Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh yêu cầu sớm giải quyết tiền hỗ trợ cho dân và vận dụng chính sách linh hoạt để người khó khăn tiếp tục được nhận tiền hỗ trợ - Ảnh: HÀ MI
Ông Lĩnh kể: "Công nhân nói với tôi ‘con được chính quyền đoàn thể cho lương thực, thực phẩm nên con không có đói mà con không có tiền. Con đang cần tiền hỗ trợ để mua sữa cho con'".
Ông Lĩnh nói rằng ông nêu ra sự việc trên để thấy chính sách hỗ trợ theo nghị quyết 68 của Chính phủ để giúp cho dân có chi phí giải quyết những vấn đề thiết thực trong gia đình. Do vậy, cán bộ cơ sở phải cố gắng, nỗ lực lo cho dân hơn nữa và giải quyết chính sách một cách công bằng.
Tiền chi trả phải làm đồng bộ, không để xảy ra cùng đối tượng được hưởng hỗ trợ nhưng người này có mà người kia không có. Bên cạnh đó, khi áp dụng chính sách hỗ trợ cho người dân phải linh hoạt. Nếu cứng nhắc, khắt khe với các quy định thì nhiều người dân sẽ không nhận được tiền hỗ trợ.
Tại cuộc họp, ông Cao Tiến Dũng - chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - cho rằng gói hỗ trợ, an sinh cho người dân đã được lãnh đạo tỉnh nhắc đi, nhắc lại nhiều lần. Nhưng khi giao xuống cơ sở thực hiện thì ở tổ, khu phố nhận thức khác nhau về việc áp dụng chính sách.
Người được thụ hưởng cũng không nắm hết quyền lợi của mình. Thậm chí, có trường hợp ngâm hồ sơ 2-3 tháng, có hồ sơ bị trả về mà dân không biết tại sao không được hưởng hỗ trợ.
Người lao động ở phường Thanh Bình, TP Biên Hòa nhận tiền hỗ trợ do gặp khó khăn trong đại dịch COVID-19 - Ảnh: A.LỘC
Trước đó, ông Nguyễn Sơn Hùng - phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - cho hay hiện có 113.080 người lao động thuộc diện được hưởng chính sách hỗ trợ theo nghị quyết 68 của Chính phủ nhưng chưa nhận được tiền.
Tính bình quân ở mỗi huyện, thành phố ở tỉnh Đồng Nai có trên 10.000 người chưa nhận được tiền nên "rất day dứt chuyện này".
Lý giải sự chậm trễ khiến tiền hỗ trợ chưa đến tay người dân, Sở Lao động - thương binh và xã hội cho rằng quy định về áp dụng chính sách được hướng dẫn xuống từng địa phương nhưng khi thực hiện không đúng đã gây phiền hà cho dân.
Có nơi chậm trễ 2-3 tháng để dân gọi lên tổng đài. Có trưởng ấp, khu phố ở mỗi nơi hiểu mỗi kiểu, thậm chí hướng dẫn photo đơn để đưa cho dân ở khu phong tỏa nhưng lại bắt dân phải đi in mẫu đơn hoặc phát qua loa vài mẫu đơn…
Tại cuộc họp, ông Cao Tiến Dũng cũng lưu ý khi xảy ra dịch COVID-19 công nhân ngưng việc vẫn có doanh nghiệp không hỗ trợ tiền cho công nhân.
"Vì vậy, ban quản lý các khu công nghiệp và chính quyền mỗi địa phương rà soát doanh nghiệp nào chưa hỗ trợ thì tỉnh áp dụng chính sách hỗ trợ cho công nhân vì đây là quyền lợi của họ" - ông Dũng nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận