Diễn đàn là cơ hội để lãnh đạo TP.HCM trao đổi, thảo luận với các chuyên gia, các nhà khoa học, các tổ chức, các doanh nghiệp trong và ngoài nước về chuyển đổi số và kinh tế số - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đột phá thể chế, huy động tối đa các nguồn lực
Phát biểu khai mạc tại diễn đàn, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết chúng ta đang sống ở thế giới có hai nền kinh tế: kinh tế kỹ thuật số và truyền thống.
Trong đó kinh tế số đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, áp đảo. TP.HCM đặt mục tiêu nền kinh tế số đến năm 2025 sẽ chiếm 25% và đến năm 2030 chiếm 40% GRDP TP.HCM.
Bí thư Thành ủy TP.HCM phát biểu tại Diễn đàn kinh tế TP.HCM năm 2022 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tuy nhiên, đại dịch làm đứt gãy sự tăng trưởng, đà tăng trưởng mạnh mẽ của TP, nhưng cũng cho thấy vai trò của công nghệ số đối với hoạt động chống dịch, hồi phục kinh tế.
"Với tinh thần đó, diễn đàn kinh tế có ý nghĩa rất quan trọng với TP.HCM. Chúng tôi muốn lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp nhằm kiến tạo mô hình phát triển kinh tế TP.HCM lâu dài", Bí thư Nên nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Xuân Thắng, ủy viên Bộ Chính trị, chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương, giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cũng khẳng định tiềm năng và lợi thế của TP.HCM trong phát triển nền kinh tế số.
Ông Nguyễn Xuân Thắng phát biểu - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Diễn đàn này là một cụ thể hóa chủ trương của Đảng và Chính phủ về phát triển kinh tế số. Ông Thắng cũng chỉ ra những yếu tố cần thiết của quá trình chuyển đổi số bền vững.
Trong đó, cần có sự đột phá về mặt thể chế, trọng tâm là về mặt pháp luật, tháo gỡ những khó khăn để huy động tối đa các nguồn lực. Thứ hai là xây dựng thể chế theo đổi mới sáng tạo, mà cụ thể hơn là khuyến khích bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo.
Về nguồn lực con người, trong đột phá không chỉ chú trọng nguồn lực chất lượng cao, mà nguồn lực từ nhà quản trị, kinh doanh có tư duy đột phá, thích ứng với đổi mới và có năng lực làm việc trong môi trường quốc tế.
Ngoài ra, trong phát triển hạ tầng như hạ tầng giao thông, đô thị, giáo dục, đào tạo. Trong đó, hạ tầng về công nghệ thông tin, hạ tầng số để hỗ trợ quá trình chuyển đổi số nhanh chóng. Bên cạnh công ty đổi mới sáng tạo, hệ thống tài chính số, công nghệ tài chính cũng phải đi theo.
"Sau đại dịch đã bộc lộ xu hướng nổi bật là nền kinh tế không tiếp xúc, không chạm. Ngay cả những ngành nghề truyền thống muốn tồn tại cũng phải dựa trên nền tảng kinh tế số. Do đó, sự bắt đầu rất sớm này, TP.HCM tiếp tục là đầu tàu vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thời gian tới. Diễn đàn kinh tế TP.HCM mang tính chất hành động rất cao để thực hiện hóa mục tiêu đó", ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.
Nhiều doanh nghiệp đã đến diễn đàn từ sớm để tham quan các gian hàng triển lãm - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Phó thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao sáng kiến của TP.HCM khi tổ chức diễn đàn này. Kinh tế số, chính phủ số và xã hội số là xu thế tất yếu của thế giới, Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc.
Để chuyển đổi số thành công, phó thủ tướng đề nghị TP.HCM cần thực hiện những công việc cụ thể gồm: tiếp tục đẩy mạnh môi trường đầu tư; tăng cường hợp tác trao đổi, học hỏi hợp tác với các đối tác, bạn bè quốc tế và vận dụng linh hoạt; triển khai nhanh chóng các chiến lược quốc gia về kinh tế số, chuyển đổi số; nâng cao nhận thức trình độ, kỹ năng nhân lực thông qua chuyển đổi số và kinh tế số và cuối cùng là chú trọng bảo đảm an toàn an ninh mạng…
Lắng nghe góp ý của chuyên gia quốc tế
Diễn đàn kinh tế TP.HCM là sự kiện thường niên, cơ hội để lãnh đạo TP.HCM trao đổi, thảo luận với các chuyên gia, các nhà khoa học, các tổ chức, các doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm tổng hợp các nhiệm vụ cụ thể giúp thành phố phát triển kinh tế bền vững.
Ông Phan Văn Mãi, chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết năm nay với chủ đề kinh tế số, TP.HCM kỳ vọng thông qua diễn đàn sẽ xác định được tầm nhìn và đưa ra thông điệp của thành phố về định hướng xây dựng, phát triển TP.HCM thành đô thị thông minh.
TP.HCM hiện được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế số. TP.HCM là một trong những địa phương có số dân sử dụng điện thoại thông minh cao nhất nước.
Giới thiệu công nghệ mới tại triển lãm - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Hạ tầng cáp quang, Internet băng thông rộng, hạ tầng di động 3G, 4G phủ 100% phường, xã, thị trấn. Trong năm 2021, TP.HCM xếp vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh, là điều kiện thuận lợi để tiếp tục chuyển đổi số và phát triển kinh tế số mạnh mẽ.
Trong kế hoạch phát triển TP.HCM đến năm 2025, tầm nhìn 2030, mục tiêu tổng quát về chuyển đổi số của TP.HCM là phát triển chính quyền số, kinh tế số, chuyển đổi số trong các ngành với tinh thần: là đầu tàu kinh tế của cả nước, đi đầu trong thực hiện mô hình tăng trưởng mới.
TP.HCM đặt tầm nhìn đến năm 2030 trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, của các doanh nghiệp số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số.
Theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế và xã hội TP.HCM giai đoạn 2022 - 2025, đến hết năm 2022, TP.HCM sẽ khắc phục các hệ lụy, khôi phục những đứt gãy chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng trên cơ sở thích ứng an toàn, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh COVID-19.
Từ năm 2023 đến 2025, TP.HCM tiếp tục kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh; giải quyết các điểm nghẽn đối với sự phát triển nhanh và bền vững của TP.HCM, tập trung mọi nguồn lực để phát huy các thế mạnh của thành phố.
Các nhà đầu tư, chuyên gia quốc tế quan tâm đến chính sách mới về kinh tế số của TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Diễn đàn năm nay xoay quanh 4 chủ đề:
- Bức tranh chung về chuyển đổi số trong doanh nghiệp ở TP.HCM, tầm nhìn và khát vọng đến năm 2030
- Thiết kế chính sách phù hợp cho phát triển kinh tế số tại TP.HCM: định hướng 2025 và tầm nhìn 2030
- Chuyển đổi số để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp: thách thức và giải pháp
- Chuyển đổi số trong doanh nghiệp: kinh nghiệm và bài học thành công của doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Nhiều công nghệ số đã được doanh nghiệp đem đến giới thiệu tại diễn đàn
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận