hay thiên tai, và sự yếu kém trong quản lý, đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ.
Trong bối cảnh khu vực ngày càng "nóng" hơn do sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa Mỹ, Trung Quốc và Úc, nguy cơ từ các khoản vay ngày càng lớn.
Các đảo quốc nhỏ bé này nằm trên tuyến hàng hải quan trọng qua Thái Bình Dương, có trữ lượng hải sản khổng lồ và quan trọng hơn hết là có tiềm năng trở thành căn cứ quân sự cho các ông lớn bành trướng sức mạnh.
Trung Quốc thời gian qua đã đẩy mạnh quan hệ với các nước nhỏ này thông qua hàng loạt chuyến thăm cấp cao và cho vay vô điều kiện trong dự án "Vành đai - Con đường". Thành quả là đảo quốc Solomon và Kiribati mới đây đã tuyên bố cắt đứt với Đài Loan để tạo quan hệ ngoại giao với Trung Quốc vì "lợi ích quốc gia".
Dù cho rằng các khoản vay của Trung Quốc chưa đến mức để gọi là "bẫy nợ" như các cáo buộc, Viện Lowy kêu gọi Bắc Kinh điều chỉnh lại việc cho vay tại Thái Bình Dương.
"Trung Quốc cần tái cấu trúc một cách bền vững cách tiếp cận của mình nếu họ muốn tiếp tục giữ một vai trò chính tại Thái Bình Dương chứ không gây bẫy nợ như cáo buộc của những người chỉ trích" - Viện nghiên cứu Úc cảnh báo cho rằng Bắc Kinh nên xây dựng các quy định cho vay bền vững tính đến các yếu tố như thảm họa tự nhiên tại các đảo quốc Thái Bình Dương.
Trung Quốc phủ nhận
"Thay vì chỉ trỏ những việc tốt của Trung Quốc, những ai cứ cáo buộc và suy đoán nên hành động nhiều hơn để giúp đỡ các đảo quốc Thái Bình Dương. Một số người đặt câu hỏi về mục đích viện trợ của Trung Quốc, thậm chí không quan tâm đến sự thật và bịa đặt cái gọi là 'bẫy nợ Trung Quốc' - điều này là do định kiến hoặc không biết chính sách viện trợ nước ngoài của Trung Quốc"- đại sứ Bắc Kinh tại Samoa, Chao Xiaoliang, viết trên tờ Samoa Observer.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận