Vết rết cắn trên tay em T.- Ảnh: VTC
Chiều 23-1-2021, em T., 14 tuổi, phụ ba mẹ dọn cỏ xung quanh nhà chuẩn bị ăn tết. Khi hốt đống cỏ mục cho vào cái ki hốt rác, bỗng nhiên bị đau nhói bàn tay, em hốt hoảng rút tay lại thì kéo theo con rết lớn như ngón chân cái còn dính lòng thòng trên bàn tay.
Ngay lúc đó xuất hiện cơn đau dữ dội tại vết cắn, rồi lan tới nách khiến em không chịu nổi phải la hét om trời.
"Chất độc ma quái"
Mọi người xúm lại giết con rết, ba của em T. nhanh chóng bắt con gà mái, lấy tay thọt vào miệng gà cho ngón tay dính đầy nhớt gà, rồi thoa lên vết thương của em T. 5 phút, rồi 10 phút, nửa tiếng cơn đau vẫn không giảm, nên ba mẹ em vội đưa T. vào cơ sở y tế khám.
Bác sĩ khám bàn tay của T. thấy sưng nề, đỏ, có hai vết thương sâu ở mô cái phía lưng của bàn tay, tương đương với vết kẹp của cặp răng hàm rết, không có chảy máu.
Bác sĩ nói: "Theo các tài liệu đông y thì nước dãi (nước bọt) gà trị được rết cắn. Nhưng bây giờ không nên làm vậy nữa, vì nó có hại nhiều lắm!".
Về mặt chuyên môn, khi rết cắn, cặp kìm rỗng ở đầu của nó có vai trò như ống tiêm chích để bơm chất độc vào cơ thể.
Chất độc của rết là một hỗn hợp rất nhiều chất như các chất gây dị ứng, chất chống đông máu, chất co cơ trơn, chất độc cho tim, chất độc giống bò cạp, mà chủ yếu là chất độc thần kinh, nó có tên là Ssm Spooky Toxin (chất độc ma quái).
Chất độc này nó không phá hủy mô thần kinh, mà chủ yếu tác động trên quá trình dẫn truyền tín hiệu thần kinh, gây rối loạn dẫn truyền thần kinh, kích thích thần kinh cảm giác làm cho nạn nhân đau đớn, tê tay chân; nó làm rối loạn thần kinh giao cảm gây chậm nhịp tim, chóng mặt, rối loạn nhịp thở, thở chậm.
Ngoài ra protein của độc chất còn gây dị ứng, tại vết cắn bị sưng nề, đỏ da, ngứa, chảy máu, nặng nhất là sốc phản vệ giống như bị sốc thuốc ở một số người có cơ địa dị ứng.
Điều may mắn là chất độc của rết không đủ nhiều để có thể giết người bị cắn, nên xét về mức độ nguy hiểm đến tính mạng thì rất thấp, trừ khi bị sốc phản vệ. Do bị rết cắn trong điều kiện môi trường ẩm thấp, dơ bẩn, nên nạn nhân dễ bị nhiễm trùng vết thương, nhất là vi khuẩn uốn ván.
Khi bị rết cắn, cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế - Ảnh minh họa
Nước dãi của gà không có chất giải độc
Còn nước dãi gà có trị rết cắn được không? Tới thời điểm hiện nay chưa có tài liệu khoa học nào khẳng định được điều này. Hơn nữa khi nghiên cứu nước dãi của gà, các nhà khoa học nhận thấy trong nước dãi gà không có chất giải độc của rết.
Trên kính hiển vi thấy nước dãi gà có nhiều chất nhầy, vi khuẩn, xoắn khuẩn (spirilla debris), mảnh vụn tế bào, bạch cầu, nấm (fungi), chất béo.
Nước dãi gà còn có nhiều men tiêu hóa tinh bột (amylase), rất ít men tiêu hóa đạm và mỡ. Trong mùa cúm gia cầm thì nước dãi gà còn có thể chứa virus cúm A H5N1, nếu chẳng may để bàn tay dính nước dãi gà, sau đó vô tình chạm lên mắt, mũi, miệng thì dễ bị cúm gia cầm.
Tóm lại, bà con mình không nên dùng nước dãi gà để cấp cứu rết cắn vì không hiệu quả và có nhiều cái hại. Khi bị rết cắn, sơ cứu ban đầu là rửa sạch vết thương bằng xà phòng và nước, chườm nóng hoặc ngâm nước nóng nhiệt độ 400C trong 15 phút.
Nếu tình trạng nạn nhân không giảm đau hoặc cảm thấy mệt hơn, thì nhanh chóng đưa nạn nhân vào cơ sở y tế để khám, theo dõi biến chứng, chăm sóc vết thương, chích ngừa uốn ván.
Điều trị rết cắn chủ yếu là giảm đau và an thần. Ngày nay đã có giải độc đặc hiệu chất độc của rết, tức đối kháng lại cơ chế dẫn truyền thần kinh của chất độc rết, mà không phải huyết thanh, được bác sĩ hướng dẫn mới dùng.
Mặc dù đa số bị rết cắn không nguy hiểm, nhưng nếu nạn nhân cảm thấy không khỏe sau khi bị rết cắn thì bà con mình nên đưa đến cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận