07/03/2016 08:53 GMT+7

Đối thoại với dân Sầm Sơn, Bí thư Thanh Hóa nhận khuyết điểm

X.LONG - HÀ ĐỒNG - L.HOÀI
X.LONG - HÀ ĐỒNG - L.HOÀI

TTO - Rất nhiều người dân Sầm Sơn đã bày tỏ ý kiến gay gắt trong cuộc đối thoại trực tiếp với ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa. Đáp lại, ông Chiến nói ông thấy có khuyết điểm.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến, trao đổi với các ngành trước buổi đối thoại
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến, trao đổi với các ngành trước buổi đối thoại

Sáng 7-3, ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa trực tiếp đối thoại với bà con ngư dân neo đậu tàu thuyền trên bãi biển Sầm Sơn liên quan đến việc người dân thị xã Sầm Sơn tập trung đông người trước cổng UBND tỉnh nhiều ngày qua.

"Phải lấy an sinh làm đầu"

Nêu kiến nghị tại buổi đối thoại, bà Nguyễn Thị Toàn - ngụ phường Trung Sơn bộc bạch: “Cha ông chúng tôi bao đời đi biển, sống nhờ vào biển. Chúng tôi sản xuất nhỏ thì mưu sinh nhỏ, ai có trí tuệ lớn làm lớn.

Đề nghị trong 3,5km dự án thì để lại 1km cho chúng tôi. Đề nghị các các cấp các ngành thương dân như con. Tạo điều kiện cho dân sống, lãnh đạo làm việc phải vì dân” - bà Toàn nói.

Ông Vũ Đình Chiến, ngư dân phường Trường Sơn nói: “ngư dân chúng tôi từ xưa tới nay, bãi sầm Sơn trải dài hơn 7km, trước chưa phát triển du lịch cứ 200m có một tàu neo đậu.

Đến khi du lịch phát triển, ngư dân đã bị dồn lại. Bây giờ nhìn cả 2km biển không có một bãi thuyền nào.

Giờ chúng tôi yêu cầu tha thiết, nếu muốn ngư dân chuyển nghề thì cũng phải lấy an sinh làm đầu. Nói thật chúng tôi có bến thì còn kiếm được vài đồng, nhưng đi chỗ khác kiếm ăn không được”.

“Nếu chuyển đi chỗ khác tức là chúng tôi phải chạy thuyền máy ra nơi khác, khi đó tốn ít nhất 50.000 đồng, một tháng đi 20 ngày tốn 1 triệu, tính thêm các khoản khác thì mỗi tháng mất 2 triệu. Với ngư dân mất thêm 2 triệu một tháng là cả vấn đề.

Chúng tôi đồng tình làm du lịch, nhưng chúng tôi cũng phục vụ du lịch. Đánh con cá vào bán cũng là làm du lịch. Chúng tôi tha thiết đề nghị tỉnh xem xét để lại 1km ven biển, tiếp tục hỗ trợ chăm lo cho ngư dân đi biển” - ông Chiến kiến nghị.

Một số ngư dân còn đề nghị không nhận tiền hỗ trợ, chỉ đề nghị giữ lại bãi biển để làm bến cho ngư dân lấy chỗ đưa thuyền mủng ra vào.

Bí thư Thanh Hóa nhận khuyết điểm

Phúc đáp các ý kiến của ngư dân, ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa cho biết ông đã nghe nguyện vọng của bà con.

“Có bà con đề nghị để lại 500m bờ biển, có bà con đề nghị 1km bờ biển, có bà con đề nghị để lại 1,5km bờ biển. Tôi đã nghe hết” - ông Chiến nói.

“Tôi gom lại ý kiến bà con thế này. Thứ nhất, quy hoạch bãi biển đẹp bà con đồng tình. Thứ hai, bà con đề nghị để lại nhiều nhất 1,5km bờ biển. Thứ ba, nếu có vấn đề vi phạm pháp luật, bà con đề nghị cơ quan của tỉnh giơ cao đánh khẽ” - ông Chiến nói.

Ông Chiến cho rằng việc như mấy ngày qua là đáng tiếc. "Dù bất cứ góc độ nào, là người lãnh đạo cao nhất, tôi thấy bản tôi có khuyết điểm, trách nhiệm lớn với bà con ngư dân Sầm Sơn", ông nói.

Ông Chiến cũng cho biết: "Trong những ngày qua có nhiều thông tin không chính xác. Tôi khẳng định bờ biển là của đất nước chúng ta, bờ biển phải được quản lý bằng quy hoạch. Không có chuyện tỉnh thu biển, thu bờ biển để giao cho bất cứ đơn vị nào".

Ông Trịnh Văn Chiến - ủy viên trung ương Đảng, bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa (đứng trong ảnh) phát biểu tại buổi đối thoại với ngư dân thị xã Sầm Sơn, sáng 7-3 - Ảnh: Hà Đồng.
Ông Trịnh Văn Chiến - Bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa (đứng) phát biểu tại buổi đối thoại với ngư dân thị xã Sầm Sơn - Ảnh: Hà Đồng

Theo Bí thư Chiến, Sầm Sơn là bãi biển đẹp của cả nước, đã có tiếng cả trăm năm nay, nhưng khai thác chưa thật sự hiệu quả tiềm năng, thế mạnh. Vì vậy tỉnh mới có chủ trương cải tạo đường Hồ Xuân Hương để đưa bãi biển Sầm Sơn thành bãi biển đẹp nhất của cả nước.

"Hình ảnh của Thanh Hóa có tốt đẹp hay không, Sầm Sơn có tốt đẹp hay không thì hình ảnh bà con, hình ảnh Sầm Sơn là hết sức quan trọng" - ông Chiến nói tiếp. 

Ông Chiến cho biết tỉnh Thanh Hóa bây giờ mới làm chính sách di dời bến bãi.

"Tỉnh đã ban hành cơ chế chính sách di dời bến bãi rất ưu đãi, vượt nhiều lần quy định về chính sách hiện nay. Nhiều bà con muốn nhận tiền nhưng do một bộ phận lôi kéo nên chưa nhận tiền. Tôi cũng nhận thấy còn một bộ phận người dân chưa đồng tình" - ông Chiến nói.

Nghe đến đây, lập tức dưới hội trường nhiều ngư dân lên tiếng cho rằng nói người dân muốn nhận tiền đền bù là chưa đúng. 

"Cơ bản đa số bà con chưa đồng tình với chủ trương chính sách của tỉnh. Tôi nói lại vậy được chưa?" - ông Chiến hỏi lại.

Dưới hội trường, ngư dân đồng thanh: "Nói vậy mới đúng".

Theo ông Chiến, thứ nhất, chủ trương của Chính phủ, của tỉnh là đúng, là vì Sầm Sơn nhưng bà con ở Sầm Sơn chưa thông.

Thứ hai, chủ trương có từ lâu, trung ương có từ 11 năm nay, còn về tỉnh thực hiện chủ trương từ năm 2010, nhưng chính sách mới ban hành từ 1-3-2016, mới được có 7 ngày.

Do thời gian ngắn nên việc tuyên truyền, vận động tới bà con hiểu chính sách, thấy được chính sách còn nhiều khó khăn. Thời gian ngắn bà con chưa hiểu hết.

"Thứ ba, để chuẩn bị cho buổi tiếp bà con hôm nay, tôi đã yêu cầu Văn phòng tỉnh ủy, UBND tỉnh rà lại tất cả các văn bản chỉ đạo về Sầm Sơn trong nhiều năm nay, xem có bao nhiêu văn bản về di dời bãi biển.

Qua rà lại có một số văn bản, nhưng tuyệt đối không có văn bản nào nêu rõ ngày nào phải di dời bến thuyền", ông Chiến nói. 

Từ mấy lý do trên, ông Chiến nói tỉnh thống nhất giải quyết việc này như sau: "Thứ nhất, bà con nào đồng ý thì nhận tiền trước ngày 15-4. Thứ hai, bà con nào chưa đồng ý thì cứ làm bình thường như lâu nay, cứ đi thuyền, cứ khai thác.

Vì thường trực Tỉnh ủy đã nói, tìm bến đỗ mới đảm bảo hạ tầng kỹ thuật, tổ chức ngư trường... rồi mới thực hiện. Thứ ba, các cấp tại thị xã Sầm Sơn đảm bảo cuộc sống bình yên cho người dân".

Ông Chiến cũng nói sẽ cho điều tra, xử lý nghiêm các tổ chức vi phạm theo quy định nhà nước.

"Hôm nay tôi đề nghị, nếu ai tìm được văn bản nói đến ngày nào di dời bến thuyền gửi đến cho tôi, tôi sẽ xử lý đến nơi đến chốn" - ông Chiến quả quyết.

Các ngư dân vui mừng khi Bí thư tỉnh ủy Thanh Hoá tuyên bố bà con tiếp tục về làm việc bình thường, chưa thực hiện di dời bến bãi - Ảnh: Xuân Long
Các ngư dân vui mừng khi Bí thư tỉnh ủy Thanh Hoá tuyên bố bà con tiếp tục về làm việc bình thường, chưa thực hiện di dời bến bãi - Ảnh: Xuân Long

Phát biểu kết luận buổi đối thoại, ông Trịnh Văn Chiến khẳng định đã cho rà soát tất cả các văn bản do Tỉnh ủy và UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành nhiều năm nay, tuy nhiên tuyệt đối không có văn bản nào nói tới việc ấn định thời gian di dời bến thuyền của ngư dân.

Về nguyện vọng giữ lại 1,5km bờ biển để neo thuyền của bà con ngư dân, ông Trịnh Văn Chiến khẳng định: "Tỉnh không có chủ trương thu hồi cái này thì từ nay bà con cứ neo đậu bình thường, ra khơi đánh cá bình thường thôi”.

Ông Chiến vừa dứt lời hàng nghìn người dân reo hò, vỗ tay tán thưởng.

Bí thư tỉnh ủy cũng khẳng định cấp ủy chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở tại thị xã Sầm Sơn, đặc biệt các cơ quan bảo vệ pháp luật luôn chỉ đạo duy trì cuộc sống bình yên cho người dân, đồng thời sẽ điều tra, xử lý nghiêm mình những tổ chức, cá nhân vi phạm, đảm bảo cho người dân yên tâm làm ăn, sinh sống.

Các ngư dân vui mừng sau khi kết thúc buổi đối thoại - Ảnh: Xuân Long
Các ngư dân vui mừng sau khi kết thúc buổi đối thoại - Ảnh: Xuân Long

Chủ trương xã hội hóa

Trước đó, đề cập đến dự án quy hoạch “không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương”, dự án sử dụng đất biển, bến bãi biển bị người dân phản đối, chiều dài 3,5km, ông Nguyễn Đức Quyền, phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết dự án này có tổng mức đầu tư 316 tỉ đồng.

Ông Quyền cho biết tỉnh Thanh Hóa có chủ trương xã hội hóa và hiện nay đã chọn nhà đầu tư và đang triển khai xây dựng. Dự kiến hoàn thành trước 30-3-2016 để phục vụ mùa du lịch. Sau khi hoàn thành nhà đầu tư sẽ khai thác, kinh doanh trong phạm vi các ki-ốt phục vụ tắm biển.

“UBND thị xã Sầm Sơn sẽ quản lý toàn bộ các công trình công cộng. Người dân Sầm Sơn vẫn tiếp tục đăng ký kinh doanh dịch vụ du lịch. Biển Sầm Sơn vẫn là biển chung của người dân, chứ không phải như một số thông tin là nhà đầu tư quản lý toàn bộ khu vực bãi biển.

Mục đích dự án nhằm cải thiện hình ảnh, cảnh quan để biến Sầm Sơn thành đô thị du lịch hiện đại, thân thiện và Sầm Sơn sớm trở thành đô thị du lịch trọng điểm của quốc gia. Do đó tỉnh quyết định đầu tư” - ông Quyền nói.

Vợ một ngư dân phát biểu tại buổi đối thoại - Ảnh: Xuân Long
Vợ một ngư dân phát biểu tại buổi đối thoại - Ảnh: Xuân Long

Theo ông Quyền, dự án “không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương” gồm 13 khu chức năng gồm các công trình phục vụ du khách tắm biển, quán bar, giải khát, khu vui chơi giải trí kết hợp công viên cây xanh, vườn hoa bố mùa, công viên cây tạo hình, khu thể dục thể thao, không gian điêu khách, quảng trường tâm linh, lối lên xuống, khu nhạc nước…

Chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể

Ông Quyền cho biết số ngư dân bị ảnh hưởng bởi dự án, theo báo cáo của UBND thị xã Sầm Sơn, thì 4 địa bàn phường Trường Sơn, Trung Sơn, Bắc Sơn và xã Quảng Cư có 705 bè mủng đang thực hiện khai thác biển với công suất 8,9,20CV là chủ yếu.

Để thực hiện việc sắp xếp lại nghề cá của Sầm Sơn, tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ cho ngư dân, thực hiện theo thông tư 02-2006 của Bộ Thủy Sản (nay là Bộ NN&PTNT).

Theo đó chủ trương hạn chế và tiến tới cấm khai thác với các thuyền công suất dưới 30CV khai thác đánh bắt gần bờ. Tại Thanh Hóa số tàu thuyền công suất nhỏ còn rất nhiều, tuy nhiên chưa có chính sách chuyển đổ.

“Chính sách thì có từ 2005 nhưng đến nay tỉnh chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể, nếu dùng mệnh lệnh hành chính mà cấm dân là khó khăn. Chính phủ chưa có chính sách, tỉnh cũng chưa có chính sách nên mới có chủ trương hạn chế thuyền dưới 30CV đánh bắt gần bờ” - ông Quyền nói.

Rất nhiều ngư dân đã tới hội trường dự đối thoại từ sớm
Rất nhiều ngư dân đã tới hội trường dự đối thoại từ sớm

Theo ông Quyền, mới đây tỉnh đã có chính sách hỗ trợ. Đây là chính sách riêng ban hành riêng cho 3 phường và xã Quảng Cư chịu ảnh hưởng bởi dự án.

Hỗ trợ tàu thuyền có công suất dưới 20CV. Tức là không đóng mới, phát triển và tiến tới không còn phương tiện công suất dưới 20CV khai thác ven bờ. 70 triệu đồng/bè. Và 50 triệu đồng/mủng.

Hỗ trợ hộ gia đình theo khẩu thực tế, hỗ trợ ổn định trong 6 tháng, tiền tương đương 30kg gạo tẻ/tháng. Hỗ trợ hộ gia đình có 12 triệu đồng/bè, 8 triệu đồng/mủng chi phí học nghề. Thưởng 10 triệu đồng/ thuyền bè nêu các hộ gia đình giải vãn trước 15-3

Như vậy tổng mức hỗ trợ có bè sau khi giải vãn thuyền bè là 82 triệu đồng, mủng là 62 triệu đồng.

Chính sách thứ hai là hỗ trợ đóng tàu mới từ trên 30CV đến dưới 400CV. Hỗ trợ đầu tư vay tín dụng. Tỉnh xác định tương đương 35% giá trị đóng mới tàu, từ trên 100 triệu đến 250 triệu đồng và lãi suất 7%/năm trong vòng 5 năm. Chính sách chung là 3% nhưng tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ là 7%.

Siết chặt an ninh

Buổi đối thoại bắt đầu từ 8g30 nhưng từ 7g sáng hàng trăm ngư dân đã đổ về hội trường Trung tâm bồi dưỡng thanh thiếu niên thị xã Sầm Sơn. 

Rất đông người dân Sầm Sơn đổ về khu vực hội trường Trung tâm bồi dưỡng thanh thiếu niên thị xã Sầm Sơn để the dõi buổi đối thoại - Ảnh: Hà Đồng

Nhiều ngư dân cho biết đây là cơ hội để họ nói lên những bất cập trong việc triển khai của các cấp chính quyền liên quan đến dự án quy hoạch "không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương" mà người dân không có lộ trình thích ứng chuyển đổi nghề.

Trước và trong buổi đối thoại, các lực lượng giữ gìn trật tự cũng được tăng cường.

Đúng 8g sáng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến, đã có mặt.

Đúng 8g30 buổi đối thoại bắt đầu. Ông Đỗ Trọng Hưng, phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa cho biết buổi đối thoại nhằm lắng nghe ý kiến bà con, chia sẻ và tìm cách giải quyết liên quan đến việc thực hiện dự án quy hoạch "không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương".

“Buổi gặp mặt là để đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, các đồng chí lãnh đạo tiếp tục lắng nghe ý kiến, bàn biện pháp tháo gỡ nhằm đưa thị xã Sầm Sơn tiếp tục phát triển” - ông Hưng nói.

Từ ngày 26-2 đến ngày 2-3, nhiều công dân của xã Quảng Cư và phường Trung Sơn (thị xã Sầm Sơn) kéo lên trước cổng trụ sở UBND tỉnh Thanh Hóa để phản đối việc chính quyền giao mặt bằng cho doanh nghiệp (Tập đoàn FLC) khai thác tuyến bờ biển sầm uất nhất Sầm Sơn.

 

X.LONG - HÀ ĐỒNG - L.HOÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp