Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên thăm hỏi gia đình Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai - Ảnh: THẢO LÊ
Biệt động Sài Gòn ra đời trong cao trào tổng khởi nghĩa tháng 8-1945. Các chiến sĩ vừa làm nhiệm vụ tác chiến tiêu diệt địch, vừa làm trinh sát, liên lạc, phát động quần chúng, gây dựng cơ sở.
Lịch sử Biệt động Sài Gòn gắn liền những tên tuổi mà cuộc đời và chiến công của họ đã đi vào huyền thoại như Phạm Văn Hai, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Văn Tăng, Trần Văn Ðang, Lê Văn Việt, Ðỗ Tấn Phong,...
Theo đó, đoàn đại biểu đã tham quan quán cà phê Đỗ Phủ - cơm tấm Đại Hàn tại căn nhà số 113A Đặng Dung, phường Tân Định, quận 1. Đây là một trong những căn nhà năm xưa được chiến sĩ biệt động, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai (tức Năm Lai, Mai Hồng Quế…) chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Đoàn tham quan nghe gia đình ông Trần Văn Lai kể về những chiến công hào hùng của Biệt động Sài Gòn và thưởng thức các món ăn đặc sản của quán cà phê Đỗ Phủ - Ảnh: CẨM NƯƠNG
Đoàn đã tham quan các căn hầm bí mật, di vật của rất nhiều "trận đánh để đời" của lực lượng Biệt động Sài Gòn. Đoàn cũng thưởng thức các món ăn đặc sản của quán cà phê Đỗ Phủ.
Bà Đặng Thị Thiệp (vợ ông Trần Văn Lai) chia sẻ về quá trình ông Lai bí mật đào hầm và giữ vũ khí trong nội thành Sài Gòn từ năm 1962 đến năm 1968. Trước năm 1975, quán cà phê Đỗ Phủ - cơm tấm Đại Hàn được giao cho vợ chồng ông Đỗ Miễn bán cơm tấm, cà phê, nhưng thực chất là nơi cất giữ, chuyển tài liệu mật, thư từ ra chiến khu.
Bí thư Nguyễn Văn Nên tham quan di vật của rất nhiều "trận đánh để đời" của lực lượng Biệt động Sài Gòn - Ảnh: THẢO LÊ
Sau đó, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cùng đoàn đến tham quan Bảo tàng Biệt động Sài Gòn, tại số 145 Trần Quang Khải. Nơi này trước đây là cơ sở hoạt động bí mật của lực lượng Biệt động Sài Gòn dưới sự quản lý của ông Trần Văn Lai.
Bảo tàng có diện tích hơn 100m2, trưng bày hơn 100 hiện vật của những người lính biệt động gồm các đồ vật như bàn, ghế, tủ... trong ngôi nhà vẫn còn nguyên và được bài trí gần giống trước kia.
Đại tá Trần Đức Thơ chia sẻ với Bí thư Nguyễn Văn Nên về những chiến công của Biệt động Sài Gòn - Ảnh: THẢO LÊ
Tại đây, đoàn đại biểu đã nghe đại tá Trần Đức Thơ, chủ nhiệm Câu lạc bộ truyền thống kháng chiến Khối vũ trang Biệt động Sài Gòn - Gia Định, kể về những chiến công hào hùng của Biệt động Sài Gòn.
Trân quý trước những hy sinh của các anh hùng, ông Nguyễn Văn Nên cho biết thế hệ sau luôn luôn tự hào, noi gương để phát huy truyền thống dân tộc ta. Người đứng đầu TP.HCM vui mừng khi các thế hệ truyền nhân của chiến sĩ Biệt động Sài Gòn rất quyết tâm giữ gìn và tiếp tục sự nghiệp của cha ông để lại.
Theo Bí thư Nguyễn Văn Nên, phải tạo điều kiện thuận lợi cho thế hệ kế cận trở thành hội viên của Câu lạc bộ truyền thống kháng chiến Biệt động Sài Gòn, để tiếp tục phát huy truyền thống dân tộc.
Bí thư Nguyễn Văn Nên trao quà động viên các anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân của Biệt động Sài Gòn - Ảnh: CẨM NƯƠNG
Hiện nay, UBND quận 1 cùng Công ty Lữ hành Fiditour - Vietluxtour tổ chức tour du lịch "Biệt động Sài Gòn" hằng tuần để mang đến cho du khách trong và ngoài nước những hồi ức đẹp về văn hóa lịch sử TP.HCM nói chung và Biệt động Sài Gòn nói riêng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận