Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh cùng Chủ tịch TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ chủ trì cuộc họp báo - Ảnh: ĐĂNG NAM |
Không vội vã
Theo ông Nguyễn Xuân Anh, dự án công trình giao thông qua sông Hàn này đã đặt lên bàn của lãnh đạo TP suốt hơn 1 năm qua và đã được chuẩn bị rất kỹ lưỡng kể từ tháng 10-2015.
Ngay cả Ban Thường vụ Thành ủy cũng đã dành đến 3 phiên họp bàn về việc nên làm cầu hay hầm chui qua sông Hàn: “Vì vậy những ngày qua có nhiều ý kiến cho rằng lãnh đạo TP Đà Nẵng đã hơi vội vã trong việc quyết định làm hầm chui là chưa đúng, thiếu chính xác”.
Theo ông Nguyễn Xuân Anh, dù đã họp bàn 3 phiên dù chỉ cho chủ trương thôi nhưng xét thấy chưa đủ, vậy nên trong tuần tới Ban Thường vụ Thành ủy sẽ tiếp tục ngồi nghe các bên thảo luận cũng như bàn phương án tài chính cho dự án.
Ông Xuân Anh cũng cho biết sẽ cân nhắc, quyết định trên tinh thần vì sự phát triển của thành phố vì tương lai của TP.
"Và khi chúng tôi đã tự quyết định (việc xây dựng hầm), tin rằng điều đó là đúng thì sẽ quyết định làm và chịu hoàn toàn trách nhiệm về quyết định của mình. Chúng tôi không ngồi trên dư luận, không bất chấp dư luận nhưng chúng tôi không chạy theo dư luận”, ông Anh nói.
Bí thư Nguyễn Xuân Anh cũng khẳng định rằng khi TP quyết định đầu tư cái gì cũng phải dựa trên cơ sở là có xâm hại đến lợi ích hay sự phát triển của TP hay? Có làm xấu đi môi trường đầu tư của TP này hay không? Và khi đã xác định đúng rồi thì cứ thế mà đầu tư, triển khai.
Giao thông phải đi trước một bước
Cũng tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Xuân Anh cho rằng với một đô thị đang có tốc độ phát triển rất nhanh như Đà Nẵng, nhất là trong lĩnh vực du lịch dịch vụ thì việc giao thông phải đi trước một bước là điều hoàn toàn tất yếu.
Đồng quan điểm này, chủ tịch TP Đà Nẵng ông Huỳnh Đức Thơ cũng cho rằng việc làm thêm một công trình giao thông vượt sông Hàn trong một vài năm tới là chắc chắn phải làm. Theo ông Thơ, hiện tốc độ tăng trưởng khách du lịch của Đà Nẵng tăng rất cao - lên đến gần 30%.
Mỗi ngày, TP ký cấp giấy phép xây dựng cao ốc từ 3 đến 4 cái, phần lớn là khách sạn và căn hộ cao cấp. Trong khi đó ở khu vực nội ô (quận Hải Châu), lãnh đạo TP đã tính đến việc hạn chế không cho xây dựng cao ốc căn hộ nữa, tất cả chuyển ra các vùng xa hơn.
Với công trình hầm này nếu có nhanh cũng phải cả 10 năm sau mới đưa vào vận hành khai thác và khi đó chắc chắn mới đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Khi mà đô thị Đà Nẵng trong tương lai dự kiến sẽ lên đến 2,5 triệu người thì giao thông đi lại sẽ như thế nào?
Cũng theo ông Thơ: có ý kiến cho rằng nên mở rộng cầu Thuận Phước hoặc cầu sông Hàn thay vì làm hầm như dự tính, tuy nhiên ông Thơ cho biết theo tính toán của các nhà chuyên môn thì việc mở rộng cầu Thuận Phước là không thực hiện được.
Riêng mở rộng cầu sông Hàn thì có thể được nhưng khi ấy vô tình một lượng lớn người và phương tiện tham gia giao thông sẽ đổ dồn vào trục chính nằm giữa trung tâm TP, dẫn đến quá tải các tuyến đường nội ô. Khi ấy làm sao mở rộng đường Lê Duẩn được nữa.
Cũng theo ông Thơ việc quy hoạch làm dự án hầm chui qua sông Hàn đã có từ lâu. Vấn đề bây giờ là làm hầm cong hay thẳng thì chưa quyết mà phải tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến. Mới đây TP chọn thêm một phương án nữa là phương án thẳng nối từ Đống Đa xuống.
Phương án này khắc phục được độ dốc, độ cao, tiết kiệm được tiền vận hành, nhưng ngược lại phải tốn một khoảng hơn 800 tỷ đồng để giải tỏa 210 hộ dân. Hiện TP đang tính toán lại tất cả các phương án trước khi ra quyết định cuối cùng.
Về kỹ thuật làm hầm, theo ông Thơ thì với công nghệ như hiện nay tất cả đều giải quyết được.
Việc làm hầm qua sông Hàn không hoàn toàn giống như làm hầm dìm như làm hầm Thủ Thiêm qua sông Sài gòn vì nước sông Hàn rất cạn (tầm 5 mét) và được làm trên nền đất cát và sét không giống như trên nền đất yếu ở sông Sài Gòn. Nói chung là rất đơn giản không phức tạp như ở Thủ Thiêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận