Ông Lê Văn Cơ, ngụ xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, cho biết mô hình có diện tích 6.000m2, gồm 100 bồn nuôi cá chình tuần hoàn áp dụng công nghệ Nhật Bản, đảm bảo nguồn nước sạch 100%.
"Hiện tôi đang thả nuôi 35.000 con giống chia thành hai đợt, trong đó có 13.000 con đã được đối tác kiểm tra chất lượng xong, chờ thời gian xuất khẩu đi Nhật Bản.
Quy trình chăn nuôi tuân thủ nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn Nhật Bản với hệ thống tuần hoàn, môi trường xử lý nước qua nhiều công đoạn", ông Cơ nói.
Đoàn đến thăm Nhà máy chế biến trái cây Nova Thabico áp dụng công nghệ cao, tổng vốn đầu tư 250 tỉ đồng, công suất 168.000 tấn/năm.
Với nguồn cung nguyên liệu dồi dào tại Đồng Tháp và các tỉnh lân cận, nhà máy chế biến sản phẩm như: xoài cấp đông, xoài xay nhuyễn và cô đặc, rau củ cấp đông (bắp, khoai và đậu nành), chuối cấp đông...
Nhà máy Nova Thabico vừa được đưa vào vận hành thử hơn 10 ngày, dự kiến thu hút, giải quyết việc làm cho 1.000 người lao động tại địa phương.
Đại diện nhà máy cũng nêu ra một số khó khăn về đường vận chuyển hàng hóa, tải trọng các cầu thấp hơn tải trọng xe tải; lượng lớn phế phẩm từ 20 - 40 tấn/ngày, nhưng chưa có vị trí tập kết rác và phương án xử lý.
Ông Lê Quốc Phong - bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp - đánh giá cao mô hình nuôi cá chình công nghệ Nhật Bản đầu tiên ở huyện Hồng Ngự và yêu cầu các sở, ngành địa phương quan tâm hỗ trợ phát triển mô hình, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo tính chuyên nghiệp cao.
"Riêng đối với khó khăn về khâu vận chuyển và xử lý phế phụ phẩm của nhà máy chế biến trái cây, tôi đề nghị nhà máy sớm có văn bản đề xuất chủ trương trình UBND tỉnh phê duyệt, đồng thời Sở Giao thông vận tải hỗ trợ hướng dẫn lộ trình lưu thông vận chuyển hàng hóa thông suốt từ nhà máy đi TP.HCM", ông Phong nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận