Phương tiện khai thác cát trái phép ở Cần Giờ bị Bộ đội biên phòng TP.HCM tạm giữ - Ảnh: NGUYỄN ĐỨC THẮNG
Các cơ quan chức năng chăm xử phạt vi phạm một lần hoặc bắt quả tang khai thác cát trái phép nhưng ngại xác minh trường hợp đó đã vi phạm nhiều lần chưa. Trong khi nếu cộng dồn các lần vi phạm thì có cơ sở để xử lý hình sự
Ông Phan Anh Minh (phó giám đốc Công an TP.HCM)
Theo ông Nhân, đây là giải pháp vừa đảm bảo an ninh quốc phòng trên biển vừa xử lý tình hình khai thác cát trái phép...
Vi phạm năm sau... cao hơn năm trước
Báo cáo tại hội nghị, ông Lê Minh Dũng, chủ tịch UBND H.Cần Giờ, cho biết tình trạng khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ ở mức báo động, năm sau cao hơn năm trước.
Năm 2015, các đơn vị phát hiện 12 trường hợp khai thác cát trái phép thì năm 2016 tăng lên 26 trường hợp, năm 2017 là 48 trường hợp và năm 2018 lên đến 65 trường hợp.
Ông Dũng nhìn nhận việc khai thác cát trái phép không chỉ gây mất an ninh trật tự, ô nhiễm môi trường, nguy cơ sụt lún đất, mà còn ảnh hưởng lớn đến môi trường sống và tính mạng của người dân.
Thế nhưng công tác kiểm tra xử lý còn nhiều bất cập, người khai thác có nhiều thủ đoạn tinh vi như cử người cảnh giới, thực hiện vào ban đêm... Khi bị bắt quả tang, có đối tượng bỏ chạy, nhận chìm tàu, thậm chí chống đối người thi hành công vụ. Ít nhất đã có 3 trường hợp chống đối người thi hành công vụ được ghi nhận...
Không chỉ ở Cần Giờ, các vùng giáp ranh trên các tuyến đường thủy khu vực Q.2, Q.9 giáp ranh với Đồng Nai cũng có tình trạng khai thác cát trái phép.
Ông Phan Anh Minh, phó giám đốc Công an TP, thẳng thắn chỉ ra rằng có lỗi chủ quan của các lực lượng chức năng trong xử lý khai thác cát trái phép khiến tình hình này chưa giảm. Cụ thể, ông Minh dẫn hầu hết trường hợp vi phạm khai thác cát do các công ty, doanh nghiệp thực hiện, nhưng khi xử phạt lại tập trung xử phạt cá nhân.
"Trong khi các cá nhân được thuê khai thác cát lại không phải người ở địa phương. Chúng ta không chủ động xác minh nơi cư ngụ mà chỉ trông chờ vào việc bắt quả tang" - ông Minh nói.
Đề cập đến việc các doanh nghiệp đối phó, ông Minh cho rằng cái dở là các lực lượng chức năng không vạch trần những thủ đoạn đối phó đó. Các doanh nghiệp khai thác cát thường ký hợp đồng cho thuê phương tiện đối với các cá nhân khai thác cát để đổ hết trách nhiệm cho các cá nhân đó.
Trong khi đó, việc doanh nghiệp, công ty cho thuê phương tiện vận chuyển cát là loại hình kinh doanh vận tải có điều kiện. "Khi cho cá nhân không đủ điều kiện thuê phương tiện để khai thác, vận chuyển cát thì doanh nghiệp, công ty cũng đã vi phạm có thể xử lý được. Nhưng việc này các cơ quan chức năng cũng bỏ qua" - ông Minh phân tích.
Ngoài các yếu tố trên, ông Minh còn cho rằng các cơ quan chức năng cũng bỏ qua việc tận dụng thiết bị định vị hàng hải để xử lý các trường hợp khai thác cát trái phép. Trong khi thông qua các thiết bị này, cơ quan chức năng có thể kiểm tra, xác minh từng phương tiện chở cát đi đâu, cập bến chỗ nào... để lên phương án xử lý.
Cần lập tổ liên ngành tỉnh - thành
Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng với tình trạng khai thác cát như trên nếu không có giải pháp kịp thời, hiệu quả, con số vi phạm trong năm 2019 có thể lên đến hàng trăm trường hợp. Theo ông Nhân, muốn xử lý rốt ráo khai thác cát trái phép thì phải nắm rõ được quy luật hoạt động của các đơn vị, cá nhân khai thác cát.
Ông Nhân tán thành với đề xuất lập các chốt di động trên sông, cửa biển như nhà giàn nhỏ để vừa kiểm soát việc lưu thông các luồng hàng hải, đảm bảo an ninh quốc phòng, vừa bao quát, xử lý tình hình khai thác cát trái phép.
Về vấn đề này, ông Trần Vĩnh Tuyến, phó chủ tịch UBND TP, yêu cầu Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng TP sớm trình phương án cụ thể, đồng thời đồng ý trước mắt Bộ đội biên phòng TP dùng các tàu làm "chốt di động" tại những khu vực trọng điểm.
Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ, đại tá Tô Danh Út - chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng TP - cho biết đang nghiên cứu vị trí đặt nhà giàn trên vùng biển Cần Giờ, cách đất liền khoảng 4-5 hải lý và sớm trình phương án cụ thể cho cấp thẩm quyền của TP.
Liên quan đến việc xử lý nạn khai thác cát trái phép, ngoài tổ liên ngành xử lý "cát tặc" đã duy trì trên địa bàn TP.HCM, ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị cần lập tổ liên ngành cấp tỉnh thành nhằm kịp thời thông tin, hỗ trợ lẫn nhau xử lý khai thác cát trái phép.
Riêng về các kiến nghị sửa đổi, bổ sung nghị định 33 năm 2017 (về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản) theo hướng tăng nặng hình thức xử lý, ông Nhân yêu cầu UBND TP xây dựng dự thảo những điều cần sửa đổi, bổ sung trên cơ sở tham khảo ý kiến các tỉnh thành giáp ranh để sớm trình các cấp thẩm quyền.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận