Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân trò chuyện bên lề với các nhà đầu tư trong hệ sinh thái khởi nghiệp - Ảnh: N.BÌNH
Đây là những câu hỏi được Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đặt ra tại Diễn đàn "Kết nối Việt Nam trong và ngoài nước" diễn ra tại TP.HCM sáng 26-6.
Theo thống kê của Vietnam startup Ecosystem, trong hơn hai năm qua, TP.HCM đã hình thành 760 startup, trong đó khoảng 46%, tương đương 350 startup, đang tham gia các chương trình hỗ trợ của các tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố.
Ngoài ra, có khoảng 49% startup đã tìm được nhà tài trợ và đầu tư, trong đó, có khoảng 70% là đang ở các giai đoạn đầu tiên của quá trình gọi vốn đầu tư (seed-funding, series A).
Số liệu cũng cho thấy số người sáng lập trong mỗi dự án chỉ vài ba người, vốn khởi nghiệp khá thấp, hơn 50% khởi nghiệp chỉ với số vốn dưới 1 tỉ đồng, số dự án chưa nhận được tài trợ còn lớn và 31% vẫn đang tìm nhà đầu tư để được tài trợ.
Các startup của TP.HCM chủ yếu tập trung vào các ngành lĩnh vực công nghệ thông tin, giáo dục đào tạo và nông nghiệp.
Hầu hết các startup hiện nay đều mới, chỉ có "tuổi đời" hơn 1 năm, đang ở giai đoạn tìm hiểu và đánh giá thị trường, điều này cũng đồng nghĩa chưa có nhiều startup phát sinh doanh thu, lợi nhuận.
"Startup ở TP.HCM hai năm qua tuy phát triển mạnh so với cả nước nhưng về kích cỡ, số lượng và chiều sâu còn nhiều điều phải bàn. Các startup đang thiếu sự chia sẻ kinh nghiệm kinh nghiệm thực tế từ các thành công quốc tế, lẫn trong nước", ông Nguyễn Kỳ Phùng, Phó giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ TP.HCM, nhận xét.
Chừng một nửa startup tại TP.HCM khởi nghiệp với số vốn dưới 1 tỉ đồng - Ảnh: NHƯ BÌNH
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đặt ra các câu hỏi liệu thu nhập thấp thì có thể khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo được không? Hay phải dân số thật đông mới làm khởi nghiệp thành công?
"Vì sao thành phố phải quan tâm khởi nghiệp sáng tạo khi thu nhập đầu người rất thấp, chỉ khoảng 2.300 USD/người. Nhiều nước đã cho thấy vấn đề không phải là dân số đông mà chính nền tảng phải tốt, có khả năng về công nghệ, kết nối tài chính…", bí thư Nguyễn Thiện Nhân nói.
Thừa nhận một trong những khó khăn của khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam là hoạt động nghiên cứu khoa học chưa gắn với thị trường, do đó, ông Nhân cho rằng sắp tới phải làm thế nào để các doanh nghiệp cùng thương mại hóa, xây dựng cơ chế chính sách kết nối doanh nghiệp.
Bên cạnh tư duy phản biện, người làm khởi nghiệp cũng phải học văn hóa thất bại, bởi thất bại không hề đáng xấu hổ, đó là "mẹ của thành công".
"Trong quá trình chia sẻ, các diễn giả cũng nên chia sẻ cả thất bại, để những bạn trẻ khởi nghiệp, nhà làm chính sách cảm thấy yên tâm hơn, vì đã khởi nghiệp, thất bại là không thể tránh khỏi. Nói về thành công, nhưng các vị hãy chia sẻ thêm thất bại để chúng tôi tự tin hơn", ông Nhân nói.
Hơn 90 triệu USD cho khởi nghiệp, nghiên cứu đổi mới- sáng tạo
Cũng theo đại diện Sở Khoa học & công nghệ TP.HCM, thời gian qua, TP.HCM tập trung hỗ trợ hệ sinh thái, đổi mới sáng tạo kết nối 24 cơ sở ươm tạo hỗ trợ giữa nhà nước, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, hình thành 12 không gian làm việc chung với tổng diện tích 22.000m2, 145 chuyên gia, cố vấn khởi nghiệp, 40 quỹ đầu tư trong đó 13 quỹ đầu tư mạo hiểm của tư nhân...
Trong giai đoạn 2016-2017, ngân sách chi cho hoạt động khoa học và công nghệ của TP.HCM khoảng 90 triệu USD, trong đó, kinh phí đầu tư cho phát triển khoa học & công nghệ chiếm tỉ trọng 55,2%.
Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy các doanh nghiệp quan tâm đến đổi mới sáng tạo nhưng chủ yếu phục vụ cho mục tiêu ngắn hạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận