Bí thư TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng Việt Nam có thể công bố hết dịch COVID-19 - Ảnh: Quochoi.vn
Trong phiên thảo luận kinh tế - xã hội thứ hai của Quốc hội diễn ra cả ngày 15-6, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu về chủ đề: Việt Nam có thể và cần lập trình quá trình mở lại nền kinh tế, chủ động bảo vệ năng lực sản xuất kinh doanh trong nước, phát huy sức mạnh và động lực kép và sức mạnh của Việt Nam để phát triển kinh tế.
Việt Nam an toàn trong dịch
Điểm lại diễn biến dịch COVID-19 từ lúc khởi phát ở Trung Quốc, cho đến nay đã có gần 8 triệu người nhiễm, ông Nhân cho rằng dịch diễn ra không đồng đều với 4 giai đoạn ở Trung Quốc, châu Âu, Bắc Mỹ, Nam Mỹ, và thế giới có 4 loại nước ở trạng thái nhiễm và có dịch.
Bao gồm những nước đang ở giai đoạn 2, đang tăng tốc lây nhiễm như Mỹ, Ấn Độ, Brazil, Nga, Indonesia và chưa chuyển giai đoạn.
Nhóm nước thứ 2 ở giai đoạn 3, đã tăng cao song đã đạt đỉnh và đang giảm dần như Đức, Pháp, Ý, Hàn Quốc, Malaysia nhưng chưa đạt mức an toàn.
Nhóm thứ 3, đã đạt đỉnh dịch và đạt mức an toàn như Campuchia, Lào, và nhóm nước thứ 4 chưa bao giờ đạt ngưỡng 1.000 người trên 1 triệu dân và thực tế là an toàn ngay từ đầu, trong đó có Việt Nam, Myanmar.
Theo ông Nhân, Việt Nam phòng chống dịch tốt là nhờ những chỉ đạo chung sớm kịp thời, từng địa phương vận dụng và thực hiện theo chỉ đạo, tổng số người nhiễm chưa bao giờ đến 1.000.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân phát biểu sáng 15-6 - Nguồn: THQH
Mở dần với các nước an toàn, công bố hết dịch
"Giờ Việt Nam nên làm gì?", Bí thư Nhân đặt câu hỏi và cho rằng Việt Nam có quan hệ thương mại với nhiều nước nhưng chỉ 17 quốc gua, vùng lãnh thổ là các đối tác quan trọng nhất, chiếm 90% đầu tư nước ngoài, 80% thương mại quốc tế và 80% khách du lịch tới Việt Nam.
"Cần lập trình giám sát mở cửa với 17 đối tác này theo lộ trình thỏa thuận hai bên, thận trọng", ông Nhân nói.
Theo ông, hoàn toàn có cơ sở làm điều này vì hiện 10 trong số 17 quốc gia, vùng lãnh thổ trên đã không còn dịch ở tiêu chí 10.000 người đang điều trị COVID-19 trên 1 triệu dân, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Hong Kong, Đức, Úc... Cần phân công cụ thể việc lập lộ trình mở cửa với 10 đối tác này.
7 nước khác gồm Ấn Độ, Mỹ, Nga, Singapore, Hà Lan, Indonesia, Malaysia hiện chưa an toàn nên chúng ta cần theo dõi và khi có điều kiện sẽ thiết lập lại giao thương.
Việc mở dần lại với các nước, theo ông Nhân, là do số liệu từ các cơ quan dự báo đầu tư nước ngoài vào Việt Nam năm nay có thể giảm 30%, du lịch giảm 50% và thương mại quốc tế giảm 18%.
Do đó, với kết quả chống dịch của Việt Nam, theo bí thư TP.HCM, chúng ta cần công bố hết dịch trong nước với 3 tiêu chí: tỉ lệ người nhiễm trên 1 triệu dân không quá 50 người, thực tế là 3,4 người; tỉ lệ người đang phải điều trị không quá 1 người/1 triệu dân, thực tế chỉ 0,2 người; và không có người chết.
"Bằng lộ trình mở cửa từng bước để vừa khai thác thị trường nước ngoài, khuyến khích đầu tư trong nước, thị trường trong nước phát huy sức mạnh văn hóa, chính trị và kinh tế, ông Nguyễn Thiện Nhân nhận định.
Mở cửa cần kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ
Tranh luận lại với đề xuất của bí thư Nguyễn Thiện Nhân, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) - giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội - cho rằng việc mở cửa phải rất cẩn trọng vì chúng ta đang đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch, đặc biệt từ phía Trung Quốc. Thực tế nhà đầu tư lo lắng chưa có sự an toàn trong tương lai gần, thị trường chứng khoán chưa khởi sắc...
Việc mở cửa theo ông Hiếu, cần phải có quy trình y tế kiểm soát dịch bệnh, quy trình nhập cảnh quốc tế, làm xét nghiệm kháng thể, test nhanh để khách không mang virus vào Việt Nam...
Ông Hiếu cũng cho rằng hệ thống y tế công cộng thời gian qua đã phát huy vai trò nhưng đang suy yếu do chưa được đầu tư đúng mức, vì vậy cần nâng cao chất lượng y tế cấp huyện, xã là chiến lược hiện nay, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa và vùng đặc biệt khó khăn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận